Đọc lại loạt bài "Nâng tầm lúa thơm, tôm sạch” đoạt giải Ba giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Chủ nhật, ngày 10/12/2023 11:41 AM (GMT+7)
Là một trong những tác phẩm được Hội đồng Giám khảo đánh giá cao, loạt bài "Nâng tầm lúa thơm, tôm sạch" vùng ĐBSCL" của nhóm tác giả Lư Dũng, Kiên Nhẫn (Báo Bạc Liêu) đã đoạt giải Ba - Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn 2023. NTNN/Dân Việt xin đăng lại loạt bài 4 kỳ rất hấp dẫn, đáng đọc này.
Bình luận 0
Đọc lại loạt bài "Nâng tầm lúa thơm, tôm sạch” đoạt giải Ba giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn - Ảnh 1.

LTS: Trong 10 năm trở lại đây, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - vùng châu thổ vốn được thiên nhiên ưu đãi - đã không còn giàu có, hào phóng như thời khai hoang, mở cõi. Tài nguyên nước và lượng phù sa dồi dào từ thượng nguồn Mê-Kông đổ về bồi đắp và tắm mát cho đồng bằng bao đời, nay trở nên cạn kiệt. Nguồn nước ngọt ví như “sữa mẹ” tạo sinh kế và nuôi sống hàng triệu nông dân của đồng bằng ngày một ít đi, trong khi đó nắng nóng, khô hạn, xâm nhập mặn ngày càng nhiều và gay gắt hơn. Có nhiều tiểu vùng sản xuất bị đẩy vào cảnh “chết khát”, mùa màng thất trắng, nông dân tha hương cầu thực. Biến đổi khí hậu (BĐKH) và thay đổi của dòng chảy đã làm đảo lộn sinh kế của người dân đồng bằng, đẩy hàng triệu lao động nông thôn vào cảnh khốn khó.

ĐBSCL có còn tiếp tục giữ được vai trò “nồi cơm” của cả nước và thế giới khi xuất khẩu gạo chiếm đến 95% và thủy sản chiếm 65% sản lượng toàn quốc? Song, cái đáng trăn trở và cảnh báo hơn cả là “sức khỏe” của nền nông nghiệp đồng bằng đã vượt quá khả năng chống chịu trước sự gia tăng nhanh của BĐKH trong điều kiện lượng phù sa, nước ngọt từ thượng nguồn đổ về ngày một giảm sâu. Do vậy, cần lắm một mô hình sản xuất để hóa giải nguy cơ này và góp phần tái cơ cấu lại mô hình tăng trưởng theo hướng chủ động thích ứng, “sống chung” với BĐKH. Đồng thời, biến các thách thức, khó khăn trở thành cơ hội, tiềm năng cho phát triển bền vững.

Bài 1: “Lúa, tôm” - mô hình hội tụ nhiều lợi thế

Cách đây hơn 20 năm, chuyện người nông dân vùng ĐBSCL kéo nhau “dẫn mặn nhập điền” trở thành vấn đề thời sự nóng hổi làm đau đầu nhà quản lý từ Trung ương đến địa phương. Bởi việc làm ấy là trái với quy luật của tự nhiên, vì bao đời nay chỉ có chuyện làm thủy lợi cấp ngọt, hay đắp đập ngăn mặn chớ làm gì có chuyện dẫn mặn vào đồng làm cho những vùng chuyên lúa chỉ sau một đêm trở nên mặn chát, phải nhường chỗ cho con tôm. Vậy mà sau vài năm chuyển đổi sản xuất, bắt con tôm “kết duyên” cùng cây lúa, thu nhập của người nông dân tăng hơn cả chục lần so với độc canh cây lúa.

Đọc lại Loạt bài "Nâng tầm “lúa thơm, tôm sạch” vùng ĐBSCL" đoạt giải Ba của báo Bạc Liêu (Bài 1) - Ảnh 1.

Mô hình sản xuất lúa - tôm kết hợp nuôi cá đồng và trồng bông súng cho thu nhập 150 triệu đồng/ha/năm ở huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu).


TỪ MÔ HÌNH SẢN XUẤT “THUẬN THIÊN”…

Có thể nói, một trong những thành tựu quan trọng và mở ra cơ hội cho ĐBSCL là người nông dân đã khai sáng ra mô hình “lúa - tôm” mà các nhà khoa học sau gần 10 năm nghiên cứu, đúc kết mới khẳng định: Đây chính là mô hình sản xuất “thuận thiên”, góp phần hóa giải các thách thức do BĐKH gây ra, nhất là tăng khả năng chống chịu, ứng phó và thích nghi với hạn hán, xâm nhập mặn trong điều kiện lượng nguồn nước ngọt không còn dồi dào như xưa.

Mới đây, tại hội thảo phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường cho khu vực ĐBSCL do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Cần Thơ tổ chức ở tỉnh Trà Vinh, TS. Đặng Hồng Hạnh qua công trình nghiên cứu thực trạng BĐKH ở khu vực ĐBSCL đã đưa ra những kịch bản cảnh báo và đề xuất các địa phương phải có ngay các giải pháp ứng phó với tình trạng thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn và sinh kế của hàng triệu nông dân. Theo đó, nếu nước biển dâng thêm 20cm thì diện tích sản xuất nông nghiệp sẽ mất đi trên 30%, nếu tăng thêm 50cm thì diện tích mất đi trên 40% và nếu tăng thêm 80cm thì diện tích sẽ mất đi trên 50% (do ảnh hưởng trực tiếp từ xâm nhập mặn). Và nhiều công trình nghiên cứu khác, các nhà khoa học cũng đã khẳng định khu vực ĐBSCL phải đối đầu với hạn hán, xâm nhập mặn và nước biển dâng là tất yếu.

Xuất phát từ thực tiễn không thể né tránh này, việc phải “sống chung” với hạn mặn và xem nước mặn là “tài nguyên” chính là giải pháp chiến lược trong việc hoạch định chính sách vì một ĐBSCL phát triển thịnh vượng, bền vững. Đây cũng là lý do mà từ năm 2020 đến nay, mô hình sản xuất lúa - tôm không ngừng được đầu tư, mở rộng ở các tỉnh khu vực ĐBSCL. Sau Nghị quyết 09 của Chính phủ cho phép chuyển đổi sản xuất từ trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản (NTTS), diện tích NTTS ngay trong 5 năm đầu đã tăng hơn 310.800ha, chiếm trên 82% diện tích chuyển đổi sản xuất của cả nước. Trong đó, diện tích sản xuất lúa chuyển sang NTTS (tôm, cá) chiếm gần 300.000ha. Đặc biệt, diện tích sản xuất lúa - tôm tăng nhanh và chủ yếu tập trung ở các tỉnh ven biển. Như Bạc Liêu, diện tích sản xuất lúa - tôm khoảng 1.200ha năm 2020, đến nay đã vượt trên con số trên 41.000ha. Hay ở Cà Mau đến nay có 40.000ha, Sóc Trăng hơn 7.910ha, Bến Tre 5.260ha, Trà Vinh hơn 3.160ha, Kiên Giang hơn 110.000ha. Và diện tích này đang được các tỉnh ĐBSCL phát triển thêm, với dự kiến đến năm 2030 sẽ tăng hơn 250.000ha.

Sở dĩ mô hình lúa - tôm không ngừng được quan tâm mở rộng, vì con tôm đã giúp nhiều nông dân đổi đời, làm thay đổi diện mạo cả vùng nông thôn, biến những nơi quanh năm phải đối mặt với nghèo khó, nhọc nhằn trở thành những vùng quê đáng sống với những xóm, ấp tỷ phú ngày một nhiều thêm.

Nông dân Trần Văn Huấn (xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) nhớ lại: “Trước chuyển đổi sản xuất, nhiều nơi của huyện Hồng Dân được gọi là “đồng chó ngáp”, vì đất bị nhiễm phèn mặn, cỏ năn um tùm và đời sống của người nông dân rất cực khổ. Mỗi năm, người dân chỉ trồng được một vụ lúa mùa với năng suất thấp và chủ yếu dựa vào nguồn nước mưa. Thế nhưng, từ khi áp dụng mô hình sản xuất lúa - tôm đã giúp nông dân đổi đời, từ thu nhập chỉ khoảng 20 triệu đồng/ha/năm cho chuyên lúa, nay đã vượt trên con số hơn 120 triệu đồng/ha/năm. Phải khẳng định rằng, con tôm đã giúp nông dân thoát nghèo, xây nhà tường và tạo điều kiện cho con cháu được ăn học đàng hoàng”.

Không chỉ giúp xóa nghèo, mà nhiều nông dân ở khu vực ĐBSCL đã làm giàu nhờ vào con tôm. Tiêu biểu là hộ ông Nguyễn Hoàng Phi (thị trấn Thứ Mười Một, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang), với mỗi năm thu nhập gần 400 triệu đồng nhờ vào sản xuất kết hợp đa con trên mô hình lúa - tôm. Đó là ngoài nuôi con tôm sú chủ lực, ông còn nuôi xen canh và luân canh con tôm càng xanh, cua biển, cá đồng…

Với quy trình sản xuất bắt đầu cải tạo, thả giống từ tháng 2 đến tháng 3 và kết thúc mùa vụ vào tháng 7, trung bình nuôi 2 vụ tôm/năm, năng suất đạt từ 250 - 350kg/năm và cho lợi nhuận bình quân của mô hình đạt trên 50 triệu đồng/ha/năm. Cùng với thu lợi trực tiếp từ cây lúa và con tôm, mô hình còn được gắn với nhiều loại thủy sản khác thông qua sản xuất kết hợp như: tôm càng canh, cua, cá đồng, trồng bông súng, rau sạch làm tăng thêm thu nhập cho mô hình từ 30 - 35 triệu đồng/ha/năm.

Đọc lại Loạt bài "Nâng tầm “lúa thơm, tôm sạch” vùng ĐBSCL" đoạt giải Ba của báo Bạc Liêu (Bài 1) - Ảnh 2.

Nông dân huyện An Minh (tỉnh Kiên Giang) trúng mùa tôm càng xanh trên đất lúa. Ảnh: Thanh Cường - Quốc Trinh


… ĐẾN MANG TẦM QUỐC TẾ

Đối với người nông dân vùng ĐBSCL, lúa - tôm không đơn giản là mô hình “thuận thiên”, mà còn là mô hình sản xuất “thông minh” khi góp phần giải quyết hàng loạt các vấn đề xã hội, môi trường liên quan trực tiếp đến phát triển bền vững. Một trong những vấn đề mang tính toàn cầu ấy là làm giảm sự tác động xấu đến môi trường do chính quá trình sản xuất tạo ra.

Khu vực ĐBSCL được xác định là vựa lúa của cả nước và đưa Việt Nam đứng vào tốp đầu về xuất khẩu gạo trên thế giới, nhưng sản xuất nông nghiệp - thế mạnh của vùng cũng là lĩnh vực có lượng phát thải khí nhà kính lớn. Theo nghiên cứu của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT): Sản xuất nông nghiệp mỗi năm phát thải trên 88 triệu tấn CO2e, trong đó 75% tổng khí thải là CH4 được thải ra từ sản xuất lúa. Đó là chưa nói đến việc, sau mỗi vụ mùa nông dân nhiều nơi có tập quán đốt đồng tạo ra lượng phát thải CO2, N20 rất lớn và tác động tiêu cực đến môi trường. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra hiệu ứng nhà kính và làm cho Trái đất nóng lên. Vì vậy, việc chuyển đổi sản xuất từ chuyên canh cây lúa 3 vụ/năm sang làm 2 vụ tôm và 1 vụ lúa sẽ góp phần cắt giảm lượng phát thải.

Qua công bố công trình nghiên cứu phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa - tôm khu vực ĐBSCL tại tỉnh Bạc Liêu, PGS-TS Mai Văn Trịnh - Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp Việt Nam, cho biết: “Qua so sánh sản xuất chuyên canh cây lúa với mô hình lúa - tôm, phát thải CO2 từ ao tôm chỉ chiếm khoảng 4.585kg, nhưng đối với sản xuất 2 vụ lúa phát thải CO2 từ ruộng trên 12.160kg”.

Không chỉ thế, lúa - tôm là mô hình sản xuất sạch nên hạn chế việc lạm dụng các loại hóa chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón được đổ trực tiếp vào đồng ruộng với số lượng hàng trăm ngàn tấn/năm, vốn được xem là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường nước, đất và không khí, cùng lượng rác thải khó phân hủy từ các chai, lọ, bao bì nhựa đựng vật tư nông nghiệp được chôn lấp trực tiếp vào môi trường.

Với những lợi ích thiết thực mang lại, trong nhiều năm qua, các tổ chức quốc tế đã chọn mô hình lúa - tôm để đầu tư, khuyến khích nhân rộng trong cộng đồng nhằm hướng đến mục tiêu xanh hóa sản xuất, tiêu dùng và cộng đồng trách nhiệm trong bảo vệ môi trường và cả an sinh. Điển hình như Dự án Đánh giá tính bền vững của các hệ thống canh tác lúa - tôm vùng ĐBSCL của Chính phủ Úc; Dự án Đầu tư sản xuất lúa - tôm có trách nhiệm tại vùng ĐBSCL, nhằm tăng khả tăng thích ứng với BĐKH của Quỹ Khí hậu và phát triển Hà Lan (DFCD); Dự án Mở rộng phát triển các mô hình canh tác lúa - tôm nhằm quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững vùng đất phèn mặn ở tỉnh Bạc Liêu do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF); Dự án Tăng cường bình đẳng giới trong chuỗi giá trị tôm và đầu tư kinh doanh nông nghiệp tại Việt Nam và Đông Nam Á - GRAISEA 2 do Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) thực hiện tại Cà Mau với sự hỗ trợ của OXFAM…

Sở dĩ các tổ chức quốc tế quan tâm đầu tư, khuyến khích nhân rộng mô hình sản xuất lúa - tôm, vì ngoài yếu tố bảo vệ môi trường, giảm lượng khí thải nhà kính, mô hình này còn góp phần tạo ra sinh kế cho hàng ngàn lao động nông thôn, nhất là lao động nữ thông qua các dịch vụ ăn theo mô hình. Bà Trương Thanh Xuân - Chủ tịch Hội LHPN huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu) cho biết: “Cái hay và độc đáo của mô hình sản xuất lúa - tôm là ngoài tạo ra thu nhập chính từ cây lúa, con tôm, nhiều nơi chị em phụ nữ còn tổ chức trồng rau sạch, bí rợ, bắp trên các bờ liếp vuông tôm. Việc làm này không chỉ phủ xanh đồng tôm, hạn chế sạt lở, chống thoái hóa đất, mà còn tạo thêm việc làm, thu nhập cho chị em, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo và tận dụng, khai thác tốt tài nguyên đất”.

Hay Dự án GRAISEA 2 khi được triển khai ở Hợp tác xã sản xuất lúa - tôm Trí Lực (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) đã góp phần giải quyết việc làm cho gần 100 lao động nữ. Đó là việc phụ nữ tham gia cải tạo, thu hoạch và đóng gói bao bì sản phẩm OCOP từ mô hình lúa - tôm…

Qua đó cho thấy, mô hình sản xuất lúa - tôm không chỉ rất “thông minh” trong ứng phó với BĐKH, mà còn giải quyết các vấn đề xã hội vốn trở thành nỗi nhức nhối của khu vực ĐBSCL. Trong báo cáo kinh tế thường niên được VCCI Cần Thơ công bố hằng năm, điều khiến nhiều nhà quản lý không khỏi xót xa, chạnh lòng là tình trạng ly hương của người dân ĐBSCL lên TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ xếp vào nhóm cao nhất so với cả nước với khoảng 150.000 người. Trong khi đó, ĐBSCL được xem là vùng đất trời phú giàu tài nguyên, nhưng người dân lại bị đẩy vào cảnh ly hương. Như tỉnh Bạc Liêu, trong tổng số trên 19.710 lao động được giải quyết việc làm trong năm 2022 thì có hơn 15.610 lao động phải xa xứ mưu sinh và chiếm gần 60% là lao động nữ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhiều lao động nữ đã bị tước đi quyền làm vợ, làm mẹ và chôn vùi tuổi thanh xuân của mình trong các khu công nghiệp mà nguyên nhân chính là không tạo được sinh kế tại quê nhà.

Mô hình lúa - tôm tuy hội tụ nhiều lợi thế, nhưng tiềm năng, thế mạnh này vẫn chưa được phát huy và cần lắm một cuộc cách mạng cho mô hình độc đáo, thông minh này.

Bài 2: Nâng tầm "lúa thơm, tôm sạch" vùng ĐBSCL: Vì sao giá trị chưa được phát huy? 

Thực tiễn đã chứng minh, mô hình sản xuất lúa - tôm không chỉ khẳng định được vai trò, tầm quan trọng trong ứng phó với biến đổi khí hậu, mà còn tạo ra sản phẩm sạch được nuôi trồng theo quy trình nông nghiệp sinh thái, phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển bền vững.

Thực tiễn đã chứng minh, mô hình sản xuất lúa - tôm không chỉ khẳng định được vai trò, tầm quan trọng trong ứng phó với biến đổi khí hậu, mà còn tạo ra sản phẩm sạch được nuôi trồng theo quy trình nông nghiệp sinh thái, phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển bền vững. Thế nhưng, điều đáng tiếc là đến nay,  mô hình này vẫn chưa  phát huy được các giá trị vốn có, giàu sức cạnh tranh và trở thành sản phẩm đặc thù rất độc đáo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và của Việt Nam.

Nâng tầm “lúa thơm, tôm sạch” vùng ĐBSCL: Vì sao giá trị chưa được phát huy? (Bài 2) - Ảnh 1.

Vận chuyển tôm nguyên liệu bằng đường thủy ở huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau).

GIÁ TRỊ BỊ ĐÁNH CẮP

So với mô hình nuôi tôm công nghiệp hay nuôi theo quy trình siêu thâm canh, mô hình sản xuất lúa - tôm được đánh giá là mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ và tạo ra sản phẩm sạch từ việc tận dụng nguồn thức ăn có sẵn từ tự nhiên. Bởi sau khi thu hoạch lúa, các phần dư thừa còn lại trong đồng ruộng trở thành nguồn thức ăn tự nhiên mà không cần phải sử dụng thức ăn công nghiệp để nuôi lớn con tôm.

TS. Nguyễn Công Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp hữu cơ, cho rằng: “Ưu điểm hữu cơ trong hệ sinh thái của mô hình lúa - tôm chính là tận dụng chất hữu cơ còn sót lại sau khi nuôi tôm để bổ sung dinh dưỡng cho cây lúa. Con tôm sẽ tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên từ việc phân hủy của rễ lúa và sinh vật phù du ở môi trường đất ngập nước giúp con tôm phát triển tốt. Đặc biệt, mô hình này tạo ra môi trường sinh thái cân bằng và điều kiện môi trường an toàn cho cây trồng, vật nuôi, nhất là hạn chế sâu bệnh cho cả cây lúa và con tôm, nhờ sự luân phiên (cây, con) để cắt nguồn dịch hại. Đồng thời, tăng độ phân giải và rửa trôi các yếu tố độc hại nhờ chế độ luân phiên của hệ sinh thái (nước mặn trao đổi với nước ngọt và sự hoạt động của rễ lúa cùng sự di chuyển của vật nuôi trong đồng ruộng). Ưu điểm hơn cả là mô hình này giúp giảm chi phí sản xuất bằng cách hạn chế sử dụng phân bón, do có chất hữu cơ phân hủy còn tồn lưu trong đất và hạn chế hoặc không sử dụng thuốc trừ sâu bằng cách cắt đứt nguồn sâu bệnh do luân canh. Cũng như, không cần làm cỏ hoặc làm rất ít nên không cần phun thuốc diệt cỏ (vì không có cỏ dại do sử dụng nước ngập nhiều tháng trong thời kỳ nuôi tôm trước khi trồng lúa, góp phần giảm ô nhiễm môi trường). Đây là điều kiện cơ bản để tạo ra thực phẩm ngon, bổ dưỡng và hữu cơ phục vụ đời sống, sức khỏe con người và tạo ra hàng hóa chất lượng cho xuất khẩu”.

Mô hình đã tạo ra sản phẩm sạch như thế, nhưng giá bán tôm nguyên liệu lại bị “cào bằng” so với con tôm sú nuôi theo quy trình công nghiệp. Trong khi đó, các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu luôn xem con tôm sinh thái nuôi trên đất lúa là nguồn nguyên liệu có chất lượng tốt, giúp doanh nghiệp cắt giảm được chi phí đầu vào, nhất là chi phí xét nghiệm nhằm kiểm tra dư lượng kháng sinh trước khi đưa con tôm vào chế biến xuất khẩu. “Giá trị con tôm sú trên đất lúa lâu nay đã bị “đánh cắp” khi nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thu mua giá tôm sú nuôi trên đất lúa và nuôi công nghiệp là ngang bằng nhau. Trên thực tế, chất lượng con tôm sú trên đất lúa là hàng đầu và có thể chế biến thành nhiều mặt hàng giá trị gia tăng mang lại lợi nhuận kinh tế rất cao”, ông Nguyễn Mạnh Triều - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần công nghệ và đầu tư Cửu Long (tỉnh Bạc Liêu), khẳng định.

Sở dĩ giá trị con tôm sú dễ dàng bị “đánh cắp”, ngoài việc các doanh nghiệp xuất khẩu cố tình kìm giá, còn có việc các địa phương và nông dân chưa “có đất” để dụng võ! Đó là các địa phương và khu vực ĐBSCL chưa xây dựng được một sàn giao dịch “đúng nghĩa” dành riêng cho con tôm để giúp nông dân. Nếu có, chỉ là các trang điện tử của các doanh nghiệp xuất khẩu hay các hiệp hội nuôi tôm nhằm phục vụ cho lợi ích của họ, còn bản thân nông dân thì không thể đem sản phẩm ra đấu giá.

Thời gian qua, con tôm được xác định là mặt hàng chủ lực và mang lại nhiều kim ngạch xuất khẩu, nhưng cả ĐBSCL vẫn chưa xây dựng được một chợ trung tâm hay chợ đầu mối dành riêng cho con tôm và giúp nông dân tạo ra cái quyền tự định giá và đấu giá cho sản phẩm của mình. Đặc biệt, điều kiện tự nhiên của vùng ĐBSCL là sông ngòi chằng chịt nên ở những vùng chuyên canh tôm - lúa các phương tiện vận tải không vào được, phải vận chuyển bằng đường thủy thì việc định giá cho con tôm hoàn toàn phụ thuộc vào các lái tôm và chỉ cần lái tôm “bắt tay” với nhau thì nông dân chỉ biết… kêu trời!?

Nông dân Nguyễn Hoàng Đặng (xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) nói: “Lâu nay, việc thu mua tôm của nông dân phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái và gần như nông dân chỉ có quyền tham khảo giá, còn quyết định giá lại là thương lái, do giao thông khó khăn quá, nếu không bán cho thương lái thì cũng không biết bán cho ai, ngay cả các hợp đồng bao tiêu thu mua tôm giữa hợp tác xã và doanh nghiệp cũng phải thông qua thương lái thu mua”!?

Nâng tầm “lúa thơm, tôm sạch” vùng ĐBSCL: Vì sao giá trị chưa được phát huy? (Bài 2) - Ảnh 2.

Tôm sú nuôi trên đất lúa cho chất lượng cao và được coi là sản phẩm đặc thù của vùng ĐBSCL và Việt Nam. Ảnh: L.D - Trọng Nguyễn

TÔM SẠCH BỊ LÀM BẨN!?

Có một vấn nạn rất bức xúc và kìm hãm giá trị của con tôm sạch được nuôi trên đất lúa chính là “tôm sạch” bị biến thành “tôm bẩn”, do gian lận thương mại của các cơ sở, doanh nghiệp sơ chế tôm nguyên liệu. Đó là nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu để làm tăng trọng lượng của con tôm, nhằm mưu lợi bất chính, làm mất đi chất lượng vốn có của con tôm sinh thái được kết tinh từ mô hình sản xuất lúa - tôm.

Riêng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, từ năm 2020 đến nay, Thanh tra Sở NN&PTNT, Công an tỉnh, Đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh và các đoàn liên ngành của các huyện, thị xã, thành phố đã tiến hành kiểm tra và phát hiện 84 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền phạt thu nộp ngân sách trên 3,9 tỷ đồng và tịch thu hơn 24.960kg tôm có chứa tạp chất. Song, số vụ bị phát hiện xử lý chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, do thủ đoạn bơm chích tạp chất ngày càng tinh vi và người vi phạm sẵn sàng phi tang hàng hóa khi bị phát hiện, nhất là vận chuyển bằng đường thủy.

Xuất phát từ nguyên nhân cơ bản này nên “giá trị sạch” của con tôm sú nuôi trên đất lúa không được đề cao và tạo ra một hệ lụy mới - chính là nhiều nông dân ở vùng chuyên sản xuất lúa - tôm bắt đầu quay lưng lại với con tôm sú bằng việc nuôi con tôm thẻ chân trắng trên đất lúa. Những năm giá tôm nguyên liệu tăng cao, thì diện tích thả nuôi tôm thẻ cũng tăng theo. Cụ thể, vùng sản xuất lúa - tôm phía Bắc Quốc lộ 1A của tỉnh Bạc Liêu, việc thả nuôi tôm thẻ trên đất lúa - tôm từ con số khoảng 12.690ha, đến nay đã vượt lên hơn 26.300ha. Trong khi đây là vùng quy hoạch cấm nuôi con tôm thẻ chân trắng, vì yếu tố môi trường và dịch bệnh.

Nâng tầm “lúa thơm, tôm sạch” vùng ĐBSCL: Vì sao giá trị chưa được phát huy? (Bài 2) - Ảnh 3.

Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Bạc Liêu phát hiện và bắt giữ các đối tượng bơm chính tạp chất vào tôm nguyên liệu tại TX. Giá Rai.

Việc làm mang tính tự phát này, nếu không được ngành Nông nghiệp có ngay các giải pháp can thiệp hay khuyến cáo thì hệ sinh thái của mô hình lúa - tôm sẽ bị đánh mất và tạo ra hàng loạt các nguy cơ về ô nhiễm môi trường sản xuất. Bởi đặc điểm của nuôi tôm thẻ là phải nuôi với mật độ cao, phải bổ sung thức ăn công nghiệp và cả việc sử dụng các loại hóa chất, thuốc kháng sinh để phòng bệnh cho con tôm.

Thực tế, nông dân ĐBSCL đang bước vào một cuộc chơi quá phiêu lưu khi sản xuất theo kiểu “ăn xổi ở thì” cho một mô hình đã dày công xây dựng hơn 20 năm. So với các mô hình nuôi tôm công nghiệp khác, thì nuôi tôm sú trên đất lúa là mô hình đặc thù gần như chỉ có ở khu vực ĐBSCL và Việt Nam. Vì vậy, phải xem đây là lợi thế cạnh tranh và cần đầu tư khai thác, nâng chất theo chiều sâu.

TS. Lê Thanh Lựu - Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS): Để Việt Nam không tự đánh mất ngôi vị

img

Phải khẳng định rằng, con tôm sú là đối tượng bản địa ở Việt Nam, đặc biệt là sản phẩm đặc thù rất chất lượng được nuôi trên đất lúa.

Xuất phát từ chất lượng vượt trội của con tôm sú so với con tôm thẻ nên nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt đầu quan tâm đến phát triển con tôm sú. Qua đó làm cho sản lượng tôm sú gia tăng đột biến, từ 382.000 tấn năm 2019, đến nay trên 546.000 tấn. Việc tăng đột biến này là nhờ các nước như: Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ, Bangladesh và Madagascar đã có đàn tôm bố mẹ được gia hóa có chất lượng tốt. Trong đó, Trung Quốc là nước có sản lượng tôm sú tăng nhanh và đạt 220.000 tấn năm 2022.

Nói thế để thấy rằng, phát triển con tôm sú chất lượng được sản xuất theo quy trình sạch phải được coi là mục tiêu mang tính chiến lược và lâu dài của Việt Nam. Bởi việc nuôi con tôm thẻ chân trắng càng ngày càng khó khăn, với các bệnh như: EMS, SHIV, EHP… đã rất phổ biến. Trong khi đó, tôm sú giống được gia hóa không bị các bệnh trên.

Mặt khác, xét về hệ thống canh tác bền vững để tạo ra sản phẩm tôm hữu cơ, sản phẩm tôm tự nhiên thì ưu thế thuộc về con tôm sú. Do vậy, việc nuôi con tôm thẻ trên hệ thống canh tác tôm - lúa có thể chỉ là giải pháp ngắn hạn với suy nghĩ rằng tôm thẻ chân trắng sẽ cho sản lượng cao hơn, nuôi ngắn ngày hơn. Nếu nhìn dài hạn, đặc biệt các nước Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ thì các quốc gia này đã quay lại với con tôm sú, thậm chí nuôi bán thâm canh và thâm canh.

Chính vì vậy, chúng ta cần có một cách nhìn rộng hơn, thấu đáo hơn đối với con tôm sú và đưa đối tượng này thành đối tượng chính cho các hệ canh tác quảng canh, tôm - lúa và cả tôm - rừng. Đây cũng là chiến lược để Việt Nam không tự đánh mất ngôi vị là nước đã có sản lượng tôm sú chất lượng cao nhất nhì trên thế giới.

Ông Hà Văn Buôl - Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu: Đề nghị xử lý vi phạm tôm bơm tạp chất vào nhóm tội phạm về an toàn thực phẩm

img

Chính phủ, Bộ NN&PTNT và các ngành quan tâm chỉ đạo xử lý hành vi bơm chích tạp chất, gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng đến nay vẫn không dập tắt được vấn nạn này. Trong đó, Bạc Liêu bị liệt kê vào danh sách một trong những tỉnh đứng đầu khu vực ĐBSCL về bơm chích tạp chất.

Để giải quyết có hiệu quả vấn nạn này, cùng với tăng cường công tác tuyên truyền, đề xuất và kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm phối hợp với Bộ Công an xem xét, đề nghị bổ sung hoặc hướng dẫn áp dụng xử lý hành vi vi phạm về bơm tạp chất vào nhóm tội phạm về an toàn thực phẩm trong Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, thay vì chỉ xử lý hành chính và tiêu hủy hàng hóa.

Cùng với đó, chỉ đạo Thanh tra Bộ NN&PTNT phối hợp thường xuyên với các địa phương kiểm tra các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu. Đồng thời, kiên quyết dừng xuất khẩu các lô hàng tôm thành phẩm có chứa tạp chất.

Bên cạnh đó, có ý kiến với UBND các tỉnh vùng Nam sông Hậu và vùng ĐBSCL tăng cường công tác phối hợp cung cấp thông tin, phối hợp xử lý và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phòng chống bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu. Cũng như, có ý kiến chỉ đạo với Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP), cùng với việc xử lý hành chính của cơ quan chức năng, thì Hiệp hội phải có giải pháp xử lý hội viên cố tình thu mua tôm nguyên liệu có chứa tạp chất.

Đối với UBND các tỉnh, cần chỉ đạo Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố, tăng cường kiểm tra thường xuyên và đột xuất các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm có dấu hiệu chứa tạp chất. Xem xét trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp khi để xảy ra tình trạng bơm chích tạp chất trên địa bàn phụ trách. Chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức cho các hộ kinh doanh và doanh nghiệp sơ chế tôm ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và huy động sức mạnh của hệ thống chính trị cùng tham gia đấu tranh, tố giác các hành vi gian lận làm ảnh hưởng đến chất lượng và thương hiệu của con tôm Việt Nam.

L.D (thực hiện)

Bài 3: Nâng tầm "lúa thơm, tôm sạch" vùng ĐBSCL: Tái cơ cấu mô hình tăng trưởng 

Để xây dựng, phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện đại, sinh thái, văn minh, phát triển nhanh và bền vững, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 13 về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Để xây dựng, phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện đại, sinh thái, văn minh, phát triển nhanh và bền vững, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 13 về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, đề ra quan điểm chỉ đạo là đẩy mạnh cơ cấu kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và chọn phát triển nông nghiệp sinh thái là trọng tâm.

Nâng tầm “lúa thơm, tôm sạch” vùng ĐBSCL: Tái cơ cấu mô hình tăng trưởng (Bài 3) - Ảnh 1.

Nông dân cần giữ cây lúa trên đất tôm cho phát triển bền vững.


ƯU TIÊN “3 ĐỘT PHÁ”

Theo quan điểm chỉ đạo chiến lược và quan trọng này, mô hình sản xuất lúa - tôm gần như hội đủ cả 3 yếu tố là kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và nông nghiệp sinh thái.

Tuy nhiên, để mô hình sản xuất lúa - tôm giữ được 3 yếu tố cơ bản trên, gắn với mục tiêu của Nghị quyết 13 đề ra là “sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng và mang lại giá trị gia tăng cao”, thì cần phải tái cơ cấu lại mô hình tăng trưởng và tập trung vào “3 đột phá”. Đó là tái cơ cấu sản xuất, tái cơ cấu ngành hàng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Mô hình sản xuất lúa - tôm tuy được đánh giá là bền vững, chi phí đầu tư thấp, ít rủi ro, nhưng nếu không giải quyết được “3 đột phá” thì chắc chắn mô hình này sẽ tự đánh mất đi tất cả những giá trị vốn có.

Thứ nhất, phải tập trung tái cơ cấu sản xuất, vì hiện nay mô hình sản xuất lúa - tôm đã bộc lộ hàng loạt các yếu kém mang tính nội tại và kìm hãm sự phát triển của mô hình. Như đối với con tôm, đến nay phần lớn người nông dân không quan tâm đến chất lượng con giống mà chủ yếu mua con giống trôi nổi, kém chất lượng thả nuôi. Trong đó, chiếm phần lớn là con giống được bán tháo, bán chạy từ các trại tôm giống sau khi đã xét nghiệm và phát hiện bị nhiễm bệnh không thể bán cho các hộ nuôi tôm theo mô hình công nghiệp. Việc nông dân mua con giống trôi nổi kém chất lượng, không chỉ gây lãng phí tiền đầu tư, không kiểm soát được đầu con giống để đánh giá vụ nuôi đó trúng hay thất, mà còn làm mất thời gian nếu vụ nuôi ấy thất bại do tôm giống không chất lượng, có tỷ lệ hao hụt cao.

Thực tế cho thấy, một số nông dân đã nhận ra khiếm khuyết này và mạnh dạn chuyển hình thức canh tác truyền thống từ thả tôm giống trực tiếp xuống ruộng nuôi sang ương tôm giống lại và “vỗ lớn” trong hệ thống ao vèo trước khi thả nuôi. Ông Nguyễn Văn Dũng (xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) có 4ha áp dụng mô hình lúa - tôm. Ông đã đào ao để vèo tôm giống từ 2 - 2,5 tháng trước khi đưa vào ruộng lúa. Nhờ vậy, ông kiểm soát được đầu con thả nuôi, do tôm giống nuôi trong ao vèo lớn tạo ra khả năng kháng bệnh, sinh trưởng cao và gần như tính toán được năng suất khi thu hoạch. Cùng với đó là đầu tư nâng cấp hệ thống mương bao, đắp cao hơn mặt ruộng trên 1m, nhằm mục đích giữ được nhiều nước và ứng phó với tình trạng khô hạn do thiếu nước hay độ mặn quá cao cần nguồn nước dự trữ để dung hòa làm giảm mặn. Với cách làm sáng tạo này, gia đình ông thu lãi trên 400 triệu đồng/năm và năm nào tôm nuôi cũng trúng mùa.

Mô hình sản xuất lúa - tôm còn một “nút thắt” nữa - chính là vấn đề nâng cao chất lượng cho cây lúa. Sản xuất lúa trên đất tôm tuy được canh tác theo hướng sạch, cho lúa thơm, gạo ngon, nhưng cũng cần một quy trình bài bản và căn cơ, do các phụ phẩm còn sót lại của cây lúa chính là nguồn thức ăn tự nhiên của con tôm. Điều đó đồng nghĩa với việc, nếu cây lúa sản xuất theo quy trình sạch, hữu cơ thì mới tạo ra nguồn thức ăn hữu cơ cung cấp cho con tôm và ngược lại.

Kỹ sư Lê Hữu Ân - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Muốn tạo ra sản phẩm lúa thơm, tôm sạch thì sản xuất lúa trên đất tôm phải xây dựng một quy trình sản xuất mới. Bởi hiện nay, cây lúa trồng trên đất tôm vẫn bị nhiễm bệnh và nông dân phải phun xịt thuốc bảo vệ thực vật nhiều lần để phòng trừ dịch hại. Như năm 2022, vùng sản xuất lúa - tôm của các huyện Hồng Dân và huyện Phước Long chiếm trên 90% diện tích bị bệnh đạo ôn, nông dân phun xịt nhiều loại thuốc, nhưng có nơi vẫn rơi vào cảnh thất mùa. Do vậy, việc nghiên cứu một quy trình, sản phẩm và bộ giống ít bị nhiễm bệnh cho sản xuất lúa sạch, hữu cơ là vấn đề cần được các nhà khoa học quan tâm nhiều hơn nữa”.

Một nhiệm vụ có tính chiến lược và góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu mang lại giá trị gia tăng cao cho sản phẩm hàng hóa chính là cần tập trung tái cơ cấu lại ngành hàng. Qua khảo sát, phần lớn các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu hiện nay đều tập trung cho mặt hàng tôm sú đông block. Nghĩa là con tôm sú chỉ được sơ chế và cấp đông rồi xuất đi nước ngoài, thay vì được chế biến thành các mặt hàng giá trị gia tăng cao như: tôm hấp, tôm tẩm tỏi, tôm lăn bột, tôm sushi…

Xét ở góc độ nào đó, việc doanh nghiệp xuất khẩu không đầu tư chế biến, phát triển các mặt hàng giá trị gia tăng cao chính là nạn “bán rẻ tài nguyên”, mà bằng chứng cụ thể là nhiều nước nhập khẩu đã mua con tôm đông block của Việt Nam về chế biến thành các mặt hàng giá trị gia tăng cao, thức ăn nhanh và mang lại lợi nhuận tăng thêm từ 5 - 10 lần so với xuất con tôm nguyên liệu thô. Việc “chảy máu” tài nguyên này, thật sự rất lãng phí cho một nguồn nguyên liệu sinh thái rất chất lượng và phải mất nhiều thời gian nuôi so với nuôi con tôm sú theo hình thức công nghiệp.

Qua điều tra thực tế, nguyên nhân của bất cập này, ngoài doanh nghiệp xuất khẩu không có vốn đầu tư cho dây chuyền, công nghệ sản xuất mặt hàng giá trị gia tăng, thì “điểm nghẽn” chính là tác phong công nghiệp, trình độ tay nghề của đội ngũ công nhân.

Nâng tầm “lúa thơm, tôm sạch” vùng ĐBSCL: Tái cơ cấu mô hình tăng trưởng (Bài 3) - Ảnh 2.

Ông Lê Văn Mưa - Giám đốc HTX sản xuất lúa - tôm Trí Lực với sản phẩm gạo nổi tiếng Hoàng Yến. Ảnh: L.D


Ông Trần Tuấn Khanh - Giám đốc Công ty TNHH chế biến và xuất nhập khẩu Trang Khanh (TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), cho biết: “Chế biến mặt hàng giá trị gia tăng sẽ mang lại nhiều lợi nhuận và doanh nghiệp nào cũng muốn làm. Khổ nỗi, làm mặt hàng này sẽ đẩy doanh nghiệp vào cảnh rủi ro, thậm chí nợ nần, phá sản. Vì muốn sản xuất mặt hàng giá trị gia tăng cao thì công nhân phải có tay nghề và được đào tạo lại, do lâu nay họ chỉ làm sơ chế. Điều đáng nói là phần lớn lao động hiện nay đều không muốn tham gia học nghề và chỉ thích làm thời vụ hay công nhật. Nghĩa là vào mùa vụ, chỉ cần doanh nghiệp xuất khẩu nào cho giá lột tôm cao hơn vài chục ngàn đồng/ngày là họ bỏ công ty của mình ngay. Việc người lao động không gắn bó và chưa có tâm huyết, tác phong lao động nên các doanh nghiệp xuất khẩu muốn chế biến hàng giá trị gia tăng cao rất sợ, vì nếu ký hợp đồng với các đối tác nước ngoài mà đến thời hạn thanh toán đơn hàng không có lao động làm, không có hàng để giao thì doanh nghiệp chỉ có… chết”.

Từ đó cho thấy, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, có tay nghề cao gắn với xây dựng tác phong công nghiệp cho lao động trong ngành Chế biến thủy sản xuất khẩu phải được xem là giải pháp mang tính đột phá để nâng cao giá trị con tôm và khai thác, phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên từ con tôm sinh thái.

YÊU TÔM NHƯNG ĐỪNG BỎ LÚA!

Có một vấn đề đáng cảnh báo trong phát triển mô hình lúa - tôm hiện nay chính là một số nông dân vì chạy theo lợi nhuận đơn thuần đã bất chấp sự phát triển bền vững trong tương lai. Đó là vào những năm giá tôm giữ ở mức cao hoặc giá lúa bị thấp, thì nông chỉ tập trung sản xuất 3 vụ tôm/năm, thay vì sản xuất 2 vụ tôm và 1 vụ lúa/năm. Do áp dụng mô hình 3 vụ tôm/năm nên đồng ruộng đã không tạo ra được lượng thức ăn tự nhiên từ cây lúa, nông dân phải mua rơm rạ từ các vùng chuyên lúa về làm thức ăn cho con tôm, hoặc bổ sung thức ăn công nghiệp. Trong khi đó, rơm rạ từ các vùng chuyên lúa có tỷ lệ nhiễm thuốc bảo vệ thực vật rất cao và cả việc sử dụng các loại thuốc kích thích tăng trưởng. Việc làm này của nông dân chẳng khác nào tự “đầu độc” cho cánh đồng sinh thái của mình chỉ vì chạy theo lợi nhuận trước mắt. Đó là chưa nói đến việc làm mang tính tự phát này còn gây ảnh hưởng đến lợi ích chung và đảo lộn lịch thời vụ khi các hộ khác trữ ngọt để trồng lúa, còn mình thì dẫn và trữ mặn để nuôi tôm?!

Để nâng cao chất lượng và phát huy giá trị của hạt lúa được sản xuất trên đất tôm thì một giải pháp mang tính căn cơ hiện nay chính là vận động các hộ sản xuất lúa - tôm tham gia hợp tác xã (HTX) và hướng đến thành lập Liên hiệp các HTX sản xuất lúa - tôm mang cấp đồng bằng.

Sở dĩ phải tập trung làm tốt giải pháp này vì HTX sẽ giải quyết được “3 cái khó” được ví như các “nút thắt” vốn kìm hãm tiềm năng, giá trị của mô hình sản xuất lúa - tôm, gồm: sản lượng, giá bán và thị trường.

Nâng tầm “lúa thơm, tôm sạch” vùng ĐBSCL: Tái cơ cấu mô hình tăng trưởng (Bài 3) - Ảnh 3.

Tôm sú đông block nguyên con xuất sang thị trường Trung Quốc được sơ chế tại tỉnh Bạc Liêu.


Do sản xuất lúa - tôm cho năng suất không cao nên sản xuất cần phải tập trung để tạo ra sản lượng lớn. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đã hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân, nhưng các liên kết này nhanh chóng bị “bẻ gãy” và “chết non”. Bà Âu Ngọc Vững - Tổng Giám đốc Công ty Âu Vững (TX. Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu), phản ánh: “Doanh nghiệp không thể tốn nhiều chi phí để điều xe tải hàng chục tấn chỉ vì đợi thu mua vài trăm ký tôm của nông dân rồi về, mà doanh nghiệp cần là sản lượng lớn mới có thể đưa vào nhà máy chế biến”. Cũng xuất phát từ việc không tạo ra được sản lượng lớn này nên giá bán của tôm nguyên liệu bị lệ thuộc vào thương lái và bị chi phối cả thị trường tiêu thụ.

Vì lẽ đó, các hộ nông dân phải tích cực tham gia HTX theo hình thức tập trung ruộng đất để sản xuất ra hàng hóa lớn. Đây cũng chính là nền tảng mang tính bắt buộc trong xây dựng và hình thành nên “chuỗi giá trị” và “sản xuất khép kín” thông qua liên kết với các doanh nghiệp từ việc doanh nghiệp tham gia đầu tư vật tư đầu vào gắn với hợp đồng bao tiêu sản phẩm đầu ra cao hơn giá thị trường.

Song, muốn xây dựng và phát triển mạnh các HTX sản xuất lúa - tôm như thế, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương phải có chính sách đặc thù cho các HTX. Trong đó, cần đề cao tính cộng đồng, an sinh và bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững, thay vì chỉ xem HTX như một doanh nghiệp.

Ông Lê Văn Mưa - Giám đốc HTX sản xuất lúa - tôm Trí Lực (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) đề xuất: “HTX tuy hoạt động như doanh nghiệp nhưng lại là một tổ chức đặc thù và mang tính xã hội rất cao. Phần lớn thành viên tham gia HTX đều là hộ nghèo, hoặc hộ khó khăn thì làm sao tạo được nguồn lực tài chính như các doanh nghiệp. Đến mùa vụ, bản thân tôi phải cầm “sổ đỏ” của gia đình để lo tiền sản xuất cho HTX, thậm chí sản phẩm gạo Hoàng Yến của HTX làm ra rất nổi tiếng và đạt sản phẩm OCOP 3 sao, nhưng muốn nâng lên 4 sao và tăng thêm sản lượng cũng không được do chưa được hỗ trợ mặt bằng để xây dựng kho đạt chuẩn theo quy định (HTX Trí Lực là HTX đầu tiên của tỉnh Cà Mau đạt chứng nhận quốc tế ASC và đây được xem là “giấy thông hành của con tôm, hạt gạo xuất khẩu sang các thị trường khó tính). Do vậy, đề xuất các bộ, ngành Trung ương và địa phương cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ mang tính đặc thù cho các HTX, nhất là ưu đãi về vốn, lãi suất cho vay, thuế và mặt bằng xây dựng kho bãi phục vụ cho chế biến, dự trữ và tập kết hàng hóa”.

Dồn lực cho cây lúa, con tôm

Kiên Giang, Cà Mau và Bạc Liêu là 3 địa phương có diện tích sản xuất lúa - tôm cao nhất vùng ĐBSCL và các địa phương này đang dồn lực để nâng chất, phát huy giá trị cho mô hình sản xuất được đánh giá là độc đáo.

* Ông Trần Công Danh - Phó Giám đốc Sở NN&PTN Kiên Giang: Xây dựng Đề án hạ tầng logistic cho vùng sản xuất tôm - lúa

img

Với diện tích sản xuất lúa - tôm đứng đầu khu vực ĐBSCL, đến nay Kiên Giang đã xây dựng mô hình đạt các tiêu chuẩn như: Vietgap, GlobalGAP, hữu cơ, chứng nhận ASC và BAP.

Để phát huy thế mạnh từ mô hình này, Kiên Giang đã xây dựng Đề án hạ tầng logistic cho vùng sản xuất tôm - lúa và hứa hẹn tạo nên những đột phá mới. Đặc biệt, tỉnh đang tập trung tổ chức lại sản xuất gắn với phát triển ổn định mô hình tôm - lúa ở vùng U Minh Thượng và mở rộng phát triển ở khu vực phía Nam Quốc lộ 80. Phấn đấu xây dựng thành công "chuỗi giá trị tôm - lúa" Kiên Giang nói riêng và cho cả vùng ĐBSCL nói chung.

Ông Phan Hoàng Vũ - Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau: Tổ chức lại sản xuất theo hướng tập thể

img

Để nâng chất và phát huy giá trị của mô hình sản xuất lúa - tôm, Cà Mau sẽ tổ chức lại sản xuất theo hướng tập thể và thành lập các HTX, tổ hợp tác, câu lạc bộ, hội quán…

Việc nông dân tham gia HTX và liên kết sản xuất sẽ giúp ngành Nông nghiệp thực hiện tốt "3 tập trung" trong chỉ đạo sản xuất lâu nay. Đó là cải tạo tập trung, xuống giống tập trung và thu hoạch tập trung theo đúng lịch thời vụ, nhằm tạo ra sản lượng lớn.

Ngoài ra, việc làm này còn giúp ngành Nông nghiệp làm tốt công tác quản lý dịch bệnh và tạo thuận lợi trong quản lý, điều tiết nguồn nước phục vụ cho phát triển sản xuất.

Ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu: Cải thiện và nâng cao năng suất cho con tôm

img

Một trong những hạn chế của mô hình sản xuất lúa - tôm chính là năng suất thấp nên giá trị kinh tế mang lại chưa cao. Vì vậy, Bạc Liêu đã và đang tích cực nghiên cứu ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất với mục tiêu cải thiện và nâng cao năng suất cho con tôm. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, năng suất tôm nuôi đạt 0,48 tấn/ha/năm và đến năm 2030 cho năng suất đạt 0,52 tấn/ha/năm.

Bài cuối: Nâng tầm "lúa thơm, tôm sạch" vùng ĐBSCL: Đẩy mạnh liên kết vùng

Mô hình sản xuất lúa - tôm tuy hội tụ nhiều yếu tố "thiên thời", nhưng muốn khai thác, phát huy hiệu quả và nâng chất mô hình trở thành "hình mẫu" thì vẫn còn nhiều chuyện phải bàn, nhất là bài toán hạ tầng thủy lợi phải được đặt trong Quy hoạch tổng thể của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã được phê duyệt từ Quyết định.

Mô hình sản xuất lúa - tôm tuy hội tụ nhiều yếu tố “thiên thời”, nhưng muốn khai thác, phát huy hiệu quả và nâng chất mô hình trở thành “hình mẫu” thì vẫn còn nhiều chuyện phải bàn, nhất là bài toán hạ tầng thủy lợi phải được đặt trong Quy hoạch tổng thể của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã được phê duyệt từ Quyết định 287.

Nâng tầm “lúa thơm, tôm sạch” vùng ĐBSCL: Đẩy mạnh liên kết vùng (Bài cuối) - Ảnh 1.

Hệ thống thủy lợi cống Cái Lớn - Cái Bé góp phần giải quyết bài toán nguồn nước phục vụ cho sản xuất lúa - tôm của các tỉnh khu vực ĐBSCL.

KHAI THÔNG “MẠCH MÁU”

Với quan điểm xây dựng vùng ĐBSCL theo hướng phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, Quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2030 “trở thành trung tâm nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và trên thế giới trên cơ sở phát triển hệ thống trung tâm đầu mối về nông nghiệp” và đến năm 2050 “trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước”.

Có thể nói, đây thật sự là những mục tiêu, tầm nhìn chiến lược và thể hiện khát vọng cháy bỏng của người dân đồng bằng. Song, để hiện thực hóa các mục tiêu này, cần một cuộc cách mạng về hạ tầng, nhất là hạ tầng thủy lợi phục vụ cho phát triển con tôm, cây lúa nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung.

Phải khẳng định rằng, ĐBSCL tuy được ví như “vựa lúa”, “mỏ tôm” mang lại nhiều kim ngạch xuất khẩu cho quốc gia, nhưng hạ tầng thủy lợi của vùng lâu nay vẫn chưa được đầu tư, đáp ứng kịp nhu cầu phát triển sản xuất và không tạo ra khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Bởi hạ tầng thủy lợi luôn đi sau quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất, thay vì phải tiên phong.

Chẳng hạn như tỉnh Bạc Liêu, hệ thống thủy lợi được quy hoạch trước năm 1997 chủ yếu phục vụ cho sản xuất lúa, nhưng từ khi chuyển dịch cơ cấu sản xuất sang làm 1 vụ lúa, 2 vụ tôm, hệ thống thủy lợi đã bộc lộ hàng loạt các khuyết điểm, yếu kém, do “cõng” trên lưng nhiều nhiệm vụ và gần như quá sức chịu đựng.

Từ hệ thống thủy lợi chỉ đảm nhiệm chức năng ngăn mặn, giữ ngọt và chống ngập úng, nay phải gánh thêm trách nhiệm cấp nước mặn, xả thải phục vụ cho nuôi tôm trên đất lúa trên cùng một công trình. Trong khi đó, nhu cầu cần cho mô hình sản xuất lúa - tôm là được đầu tư xây dựng một hệ thống cấp mặn riêng cho con tôm và một hệ thống điều tiết nước ngọt cho cây lúa.

Xuất phát từ yếu kém về hạ tầng thủy lợi đã dẫn đến chuyện tranh chấp mặn - ngọt giữa các tỉnh của khu vực ĐBSCL. Ông Ngô Nguyên Phong - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu, cho biết: “Do gặp khó về hạ tầng thủy lợi nên việc điều tiết nước phục vụ cho sản xuất lúa - tôm gặp nhiều khó khăn. Như việc dẫn mặn cấp nước phục vụ cho hơn 7.000ha vùng chuyên sản xuất lúa - tôm của huyện Hồng Dân và huyện Phước Long lâu nay luôn gặp khó. Nếu dẫn mặn vào quá sâu sẽ làm ảnh hưởng đến vùng chuyên trồng lúa của tỉnh Hậu Giang, tỉnh Kiên Giang và làm cho 2 khu vực này bị nhiễm mặn gây chết lúa, hoặc khi điều tiết nước chống ngăn mặn ở các khu vực khác của vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A cũng làm ảnh hưởng đến tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Cà Mau”.

Để bảo vệ sản xuất của địa phương mình, nhiều tỉnh đã đầu tư xây dựng các hệ thống ngăn mặn, trữ ngọt, nhưng điều đó chỉ mang tính cục bộ. Nghĩa là công trình ấy chỉ bảo vệ được lợi ích của một tiểu vùng sản xuất của địa phương mình và làm ảnh hưởng đến lợi ích của các tỉnh khác. Theo phản ánh của nhiều hộ dân ở ấp Hoàng Quân 1, Hoàng Quân 2 (xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu), từ khi khu vực giáp ranh tỉnh Sóc Trăng xây dựng cống Mỹ Thanh ngăn mặn thì việc lấy nước nuôi tôm của người dân gặp nhiều khó khăn. Nếu như trước đây vào tháng 2 đã có đủ nước mặn để nuôi tôm, thì bây giờ đến tháng 5 nước mặn mới về và vẫn thiếu.

Từ thực trạng tranh chấp mặn - ngọt trong điều kiện con tôm, cây lúa phải “sống chung” không thể tách rời, cần lắm sự liên kết của các tỉnh khu vực ĐBSCL trong việc điều tiết, chia sẻ và giải quyết hài hòa bài toán mặn - ngọt khi tài nguyên nước được xác định là “cốt lõi”.

Giải quyết tốt việc tranh chấp mặn - ngọt cũng là giải quyết vấn đề mang tính căn cơ khi nguồn nước được ví như “mạch máu” của sản xuất nông nghiệp và cần được “khai thông” cho cả đồng bằng một cách hợp lý, thay vì mạnh tỉnh nào nấy ngăn, mạnh tỉnh nào nấy chặn!?

Mặt khác, xét về tầm nhìn, việc “bắt tay” trong hoạch định chiến lược cho hệ thống thủy lợi còn góp phần giải quyết vấn đề mang tính trọng yếu của đồng bằng, chính là khai thác hạ tầng thủy lợi gắn với phát huy giá trị giao thông đường thủy trong điều kiện sông nước vốn là đặc thù của vùng ĐBSCL. Đồng thời, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong ứng phó với BĐKH, cần sự chung tay, góp sức của cả đồng bằng.

Thực tiễn cho thấy, việc đầu tư cho những công trình mang cấp đồng bằng sẽ có tác động lan tỏa và giải quyết tốt các vấn đề mang tính cấp vùng. Điển hình việc đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi cống Cái Lớn - Cái Bé (tỉnh Kiên Giang - giai đoạn I), đã giải quyết được các vấn đề chung mang tính liên vùng của 6 tỉnh, thành phố khu vực Bán đảo Cà Mau. Riêng tỉnh Bạc Liêu, có hơn 63.290ha đất tự nhiên ở phía Bắc trục kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp được hưởng lợi trực tiếp từ công trình. Công trình này đã giúp Bạc Liêu kiểm soát được sự xâm nhập mặn từ biển Tây (từ đầu tháng 3 âm lịch hằng năm) và tạo điều kiện cho Bạc Liêu chủ động điều tiết được nguồn nước mặn - ngọt phục vụ sản xuất (nhất là vụ lúa - tôm ở khu vực Bắc Hồng Dân). Đồng thời, tăng cường thêm nguồn nước ngọt sông Hậu về khu vực phía Bắc trục kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp, Sóc Trăng và Hậu Giang (tạo thêm nguồn nước ngọt dồi dào để chuyển nước ngọt về vùng Nam Quốc lộ 1A của tỉnh Bạc Liêu phục vụ cho nuôi trồng thủy sản). Cũng như góp phần giải quyết tình trạng ngập úng, khô hạn do tác động của BĐKH ở vùng Bắc Quốc lộ 1A của tỉnh Bạc Liêu và mở rộng thêm khả năng tiêu úng vào mùa mưa về hướng biển Tây của tỉnh Kiên Giang…

Nâng tầm “lúa thơm, tôm sạch” vùng ĐBSCL: Đẩy mạnh liên kết vùng (Bài cuối) - Ảnh 2.

Cần giữ diện tích sản xuất lúa - tôm cho phát triển bền vững. Ảnh: Nguyễn Trung Trịnh


TẠO ĐỘT PHÁ TỪ LIÊN KẾT

Thực tiễn cho thấy, mô hình sản xuất lúa - tôm gần như đã hội đủ 3 yếu tố: kinh tế, xã hội và môi trường - vốn được xác định là 3 “trụ cột” quan trọng cho phát triển bền vững và đã được cụ thể hóa trong Quyết định 287.

Thế nhưng, muốn phát huy được 3 yếu tố mang tính nền tảng này và tạo nên những đột phá mới cho con tôm, cây lúa cùng các mặt hàng nông - thủy sản khác của khu vực ĐBSCL, thì các địa phương phải thật sự thể hiện được vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong liên kết vùng.

Vì trên thực tế, câu chuyện liên kết vùng gần 20 năm qua nặng về tính xả giao, hình thức và rất lỏng lẻo. Báo cáo tổng kết Nghị quyết 21 và Kết luận 28 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL vào năm 2022, Ban Kinh tế Trung ương đã chỉ ra rằng: “Tư duy nhiệm kỳ và lợi ích cục bộ của địa phương còn tồn tại. Năng lực của bộ máy một số nơi còn hạn chế, chưa quan tâm đến lợi ích vùng khi khai thác một số tiềm năng chung”.

Từ đánh giá thẳng thắn này cho thấy, các địa phương cần đẩy mạnh liên kết vùng một cách mạnh mẽ hơn nữa, nhất là 2 mặt hàng có “tiềm năng chung” là cây lúa và con tôm. Cũng như thông qua liên kết này, hoạch định các chính sách cho phát triển gắn với quy hoạch vùng sản xuất trọng điểm, thu hút đầu tư, nhằm khai thác, phát huy có hiệu quả thế mạnh của từng địa phương gắn với trung tâm đầu mối tổng hợp TP. Cần Thơ. Đồng thời, mở rộng phạm vi của vùng ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ, hướng đến mở rộng giao thương với các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt là các nước thuộc tiểu vùng Mê-kông.

Nâng tầm “lúa thơm, tôm sạch” vùng ĐBSCL: Đẩy mạnh liên kết vùng (Bài cuối) - Ảnh 3.

Nông dân TX. Giá Rai (tỉnh Bạc Liêu) đắp đập ngăn mặn bảo vệ lúa trên đất tôm.

Sở dĩ quan tâm đến vấn đề quy hoạch, vì các địa phương của khu vực ĐBSCL hiện nay đang tập trung làm quy hoạch tổng thể và trong đó có liên quan đến việc giữ hoặc cắt giảm diện tích đất sản xuất nông nghiệp dành cho các dự án thu hút đầu tư. Do vậy, các địa phương cần quan tâm đến việc giữ gìn diện tích sản xuất này và xem đây như là một phần dành cho phát triển bền vững khi mô hình tôm - lúa đã hội đủ các yếu tố của tăng trưởng xanh và tạo ra khả năng ứng phó, thích nghi với BĐKH. Chưa dừng ở đó, việc làm này không chỉ góp phần duy trì an ninh lương thực, gìn giữ và phát huy 2 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của đồng bằng, mà còn là mặt hàng đầu tiên của khu vực ĐBSCL trong việc bán tín chỉ thải khí CO2 vốn được xem là nhu cầu tất yếu trong hội nhập, cạnh tranh hàng hóa trên toàn cầu. Đặc biệt là góp phần cùng Chính phủ để Việt Nam hoàn thành cam kết với thế giới giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

TS. Trần Hữu Hiệp - chuyên gia kinh tế vùng ĐBSCL: Các tỉnh phải thật sự "bắt tay" với nhau một cách có trách nhiệm

img

Với thế mạnh kinh tế chủ lực là cây lúa và con tôm, ĐBSCL đã và đang đứng trước những khó khăn về phát triển bền vững và cần một mô hình sản xuất "thuận thiên" để thích nghi và hóa giải nguy cơ này. Trong đó, có mô hình sản xuất lúa - tôm vốn được coi là tiêu biểu.

Đáng phấn khởi là Quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL được xem là sản phẩm của việc "chuyển hướng chiến lược" trong tư duy phát triển vùng, từ "khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh" sang "thích ứng thuận thiên", phục hồi và tăng cường "sức khỏe" cho đồng bằng, biến thách thức thành cơ hội.

Bản Quy hoạch không chỉ nhận diện "nguy cơ" mà còn xác định rõ "thời cơ" để vùng đồng bằng này chuyển đổi sang mô hình phát triển mới theo hướng tăng giá trị, phát huy các nguồn lực tự nhiên, con người, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đồng thời, Quy hoạch đã thể hiện được 3 "trụ cột" phát triển bền vững của vùng bao gồm: kinh tế, xã hội và môi trường được xây dựng trên nền tảng văn hóa bản địa, lấy con người làm trung tâm, coi tài nguyên nước là cốt lõi, chuyển đổi mô hình sinh kế theo hướng chủ động thích ứng với BĐKH, nước biển dâng, các tác động ngoại cảnh, cũng như quản trị tốt các yếu tố nội vùng. Đồng thời, gắn với "bốn mới" được tích hợp từ "Tư duy mới - Tầm nhìn mới - Cơ hội mới - Giá trị mới".

Song, để thực hiện tốt Quy hoạch này và khai thác, phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế của đồng bằng, nhất là 2 mặt hàng chiến lược là thủy sản và lương thực, các tỉnh ĐBSCL phải thật sự "bắt tay" với nhau một cách có trách nhiệm thông qua đẩy mạnh liên kết vùng, vì mục tiêu phát triển bền vững. Bởi khu vực ĐBSCL không chỉ là vùng trọng điểm về kinh tế nông nghiệp, thủy sản, mà còn là "tâm điểm" thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế và có thể là hình mẫu phát triển trong việc nâng cao sức chống chịu, thích ứng, cũng như vươn lên mạnh mẽ của một đồng bằng trước những thách thức to lớn do BĐKH, nước biển dâng và tác động tiêu cực của vấn đề nước xuyên biên giới.

Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI Cần Thơ: Phát triển theo hướng cân bằng giữa 3 trụ cột: kinh tế - xã hội và môi trường

img

Để khai thác và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế của mình, các tỉnh ĐBSCL phải tập trung thực hiện tốt Quy hoạch tích hợp đã được ban hành. Bởi Quy hoạch tích hợp khẳng định lại những thay đổi quan trọng về quan điểm và định hướng phát triển của Nghị quyết 120 theo hướng "thuận thiên". Trong đó, mặc dù coi tăng trưởng kinh tế là mục tiêu hàng đầu, song không chấp nhận tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá mà trái lại là ưu tiên bảo vệ môi trường và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên thông qua giảm số lượng, tăng giá trị trên nền tảng bền vững, trong đó có mô hình sản xuất lúa - tôm. Với thế mạnh kinh tế là sản xuất nông nghiệp, trong đó con tôm và cây lúa mang lại nhiều giá trị, giải quyết nhiều việc làm thì việc quan tâm đầu tư hạ tầng phục vụ cho phát triển sản xuất là rất quan trọng và tạo nên những "đòn bẩy" cho tăng trưởng.

Song, muốn làm tốt được giải pháp này thì các địa phương phải đẩy mạnh liên kết trong việc thực hiện tốt Quy hoạch tích hợp. Quy hoạch tích hợp nếu được các địa phương của ĐBSCL chung tay thực hiện một cách có trách nhiệm, hiệu quả sẽ tác động rất lớn đến sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế và xã hội. Những hoạt động sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún sẽ được giảm thiểu và thay bằng các hoạt động chuyên môn hóa theo định hướng thị trường hóa, công nghiệp hóa và dịch vụ hóa nông nghiệp. Đa phần đất đai và các mô hình sản xuất nông nghiệp sẽ được chuyên nghiệp hóa và một bộ phận lớn nông dân sẽ trở thành công nhân có việc làm ổn định với các lưới an sinh xã hội tốt hơn. Quá trình phát triển sẽ theo hướng cân bằng hơn giữa 3 "trụ cột": kinh tế - xã hội - môi trường.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề đáng quan tâm hiện nay chính là trong thực hiện Quy hoạch gắn với thu hút đầu tư, các địa phương cần ưu tiên cho "tăng trưởng xanh" và phát triển bền vững từ các mô hình, dự án không chỉ mang lại giá trị gia tăng cao, mà còn hướng đến xây dựng "chỉ số hạnh phúc" cho cộng đồng.

L.D (thực hiện)



LƯ DŨNG - KIÊN NHẪN (www.baobaclieu.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem