Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Tại xã An Thái, anh Phạm Ngọc Thành đang phát triển thành công mô hình nuôi vịt công nghệ cao trong môi trường lạnh. Từ năm 2012, anh tận dụng diện tích cao su sẵn có, xây dựng mô hình nuôi vịt cạn dưới tán cây. Lúc đầu, việc quản lý thức ăn, dịch bệnh rất khó khăn; tỷ lệ hao hụt đầu con nhiều. Sau khi học hỏi kinh nghiệm từ các trang trại nuôi vịt trong chuồng lạnh, năm 2018 anh bắt đầu chuyển hướng nuôi vịt công nghệ cao.
Chuồng nuôi vịt công nghệ cao có hầm biogas xử lý chất thải, không có mùi hôi thối. Mỗi nhà bạt được lót tấm lưới bằng nhựa làm sàn. Trần nhà được lắp tấm xốp cách nhiệt, và gắn thêm máy quạt phun hơi nước để tạo không khí mát mẻ. Hệ thống nước uống và dây chuyền máng ăn đều được điều khiển qua phần mềm trên điện thoại.
"Nhằm giảm tỷ trọng, tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, huyện Phú Giáo tập trung các nguồn lực để phát triển vật nuôi chủ lực, khuyến khích phát triển các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao".
Ông Đoàn Văn Đồng -
Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo
Theo anh Thành, chi phí đầu tư cho 1.000 con vịt tốn khoảng 200 triệu đồng. Cơ sở vật chất này có thể sử dụng trong vòng 5-7 năm. Sau 3 năm nuôi, từ 1.000 con vịt, giờ đây trang trại của anh đã mở rộng lên gần 20.000 con.
Anh Thành kể, trước đây, nuôi 1 lứa vịt theo cách truyền thống phải nuôi mất 52-55 ngày; tiêu tốn khoảng 300 bao cám/1.000 con/lứa.
Hiện tại, cách nuôi bằng công nghệ cao chỉ cần 45 ngày, tiêu tốn 270 bao cám, vịt đã xuất chuồng với trọng lượng bình quân 3,5kg/con (tăng 200gam so với nuôi truyền thống). Với giá vịt dao động từ 50.000-52.000 đồng/kg, đem lại lợi nhuận cho gia đình hàng trăm triệu đồng/lứa.
Ông Trần Phi Long - Chủ tịch Hội Nông dân xã An Thái cho biết, trại nuôi vịt của anh Thành là một trong những mô hình hiệu quả ở địa phương: "Hội Nông dân sẽ vận động các hội viên nông dân tham gia, đồng thời kêu gọi các cơ quan chức năng hỗ trợ về kỹ thuật và nguồn vốn để nhân rộng mô hình".
Dùng phần mềm ngoại
Ở xã Phước Sang (huyện Phú Giáo), trang trại bò sữa của Công ty CP Anova Agri Bình Dương được xem là mô hình tiên phong trong ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực chăn nuôi.
Ông Nguyễn Thanh Trung - Tổng Giám đốc công ty cho biết, trang trại có quy mô 470ha, được xây dựng năm 2013. Công ty đang sử dụng phần mềm quản lý đàn bò sữa của châu Âu. Công nghệ điều khiển khí hậu trong chuồng nuôi được kiểm soát bởi máy đo và phần mềm quản lý, nhằm cân bằng nhiệt luôn ở một mức phù hợp. Công nghệ dinh dưỡng và kiểm soát việc cho bò ăn được áp dụng phù hợp theo từng lứa tuổi và từng nhóm bò cụ thể…
Tất cả công nghệ được áp dụng đều chạy bằng hệ thống quản lý phần mềm. "Hệ thống quản lý phần mềm này cũng đã được các chuyên gia nước ngoài nội địa hóa bằng tiếng Việt, phục vụ việc chuyển giao cho nông dân sau này" - ông Trung chia sẻ.
Ông Đoàn Văn Đồng - Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo cho biết, toàn huyện hiện có 153 trang trại chăn nuôi tập trung, trong đó có đến 145 trại ứng dụng công nghệ cao đã giúp giảm thiểu đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường; nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.