Gắn bó với nhà nông“Dù ai buôn đâu bán đâu/Mồng chín tháng Tám chọi trâu thì về”. Đây là câu ca dao được người Đồ Sơn, Hải Phòng truyền miệng nhau mỗi độ xuân về và mỗi kỳ lễ hội chọi trâu tại quận Đồ Sơn. Mở đầu hội chọi trâu là lễ tế thần Điểm Tước (vị thuỷ thần, và cũng là Thành hoàng làng của cả vùng Đồ Sơn). Lễ tế thần ngày hội chọi trâu là lễ lớn nhất trong năm của người Đồ Sơn, và sau đó vào hội, nên ai cũng náo nức, hồi hộp, chờ đợi… Từ hai phía của sới chọi, “ông trâu” được dẫn ra có người che lọng và múa cờ hai bên.
Khi 2 “ông trâu” cách nhau 20m, người dắt nhanh chóng rút “sẹo” cho trâu rồi khẩn trương thoát ra ngoài sới chọi. Hai trâu lao vào nhau với tốc độ khủng khiếp, sừng đập vào nhau kêu chan chát... giữa tiếng hò reo vang dậy của hàng ngàn khán giả. Kết thúc hội chọi trâu là một cuộc rước giải trâu nhất về đình làm lễ tế thần. Trâu nhất hàng tổng được phần thưởng là lá cờ vóc hồng thêu hai chữ “Thượng Đẳng”, 1 bát hương bằng đá xanh...
Một trận đấu tại hội chọi trâu Hải Lựu (Vĩnh Phúc). TTXVN
Theo tập tục của địa phương, các trâu tham gia chọi, dù thắng, dù thua, đều phải giết thịt, dân Đồ Sơn lấy một bát tiết cùng một ít lông của trâu để cúng thần, sau đó đổ xuống ao để tiễn thần... Du khách đến dự lễ hội có thể mua thịt trâu về ăn để cầu may.
Cầu mưa thuận gió hòaCòn với lễ hội chọi trâu ở Phù Ninh (Phú Thọ) mang đậm nét văn hóa dân gian thời đại Hùng Vương, không chỉ thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc, mà còn là nghi thức dân gian cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt. Theo truyền thuyết, khi các tướng lĩnh của Vua Hùng đi săn qua chợ Hàm Rồng (xã Phù Ninh ngày nay) gặp 2 con trâu đang đánh nhau, liền đâm chết, rồi đem mổ thịt. Do vậy, mỗi năm, 4 làng Cão, Phú Mãn, Ngọc Trù, Ngọc Khôi, mỗi làng mua một con trâu cà đen tuyền cho chọi và bày cỗ cúng tế để tưởng nhớ những thợ săn thời các Vua Hùng. Và đã thành thông lệ, cứ vào ngày 16-17.2 (âm lịch) hàng năm, huyện Phù Ninh lại rộn ràng vào hội chọi trâu...
Sân chơi lành mạnh cho nhân dân Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Tô Văn Động- Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội cho biết: Sở ủng hộ về mặt chủ trương việc Báo NTNN kết hợp UBND huyện Phúc Tho (Hà Nội) tổ chức hội chọi trâu năm 2014 nhằm giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể, phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, đẩy mạnh hoạt động du lịch, quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hoá truyền thống của nhân dân. Chúng ta cần khuyến khích tạo sân chơi lành mạnh cho nhân dân trong dịp đầu xuân mới.
|
Một lễ hội chọi trâu không thể không nhắc tới và cũng được cho là một trong những lễ hội chọi trâu cổ xưa nhất của Việt Nam, đó là lễ hội chọi trâu tại xã Hải Lựu, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc). Lễ hội này được khôi phục từ năm 2002, được tổ chức vào ngày 16 - 17 tháng Giêng âm lịch hằng năm.
Bên bến sông Lô thuộc xã Hải Lựu, tương truyền vào một buổi sớm mai, người ta thấy có 2 con trâu trắng đánh nhau rồi cùng nhảy xuống dòng sông, biến mất. Dân làng gọi là làng Bạch Ngưu và lễ hội chọi trâu cũng bắt đầu từ đó. Hàng vạn khán giả đến với hội chọi trâu Hải Lựu để không chỉ được chứng kiến những pha đấu nảy lửa, mà còn mang về một chút sinh khí khỏe mạnh, chút tinh thần thượng võ đầu năm mới từ thịt của các chú trâu chọi. Điểm đáng chú ý, các “đấu sĩ trâu” được các tập thể (xóm, làng hoặc họ tộc...) cùng tham gia nuôi dưỡng, huấn luyện.
Nhiều người cũng biết lễ hội chọi trâu tại huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, vào các ngày 10 và 11 tháng Giêng âm lịch. Với mỗi người dân địa phương, hội chọi trâu Hàm Yên là dịp để tạ ơn trời đất, cầu mong cuộc sống hạnh phúc bình yên, làm ăn thịnh vượng và may mắn.
Thanh Hà (Thanh Hà)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.