Nghề săn cá lóc đồng - "bà cậu" nơi miền Tây sông nước
Độc đáo nghề mưu sinh có cái tên lạ hoắc "bà cậu" ở nơi sông nước miền Tây
Thứ hai, ngày 30/11/2020 19:00 PM (GMT+7)
Những người sống bằng nghề “bà cậu” (nghề câu, lưới) có những cách thức đánh bắt cá mưu sinh khác nhau, làm nên gam màu đa sắc của đời sống nơi miền Tây sông nước.
Những người sống bằng nghề “bà cậu” (nghề câu, lưới) có những cách thức đánh bắt cá mưu sinh khác nhau, làm nên gam màu đa sắc của đời sống nơi miền Tây sông nước.
Những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản tự nhiên trong mùa nước nổi không còn nhiều như trước nhưng vẫn là nguồn thu nhập của rất nhiều ngư dân mỗi độ con nước về.
Tùy vào từng thời điểm, những người sống bằng nghề “bà cậu” (nghề câu, lưới) có những cách thức đánh bắt cá mưu sinh khác nhau, làm nên gam màu đa sắc của đời sống nơi miền Tây sông nước.
Thú vị nghề săn cá lóc đồng
Tại huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp vào những ngày một số cánh đồng còn ngập nước, "lão ngư" Nguyễn Văn Ẩm nghiêng người trên chiếc xuồng chống sào, thỉnh thoảng lại lội xuống ruộng nước bắt cá đầy điệu nghệ. Nghề này gọi là "đẩy côn bắt cá" và “chiến lợi phẩm” thu về phần lớn là loại cá lóc đồng, ngoài ra cũng có cá trê, cá rô - đặc sản đồng quê giản dị mà đậm đà hương vị.
"Lão ngư" Ẩm cho biết giàn côn là công cụ khua nước, khi cá va chạm với các côn sẽ chúi xuống bùn, tạo thành bong bóng nước nổi lên mặt nước (còn gọi là nổi tim) và lúc này, người đẩy côn, chỉ việc quan sát vị trí rồi dùng nơm bắt cá.
Giàn côn được làm bằng những thanh sắt nhỏ có độ dài 1,5m, được mắc vào một thanh côn bằng tre dài từ 12-15m, khoảng cách mỗi thanh sắt từ 20-30cm (được gọi là luồng côn). Mỗi giàn côn sẽ có hai luồng côn và được xếp theo hình chữ V đặt ở mũi xuồng. Việc giữ cân bằng hai luồng côn cũng như điều chỉnh hai luồng côn cao hay thấp phụ thuộc vào cột trụ dựng đứng có chiều cao khoảng 3-4m.
Khi bắt đầu đẩy côn, chỉ cần điều chỉnh luồng côn cho phù hợp với mực nước, sau đó người đẩy côn cho xuồng di chuyển trên khắp các cánh đồng nước.
Trên cánh đồng xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò, anh Phan Văn Bảy (42 tuổi) cùng với hai xuồng côn khác cũng “dàn trận địa” để săn cá lóc đồng.
Có nhiều cách bắt cá đồng mùa nước nổi, nhưng khi mực nước còn chưa đến quá đầu gối chính là thời điểm để “giương côn săn cá."
Để săn cá lóc đồng bằng phương thức đẩy côn đòi hỏi phải có sức khỏe tốt để vừa chống xuồng, vừa lội xuống đồng ruộng ngập nước để nơm cá và người bắt phải am hiểu tập tính, có tài quan sát bong bóng nước của cá.
Theo chia sẻ của những ngư dân lành nghề, đây là loại hình bắt cá khá đơn giản, không tốn nhiều chi phí đầu tư nhưng giúp người dân có thêm thu nhập giữa mùa giáp hạt.
Người làm nghề chỉ tốn khoảng 1 triệu đồng để làm giàn côn, một chiếc xuồng, chiếc nơm nhưng có thể kiếm được nguồn thu nhập vài trăm ngàn đồng mỗi ngày.
Điều đáng nói là phương thức đánh bắt này không mang về số lượng cá lớn nhưng chỉ bắt những con cá trưởng thành chứ không khai thác tận diệt.
Mùa cá ra sông
Thời điểm trên các cánh đồng bắt đầu cạn nước, nước đổ về các nhánh sông và rút dần cũng là lúc hoạt động đánh bắt trên sông của người dân diễn ra tất bật, bởi cá trên đồng cũng theo nước trở về sông.
Dọc theo các nhánh sông Tiền, sông Sở Thượng đi qua xã Thường Thới Hậu A, Thường Lạc của huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, những ngày này, hàng chục phương tiện xuống ghe bắt cá hoạt động nhộn nhịp.
Với kinh nghiệm của người làm nghề “bà cậu” lâu năm, bà Lê Thị Pha, ấp 2, xã Thường Lạc cho biết mỗi khi đồng rút nước để chuẩn bị xuống giống Đông-Xuân cũng là thời điểm người sống nghề chài, lưới dời địa điểm làm ăn.
Với chiếc xuồng, mỗi gia đình chuẩn bị vài “tay lưới” (đơn vị tính của một loại ngư cụ miền Tây) dài khoảng 100m, rộng 4-5m, chân lưới đóng chì và đầu lưới kết nối với các phao, các ngư dân ra sông thả lưới trôi vài trăm mét, rồi kéo lưới lên và thu hoạch cá.
Cứ như vậy, từng tay lưới của ngư dân được thả xuống và kéo lên liên tục từ sáng sớm đến chiều tối. Thành quả lao động là mỗi phương tiện thu hoạch từ vài chục ký cá, chủ yếu là loại cá trắng.
Ngoài ra, trên sông Tiền đoạn qua huyện Hồng Ngự và thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, còn có một hình thức đánh bắt thủy sản đặc trưng của miền Tây phổ biến vào cuối mùa lũ chính là đẩy dồn. Với hình thức này, lượng cá đánh bắt cũng nhiều hơn, người dân thu nhập tiền triệu mỗi ngày.
Phương thức đánh bắt này cần phải sử dụng một chiếc ghe, trước mũi ghe trang bị một dàn lưới dài trên 20m được buộc vào hai cây đòn dài trên 10m xếp theo hình chữ V và kết nối với một đòn bẩy chắc chắn.
Sau khi ghe đẩy lưới được một đoạn, một nhóm từ 3-5 người sẽ leo lên đòn bẩy để miệng lưới bật lên, dồn cá về phần đáy lưới. Mỗi lần đẩy khoảng 10 phút, người dân thu từ vài kg đến hơn chục kg cá.
Theo kinh nghiệm của người theo ghe đẩy dồn, nghề này phải tranh thủ thủy triều, khi thả lưới cần chú ý bụng lưới phải trôi xuống nước, tránh để lưới tấp hay mắc vào cây sẽ bị rách. Điều đáng nói là nghề này khá vất vả vì phải chịu ướt cả ngày. Những lao động theo ghe được trả công phụ thuộc vào những chuyến đánh bắt từ 150.000-200.000 đồng/ngày.
Vui nhất là cảnh buôn bán rất lạ của ngư dân: việc buôn bán được thực hiện ngay trên bờ, một cái xô rỗng được đặt trên lề đường như dấu hiệu “ở đây bán cá."
Sẽ có một người vừa chạy liên tục theo ghe, vừa rao hàng. Sau khi thỏa thuận giá cả với người mua, người trên bờ sẽ ra hiệu để người dưới ghe cân cá, chuyển cá tươi vào bờ bằng túi nylon. Lúc bấy giờ, người trên bờ chỉ cần vớt túi cá đưa cho khách và tính tiền.
Mỗi thời điểm, mỗi phương thức khác nhau của nghề săn cá đã làm nên bức tranh văn hóa miền Tây sông nước sống động, đa sắc màu, mặc dù vẫn biết rằng cuộc sống mưu sinh của ngư dân nơi đây còn lắm nhọc nhằn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.