Ngôi nhà được xây dựng bằng vỏ chai nhựa ở Thủ đô. Thực hiện: Thùy Dương- Hải Đường.
Căn nhà được xây dựng bằng vỏ chai nhựa
Căn nhà được dựng bằng 9.000 vỏ chai nhựa rộng vỏn vẹn 10m2. Đây là căn nhà nằm trong dự án "trường học thiên nhiên" được nhóm tác giả quy hoạch Tuệ Viên Organic farm và các nhóm tình nguyện viên thực hiện nhằm lan tỏa những kiến thức bổ ích về việc bảo vệ môi trường, sống "xanh" đến các bạn nhỏ.
Ngôi nhà có kết cấu đơn giản, phần mái được lợp bằng tôn, một cửa chính và hai cửa sổ nhỏ. Ngoài các nguyên vật liệu không thể thay thế như xi măng, cát, mái tôn... thì các vật liệu khác được tận dụng từ những thứ có sẵn trong nông trại. Phần kèo cột được vót từ chính những thân tre trồng trong vườn; hay trước đó, các tấm cửa sổ cũng được đan từ những thân cây trúc trồng tại vườn...
Điểm nhấn của căn nhà chính là chiếc cửa sổ độc lạ bằng những chai nhựa đựng nước trong suốt, vừa để trang trí cũng vừa để tận dụng tối đa nguồn ánh sáng tự nhiên chiếu sáng cho ngôi nhà.
Anh Quân, tình nguyện viên trông nom nông trại bật mí: "Vào buổi chiều, ánh nắng chiếu vào bức vách của ngôi nhà, nếu đứng từ bên trong căn phòng thì sẽ thấy mảng tường có chai nhựa đựng đầy nước sáng lên lấp lánh, trông như một cái cửa sổ thật vậy. Đó cũng là ấn tượng mạnh mẽ nhất đối với mình kể từ lần đầu tiên đặt chân vào ngôi nhà".
Theo chị Nguyễn Thanh Phương, quản lý hiện tại của nông trại, nơi này trước kia vốn là một khu đất lò gạch, hoang sơ, đất đai chai cứng nên nhóm của chị phải mất 2 đến 3 năm để phục hồi lại đất, sau đó mới bắt tay vào việc vun trồng cây xanh và xây dựng các công trình phục vụ Dự án "trường học thiên nhiên".
"Nhà chai" được xây dựng trong thời gian 6 tháng. Chị Phương, người lên ý tưởng cho ngôi nhà đã trăn trở với mong muốn xây dựng một ngôi nhà bằng chai để nhằm giảm thiểu lượng chai nhựa thải ra môi trường.
"Chúng ta mất từ 3 đến 5 phút để uống một chai nước nhưng trái đất lại mất hàng nghìn năm để phân hủy nó. Vì thế, mỗi chúng ta cần phải thay đổi nhận thức rằng mỗi chai nước thế này đều là tài nguyên mà mình có thể tận dụng nó vào nhiều công việc khác nhau", chị Phương bộc bạch.
Ngôi nhà tuy được dựng từ vỏ chai tái chế nhưng chi phí lại tương đương với những công trình khác có cùng diện tích bởi phần nền, móng, cột nhà và nguyên vật liệu kết dính vẫn phải sử dụng vôi, vữa, xi măng. Hơn nữa, bên trong các chai nhựa không để rỗng mà phải đổ đầy cát nhằm đảm bảo độ bền của công trình trước sự khắc nghiệt của thời gian.
"Tuy nhiên, công đoạn hao tốn chi phí nhất có lẽ là công đoạn lấp đầy các chai nhựa rỗng. Công đoạn đó được thực hiện hoàn toàn tự nguyện bởi mồ hôi, công sức của các bạn tình nguyện viên nên nó "đắt" đến mức chúng tôi không biết trả thế nào cho xứng đáng", chị Phương, quản lý nông trại xúc động chia sẻ.
Chai nhựa cũng chính là tài nguyên
Khi được hỏi về những khó khăn trong quá trình thi công, chị Khánh Linh, một trong những tình nguyện viên đã tham gia xây dựng "nhà chai" cho hay, để thực hiện hóa ý tưởng "nhà chai", kiến trúc sư Vũ Đức Duy và các tình nguyện viên đã không quản ngại khó khăn, "lặn lội" đi thu gom hơn 10.000 vỏ chai nhựa ở các Hội nghị về làm vật liệu xây dựng trong 2 tuần.
Nhóm mất 2 tháng cho công đoạn đổ đầy cát vào các chai nhựa. Hầu hết các công việc như trát vữa, đắp nền, lợp mái,... đều do các sinh viên tình nguyện góp sức cùng làm. Đối với những "người thợ không chuyên" như Khánh Linh thì đó quả là những việc khó nhằn và vất vả.
"Nhưng đó cũng là 6 tháng đáng nhớ nhất đối với tuổi thanh xuân của tôi. Chúng tôi không quản ngại khó khăn chỉ vì nghĩ rằng đang làm một công việc có ích cho môi trường, xã hội", chị Khánh Linh tâm sự.
Chị Nguyễn Thanh Phương (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ thêm: "Chúng tôi xây dựng ngôi nhà này chỉ với mong muốn mọi người sẽ không xả rác bừa bãi mà hãy phân loại rác. Những chai nhựa cũng là tài nguyên, vì vậy mọi người cần phân loại chúng".
Chị Diệu Linh, một trong những tình nguyện viên tham gia xây dựng ngôi nhà cho hay, 500 tình nguyện viên đã cùng chung tay góp công, góp sức xây dựng ngôi nhà bằng chai nhựa.
"Đây không đơn thuần là một căn nhà bình thường mà nó ẩn chứa những mong muốn, ước mơ lớn lao của mọi người về một cuộc sống trong lành, không rác thải. Với mô hình xây dựng từ chất liệu tái chế sáng tạo, nhà chai đã thu hút rất nhiều bạn trẻ, các bạn tình nguyện viên", chị Linh nói.
Anh Hải, du khách đến tham quan nông trại chia sẻ: "Khi đến đây, tôi cùng con gái đã ấn tượng với ngôi nhà chai ở góc nhỏ của khu vườn. Căn nhà nhỏ được xây dựng từ vật liệu tái chế mà hầu như mọi người đều coi đó là rác. Đây quả thực là một công trình ý nghĩa, tạo động lực cho các bạn trẻ".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.