Cứ độ "Tết đến Xuân về" Hà Nội lại mở trăm điểm chợ Hoa Tết. Lẽ nên gọi chợ Hoa Xuân, vì sau tết các điểm chợ hoa ấy vẫn bày bán cây cảnh, hoa và những cành đào, mận, lê…đẹp nét hoang sơ khí xuân ấm áp từ núi rừng Việt Bắc ùa về.
Đâu chỉ là những ngày Tết, ngày thường hoa vẫn "đắt như tôm tươi", phố phường còn có cả những siêu thị hoa sang chảnh. Người Việt mình yêu hoa, yêu cảnh sắc thiên nhiên lắm lắm. Ai là người khó tính, chỉ cần đảo qua chợ hoa, mọi ưu tư, trĩu nặng trong lòng bỗng nhiên tan biến.
Những ngày, trên đường về nhà vẫn "mua đường" đi vòng qua Nghi Tàm, Quảng Bá, Nhật Tân để tha hồ ngắm cây, hoa bày bán hai bên đường Âu Cơ. Mê ly và thích thú la cà vào các lều vải bán hoa địa lan để ngắm thế giới các loài lan. Những chậu hoa địa lan đài các, lộng lẫy, choáng ngợp đứng thành hàng trên thảm đỏ như những người mẫu dáng kiêu sa trình diễn thời trang.
Mỗi bông hoa hay mỗi cánh hoa lan là một tuyệt tác của thiên nhiên nhưng cũng phải kể đến bàn tay của nghệ nhân trồng hoa. Ấy là những đôi tay cần mẫn chăm sóc kỹ lưỡng cây trong điều kiện lý tưởng về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và dinh dưỡng. Để rồi cây cho hoa đẹp, thơm như Tiên giáng trần. Ngây ngất đi trong siêu thị hoa lan trong đầu ta hiển hiện những mỹ từ: Lộng lẫy, sặc sỡ, đài các, hoàn hảo, mỹ miều, kiêu hãnh…
Tôi yêu thích hoa Xuân có lẽ từ ngày còn thơ bé, theo bố đi chơi các phiên chợ Tết ở quê. Thời nơi bán cây và hoa chưa có địa điểm riêng, chỉ khiêm nhường một góc chợ. Khó khăn thường trực trên những gương mặt gày nhăn nheo khắc khổ chiến tranh, nhưng ngày Tết không thể thiếu tiếng nổ pháo tép và hoa Tết. Phiên chợ Tết thường họp vào ngày 28 tháng Chạp. Chợ phiên rất đông vì là nơi mua bán nông sản thiết yếu của người dân.
Sáng sớm tinh sương, chợ đã đông đúc, náo nhiệt với quang gánh, thúng mủng rau củ, quả đu đủ, buồng chuối xanh, nải chuối chín, lá chè tươi, gà sống thiến…dường như được chuẩn bị từ chiều hôm trước để sớm nay mang bày chợ. Đi chơi chợ Tết với người lớn thật thích.
Bố dẫn tôi đi xem những vật phẩm bày bán trong chợ: Gạo nếp, gạo tẻ, lá dong, bánh dầy giò, kẹo lạc, tranh Đông Hồ, Tò he… Tôi, một chú học sinh hiếu động, ham hiểu biết với bao nhiêu câu hỏi về hoa, về sinh vật cảnh đều được bố tôi, một thầy giáo làng giảng giải hết nhẽ.
Những bát hoa thủy tiên, loài hoa nở sớm nhất vào lúc chớm xuân. Bộ rễ trắng ngà, dáng mập mạp no đủ nhưng e lệ chìm trong nước mát. Cây hoa thủy tiên với những cọng lá xanh mềm thon như ngón tay trên bàn tay múa dẻo, khoe những bông hoa xinh xắn, nhụy vàng. Có hoa thủy tiên trong nhà, không chỉ là sự thanh cao, trang nhã mà đâu đó hương thơm mát dịu, không loài hoa nào có được.
Hoa hồng mang vẻ đẹp kiêu kỳ riêng biệt. Hồng nhung, hồng bạch, hồng phai, hồng vàng đua nhau xòe cánh môi thơm, bông hoa hồng đẹp như chiếc chén ngọc. Hoa hồng đúng là loài hoa có hương thơm và màu hoa quý phái, đài các, cho nên ai đó đã nói: "Hoa hồng chúa của các loài hoa".
Hoa cúc! Rất nhiều loại cúc đại đóa cánh hoa hình sao dễ thương như những bàn tay trẻ sơ sinh cong cong ngón tay chào. Có cả những bông cúc nhỏ như chiếc cúc áo len lấp lánh với ánh vàng, trắng, xanh…Nhìn những sọt cúc bông nhỏ như hạt đậu xanh, vàng đơm đầy mâm xôi thấy ấm lòng.
Mặt hàng hoa cũng được nhiều người dân tìm đến mua về cắm dịp Tết. Ảnh: Hồng Phúc.
Bố tôi thích hoa lay ơn. Hoa lay ơn cánh mỏng tang như cánh bướm. Màu hoa trắng toát giấy pơ luya tượng trưng cho sự tinh khiết, tinh khôi, thanh tao và cao sang, màu đỏ và hồng là sự ấm áp, hạnh phúc, sung túc… Ơi những bông hoa lay ơn thanh tú, diễm lệ mang vẻ đẹp hồn nhiên, yêu kiều.
Nghề dạy học với đức tính cần mẫn và yêu thương nên bố thích hoa lay ơn? Tôi chợt nhớ câu thơ của ai đó: "Lay ơn từng cánh trong ngần/Nghe như ai đó đang ngân tiếng lòng". Ngày ấy, tôi lại thích hoa thược dược vì bắt gặp ở loài hoa này màu hoa sắc nét trinh nguyên, quyến rũ nhưng thùy mị hồn nhiên, thầm thì nữ tính.
Chơi chợ hoa Xuân lòng phấn chấn, thảnh thơi cuộc đời ơi đẹp thế. Những bông hoa quyền quý, những bông hoa lay động lòng người hãy sống đẹp hơn. Những bông hoa mách bảo ta hãy sống chậm để nghe trong sâu thẳm sự kỳ vĩ của thiên nhiên, để trả lời câu hỏi vì đâu vì ai và cho ai?
Để mở hết các chiều kích tâm hồn đón nhận sự bình yên, thi vị, lãng mạn của cuộc người. Chúng ta cảm nhận sự chuyển dịch tự nhiên từ "ăn Tết" sang "chơi Tết" cùng với chơi hoa Xuân. Có phải người ta đang lấy hoa để thổ lộ, gửi gắm lòng mình với sự minh triết sâu sa.
Tác phẩm dự Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.
Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ II nhận bài viết dự thi kể từ thời điểm phát động tháng 4/2023, đăng tải bài viết từ ngày 01/5/2023 và kết thúc ngày nhận bài dự thi ngày 10/9/2023.
Cơ cấu giải thưởng: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 3 triệu đồng.
Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi sẽ được tổ chức vào đầu tháng 10/2023 tại Hà Nội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.