Độc đáo Lễ hội Gò Tháp xứ sen Tháp Mười

Nhất Huỳnh Thứ tư, ngày 06/05/2015 17:01 PM (GMT+7)
Ở miền Tây, lễ hội không nhiều nhưng mỗi lễ hội đều mang đặc trưng của văn hóa dân gian miền Tây. Và lễ hội Gò Tháp ở Tháp Mười thơm ngát hương sen được tổ chức vào tháng 3 và tháng 11 âm lịch là hoạt động văn hóa dân gian mang đặc thù riêng của vùng sông nước nơi đây.
Bình luận 0
Lễ hội này in dấu ấn một thời mở cõi, khát vọng bình an, mùa màng tươi tốt. Ngoài việc thỏa mãn nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng tôn giáo, Lễ hội còn là dịp để người dân vui chơi, giải trí sau những ngày tháng lao động mệt nhọc.
img
Du khách vào miếu Bà Chúa Xứ thắp hương (ảnh: Nhất Huỳnh)

Theo lời giới thiệu của một người bạn, chúng tôi tìm đến Gò Tháp vào đúng thời điểm lễ hội tưởng niệm bà Chúa Xứ diễn ra từ ngày 13 tháng 3 đến ngày 16 tháng 3 (âm lịch). Tương truyền Bà là người có công lao trong việc khai phá, tạo dựng và phát triển vùng đất này. Điều đầu tiên khiến chúng tôi ấn tượng là khung cảnh thiên nhiên bao la, rộng lớn và không khí cực kì náo nhiệt của dòng người tham gia lễ hội.

Đươc biết, khu di tích Gò Tháp thuộc ấp 4, xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, cách thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười khoảng 11km về phía Bắc, cách TP.Cao Lãnh về hướng Đông Bắc 43km (theo đường bộ và đường thủy). Vào ngày 27 tháng 9 năm 2012, Gò Tháp được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng vào danh sách Di tích quốc gia đặc biệt.

Bước chân lên Gò Tháp, du khách sẽ được tận hưởng những làn gió dìu dịu, thanh mát, tiếng chim hót líu lo đâu đó trên những cây cổ thụ như trôm, gáo, sao, dầu, thau lau sừng sững tỏa bóng thâm u. Từ Gò Tháp nhìn xuống thu vào tầm mắt không gian bao la, bốn bề rộng lớn với thiên nhiên tuyệt đẹp của vùng Tháp Mười khiến tâm hồn con người thư thái, yên bình hơn.

Theo lời kể của người địa phương, mỗi khi mùa nước lên, kể cả những năm mực nước lũ đạt đỉnh cao, điều đặc biệt là chỉ một phần Gò Tháp bị ngập, khi ấy Đồng Tháp Mười mênh mông trắng xóa một màu sông nước, xen lẫn với những cụm xóm làng xanh tươi như những ốc đảo, tạo thành một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp.

img
Tham quan khu nền tháp cổ (ảnh: Nhất Huỳnh)

 

Ngay từ sáng sớm, tại miếu Bà Chúa Xứ đã có đông đảo người dân thành kính thắp hương cúng viếng. Lễ hội diễn ra gồm 2 phần Lễ và Hội. Phần Lễ diễn ra từ chiều ngày 15 đến rạng sáng 16/3 âm lịch bao gồm: cúng cầu an, thỉnh sanh, thần nông và chánh tế. Có trực tiếp chứng kiến những nghi lễ ấy, du khách mới cảm nhận rõ nét văn hóa đặc trưng của xứ Tháp Mười nói riêng, của miền Tây Nam Bộ nói chung. Khi phần Hội diễn ra, mọi người sẽ được thưởng thức nét đẹp đặc trưng của đờn ca tài tử Nam Bộ, cùng hát với nhau một cách vui vẻ, giản đơn với sự mộc mạc, chân chất của người miền Tây. Ngoài ra, tại khu hội chợ, bày bán khá nhiều đặc sản Đồng Tháp, du khách có thể dễ dàng chọn lựa mua về làm quà cho người thân, bạn bè… 

img
Khu hội chợ tấp nập người mua sắm (ảnh: Nhất Huỳnh)

Vào dịp Lễ hội Gò Tháp diễn ra, thay vào sự yên tĩnh, vắng lặng là không khí tưng bừng, náo nức của dòng người từ các nơi đến tham quan với nhiều phương tiện khác nhau, xe máy, xe khách, thậm chí cả tàu ghe. Dòng người đông đúc là vậy nhưng việc tham quan, mua sắm đều diễn ra trong trật tự, hiền hòa một phần nhờ vào ý thức của người đi lễ, tính tự quản của nhân dân địa phương và sự tổ chức chu đáo của chính quyền địa phương.

Rời lễ hội Gò Tháp, chúng tôi ra về trong sự hân hoan, tự hào vì Gò Tháp không chỉ có lễ hội đặc sắc, hiền hòa ở miền Tây Nam Bộ mà nơi đây còn là quần thể di tích của Vương quốc Phù Nam cách đây hơn 1.500 năm; có hai di tích thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ… Hẹn gặp lại Gò Tháp vào lễ hội rằm tháng 11 tưởng niệm 2 vị anh hùng dân tộc là Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem