Đọc sách cùng bạn: Ai có nghe chăng

Phạm Xuân Nguyên Thứ ba, ngày 13/04/2021 08:00 AM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay tôi đưa đến bạn cuốn tiểu thuyết dã sử "Nữ sĩ thời gió bụi" của nhà văn Lê Phương Liên.
Bình luận 0
Đọc sách cùng bạn: Ai có nghe chăng - Ảnh 1.

Tên tuổi bà Đoàn Thị Điểm (1705 – 1748) đã nổi tiếng trong văn chương Việt Nam từ lâu. Bản thơ "Chinh phụ ngâm" bà dịch từ nguyên tác chữ Hán của Đặng Trần Côn sang chữ Nôm đã được truyền tụng xưa nay. Tập truyện "Truyền kỳ tân phả" (chữ Hán) bà viết được coi là sự nối tiếp mạch văn xuôi truyền kỳ từ "Truyền kỳ mạn lục" của Nguyễn Dữ thế kỷ XVI. Những câu đối đáp của bà với anh ruột, với sứ thần phương Bắc, với Trạng Quỳnh cũng được lan truyền rộng rãi. Bà để lại trong sử sách văn chương nước Việt hình ảnh một phụ nữ tài sắc đức độ nhưng lận đận tình duyên và đã sớm qua đời khi cuộc sống hạnh phúc vợ chồng chưa được bao lâu.

Mấy nét nêu trên về cuộc đời Đoàn Thị Điểm có ghi trong sách vở, ai đã đọc đều biết. Nhưng nay nhà văn Lê Phương Liên dựng lại cuộc đời đó bằng văn chương trong một cuốn sách ghi danh thể loại là "tiểu thuyết dã sử". Chị đã đọc các sách về bà Điểm và các sách nghiên cứu về bà Điểm. Chị đã đến viếng mộ hai vợ chồng bà ở làng quê bên Hồ Tây (Hà Nội) và gặp gỡ, nghe chuyện của những người trong dòng họ bà. Lịch sử, tư liệu là vậy. Từ đó, nhận lời gửi gắm của người làng Phú Xá quê bà Điểm, Lê Phương Liên nhà văn nữ thời nay đã làm sống dậy nhà thơ nữ gần ba thế kỷ trước nơi Thăng Long xưa giữa một thời gió bụi có vua mà lại có chúa – vua Lê chúa Trịnh. Tác giả mong muốn đưa bà Điểm ngoài đời vào sách thành nàng Điểm "phóng khoáng và chân thật, duyên dáng và thông tuệ, vừa trí thức lại vừa dân dã." (tr. 8)

NỮ SĨ THỜI GIÓ BỤI

Tác giả: Lê Phương Liên

Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam, 2021

Số trang: 277 (khổ 13,5x20,5cm)

Số lượng: 1200

Giá bán: 89.000

Cuốn tiểu thuyết như một bài thơ. Ở đó nhân vật trung tâm là nàng Điểm xinh đẹp tài hoa, vừa biết thi thư lại biết cả võ nghệ, hiếu nghĩa với cha mẹ, hiền từ với anh chị em, hòa thuận với xóm giềng, son sắt tình chồng vợ, nhưng mạnh mẽ trước bả vinh hoa phú quý. Nhà văn bám chắc tư liệu và giai thoại, nhưng vẫn cho phép mình có hư cấu để làm đẹp thêm hình tượng một Hồng Hà nữ sĩ có phẩm tính và phẩm cách đẹp đẽ, trong sáng. Một nàng Điểm luôn mang theo mình ba cái túi như tỏ rõ tư chất và khí phách của mình. Một nàng Điểm tự nhận mình là Mai bên cạnh cha là Tùng và anh trai là Trúc. Tác giả khéo làm nổi lên tính cách nàng Điểm bằng lời người cha nhận xét sau khi nghe con gái vận cây cho người như một lời đoán định vận số cho con: "Cha thấy thế này, cha đúng là tùng, nhưng mà là tùng già. Anh Luân là trúc, nhưng mà là trúc giòn, dễ gãy đấy. Chỉ có Điểm là mai, tuy là cái cây thanh mảnh mềm mại mà lại là cái cây mai giàu sức sống dẻo dai nhất nhà đấy con ạ." (tr. 51). Thêm nhân vật võ sư Trần vốn là một thái giám trong cung làm người tâm phúc cho gia đình nàng Điểm và cho chính nàng về sau mà cũng ấp ủ một nỗi lòng sâu nặng với cô chủ thì người đọc càng thấy dụng ý của tác giả cho nhân vật được mười phân vẹn mười.

Lời văn trong truyện vì thế cũng rất mềm mại, lãng mạn theo từng cử chỉ, hành động, lời ăn tiếng nói của nhân vật. Cảnh chơi thuyền đêm trăng trên Hồ Tây của nàng Điểm cùng Đặng Trần Côn, Lê Hữu Trác được viết như thực như hư trong bảng lảng khói sương của sông nước, trong tình tri âm tri kỷ của văn nhân, trong khát khao tự do được sống là mình của những người tuổi trẻ, nhất là của người nữ. Đêm ấy tác giả đã để Đặng Trần Côn tặng cho nàng Điểm khúc ngâm chinh phụ mình viết bằng chữ Hán với lòng mong muốn được đọc bản diễn nôm của nàng. Khi đối diện chàng thi nhân trẻ tuổi trên thuyền nàng Điểm của Lê Phương Liên đã tự vấn lòng: "Con người thi nhân ấy thật bí ẩn? Thi sĩ đã từng chinh chiến chưa? Thi sĩ đã có vợ con và cuộc chia tay nào thiết tha da diết như trong khúc ngâm mà chàng đã viết không? Bí ẩn của lòng người cũng như sự bí ẩn của thiên nhiên, chớ nên tò mò chạm đến bằng mấy câu hỏi vô duyên." (tr. 178). Có thể ở đây có sự liên tưởng của nhà văn về mối quan hệ của hai văn nhân này trên một bình diện khác. Còn theo chuyện lưu truyền thì khi họ Đặng đưa bản thảo tác phẩm của mình cho Hồng Hà nữ sĩ xem thoạt đầu nàng chưa phải đã có ý trọng chàng văn nhân trẻ tuổi. Chẳng sao, tác giả viết theo cách hình dung nhân vật của mình. Cảnh Đặng Trần Côn lần đầu diện kiến nữ sĩ dâng bản sách: "Tay nàng cảm nhận rõ hơi nóng từ bàn tay của thi nhân họ Đặng vẫn còn nồng ấm trên ống quyển. Mở trang giấy ra, vừa nhìn thấy những dòng chữ đầu tiên, nàng thấy ánh mắt mình chạm phải một ánh lửa." (tr. 162) Theo cách viết của tác giả người đọc cũng sẽ hiểu thêm vì sao nàng Điểm trẻ trung, chưa trải qua nhiều cảnh ngộ đau thương ở đời nhưng lại đã phả được vào bản dịch thơ "Chinh phụ ngâm" những nỗi niềm day dứt nhớ mong sầu não đến vậy của người vợ lính mong chồng đằng đẵng cách xa. Đó là vì nàng Điểm cũng đã sống cảnh vò võ chờ chồng đi sứ phương Bắc ba năm. Đó là vì nàng Điểm cũng đã cùng dân làng chăm sóc những người lính trận trở về thương tật, ốm yếu. Đó là vì nàng Điểm cũng mang trong mình nỗi khát khao hạnh phúc vợ chồng như bao người phụ nữ khác. Tiếc là tác giả không đi sâu tưởng tượng quá trình nàng Điểm dịch thơ của chàng Côn. Một vùng thỏa sức cho nhà tiểu thuyết vung bút nói được nhiều điều. Cũng tiếc như vậy là đoạn cuối truyện kể về cái chết của nàng Điểm và đám ma của nàng. Giọng kể ở đây làm nhẹ một đòn cân tâm lý lẽ ra có thể có tính tiểu thuyết hơn. Tác giả đã nói thay cho các nhân vật chứ không để họ tự thể hiện. Cái vế "thời gió bụi" trong tên sách nhà tiểu thuyết có thể khai thác, triển khai hơn. Mà theo tôi tên sách cứ giản dị "Hồng Hà nữ sĩ" có khi lại hay. Nhưng như đã nói, cuốn truyện được viết đẹp như một bài thơ làm lung linh hình tượng nữ sĩ.

Và như thế cuốn sách gọi là tiểu thuyết dã sử viết về Đoàn Thị Điểm của Lê Phương Liên đã thêm một bóng dáng cho hồ Tây kinh thành xưa khiến tâm trí người nay vãn cảnh hồ sẽ tưởng vọng. Khách yêu văn thơ sẽ dừng chân bên hồ viếng khu mộ của Hồng Hà nữ sĩ và chồng là tiến sĩ Nguyễn Kiều rồi về mở trang sách sẽ gặp lại người xưa còn lưu dấu trong những vần thơ chinh phụ. "Giờ đây ai có nghe chăng trong gió sông Hồng có tiếng đàn trầm bổng kể lại cuộc đời một nữ sĩ tài sắc yêu thương một đấng trượng phu hào kiệt thủy chung say đắm. Ai có nghe chăng, trong tiếng trò chuyện của sóng nước với gió mây trôi thoang thoảng hòa ca êm ái tiếng thơ song đôi thi nhân dấn thân hào hoa giữa thời tao loạn…" (tr. 267) – tác giả viết xong mà lòng vẫn còn thổn thức cùng nhân vật.

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.

Hà Nội 13.4.2021


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem