Chợ họp vào các ngày 2, 7, 12, 17, 22, 27 (âm lịch) hằng tháng. Cứ đến phiên chợ, tờ mờ sáng, khắp các ngả đường, từng đoàn người dắt trâu, bò vào cổng chợ và kẻ mua người bán diễn ra náo nhiệt cả một vùng quê.
Do nhu cầu cao của thị trường trong và ngoài tỉnh Hà Tĩnh nên hoạt động mua bán tại đây rất sôi động với sự tham gia của các thương lái đến từ khắp nơi và hàng trăm con trâu, bò mỗi phiên
Hầu hết trâu, bò được tắm rửa rất sạch sẽ, ăn no trước khi đưa đến chợ. Trong chốc lát, khoảng sân trống của chợ đã chật kín trâu, bò đủ các loại… và hoạt động trao đổi mua bán bắt đầu.
Với nhiều người, đi chợ còn là một thói quen để... xem trâu, bò. Họ xem đây như một thú vui vì được nhìn thấy nhiều trâu, bò đẹp, tốt giống; chứng kiến những cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên, những cái bắt tay, tiếng kêu rống của trâu, bò, tiếng mặc cả... ở phiên chợ.
Người mua trâu, bò về nuôi thường lựa chọn rất kỹ. Người mua, người bán trong chợ đều thuộc lòng câu “Đầu tang, xoáy tóc, hàm sà/Trong ba thứ ấy cửa nhà ra đi”, đó là tiêu chí cần tránh hàng đầu trong chọn mua giống.
Loại trâu, bò được ưa chuộng nhất là “mồm gầu dai, tai lá mít, đít lồng bàn”, là giống tạp ăn, dễ nuôi.
Đối với trâu, bò thịt thì phải nhìn dáng, nhìn xương, con nào to béo, lông xù xì và sừng ngắn thì chọn, có thế thịt mới săn chắc, ít mỡ, xương nhỏ... Bí quyết là vậy, nhưng nếu người đi mua không rành, rất dễ bị nhầm lẫn…
Ở chợ trâu, bò, người bán, người mua mặc cả giá với nhau bằng những cái đập tay, mỗi lần trả giá là một lần đập tay nhau...
..và tiền được trả ngay sau khi đồng ý mua, bán.
Trâu, bò được các thương lái mua về làm thịt.
Xế trưa, phiên chợ tan dần. Chợ phiên trâu, bò độc đáo này đã tồn tại từ nhiều đời nay đang góp nên một nét đặc sắc ở vùng nông thôn, đáp ứng nhu cầu mua, bán, trao đổi trâu, bò ngày càng tăng của người dân địa phương…
Nam Giang (Báo Hà Tĩnh)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.