Vừa đá bóng vừa thổi còi!
Ông Vũ Xuân Thuyên-chuyên gia cao cấp Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KHĐT) đánh giá, Quyết định 24 về điều hành giá điện theo cơ chế thị trường của Chính phủ được xem là "tín hiệu mở" bắt buộc ngành điện phải công khai, minh bạch về giá, chi phí.
|
Công nhân điện lực lắp đặt công tơ cho hộ dân tại xã Tản Hồng, huyện Ba Vì, Hà Nội. |
Tuy nhiên, ông Thuyên đã nói thẳng: Quyết định này vẫn chỉ mang lại lợi ích cho EVN là được quyền tăng giá điện, trong khi “ông lớn” này vẫn mua điện của các đơn vị sản xuất ở mức giá thấp, với các quy định mua ngặt nghèo, nếu không nói là có phần chèn ép.
Rõ ràng, không sửa "lỗ hổng chính sách" này thì chỉ EVN là có lợi khi giá điện được điều chỉnh, khoản chênh lệch giữa giá điện EVN mua vào và giá điện bán ra sẽ còn "mập mờ", chưa kể đến việc tác động xấu tới các nhà đầu tư mới.
Ông Thuyên dẫn chứng, năm 2006 với sự đồng ý tăng giá điện của Chính phủ, EVN đã có ngay 18.000 tỷ đồng tăng thu nhưng đem "đầu tư cái khác, mà không phải vào điện". "Khi cần tăng giá thì EVN kêu lỗ, còn không thì đều báo lãi. Từ năm 1995 đến nay, EVN chưa lỗ, và tôi thấy rõ có sự mâu thuẫn về lỗ-lãi giữa tập đoàn này và cơ quan nhà nước"-ông Thuyên nói.
Ông Nguyễn Ngọc Tuyến-Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cũng cho rằng, không thể có sự minh bạch về chi phí và giá điện khi xây dựng phương án giá điện là EVN, định giá bán buôn, bán lẻ điện cũng là EVN. Do vậy, theo ông Tuyến, không có cơ chế rõ ràng và không sớm tách sản xuất, truyền tải, phân phối, bán lẻ điện ra khỏi EVN thì sẽ không cách nào giảm được chi phí, giá điện và tiết kiệm được.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Hiền cũng bày tỏ: Ngành điện độc quyền nên giá điện sẽ vẫn theo xu hướng độc quyền. “Tôi không tin lỗ do đầu tư ngoài ngành của EVN lại không bị tính vào giá thành điện” - bà Hiền khẳng định.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong (Viện Kinh tế xã hội Hà Nội) còn chỉ ra nhiều "nghịch lý" của ngành điện. Đó là giá điện chỉ có một chiều, tức tăng mà không giảm. Lỗ lãi, giá cả, lương bổng của ngành điện cũng gây bức xúc vì EVN nói lỗ mà lương lãnh đạo trên 30 triệu đồng/người/tháng...
Đừng bắt người tiêu dùng "chịu trận"
Ông Đặng Huy Cường-Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) thừa nhận, dù khó khăn vẫn phải kiên trì thực hiện lộ trình điện cạnh tranh. Nửa cuối năm nay ta mới vận hành được thị trường phát điện cạnh tranh. Đến năm 2015 mới có bán buôn cạnh tranh thì các nhà buôn lớn sẽ mua điện từ các nhà máy, chứ không chỉ qua EVN như hiện nay.
Tại hội nghị, ông Đặng Huy Cường cho biết, hiện Bộ Công Thương chưa chính thức nhận tờ trình nào về việc kiến nghị tăng giá điện của EVN. Nhưng từ năm 2013, giá một số mặt hàng trong đó có giá điện phải tiệm cận giá thị trường, nên phải có lộ trình điều chỉnh giá điện. Điều chỉnh như thế nào, lộ trình bao lâu thì hai bộ sẽ bàn bạc trình Chính phủ.
Về giá bán lẻ, để đạt được việc người tiêu dùng có thể mua điện của bất cứ ai, không chỉ EVN, thì còn cả một thời gian dài... "Nói vậy, nhưng rất phức tạp vì điện là ngành không dự trữ được mà sản xuất bao nhiêu phải tiêu dùng bấy nhiêu" - ông Cường cho biết.
Chuyên gia Nguyễn Minh Phong cho rằng, nên xây dựng giá sàn điện (giá với chi phí thấp nhất phải có để bán tối thiểu mà không ai lỗ cả) thì ngành điện sẽ không thể kêu lỗ và giá điện sẽ thấp hơn.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng cũng lên tiếng rằng, tăng giá điện sẽ là gánh nặng không nhỏ với người tiêu dùng. Chỉ với tăng giá điện gần 16% hồi tháng 3.2011 đã làm người tiêu dùng phải trả tiền điện một tháng tăng tới hơn 59% từ bậc thang 401 kWh. "Chúng ta đừng bắt người dân, xã hội phải chịu những vô lý, độc quyền của ngành điện"-ông Tuấn nói.
Mai Hương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.