Đọc sách: "Những dòng tâm sự thương mến"

Phạm Xuân Nguyên Thứ ba, ngày 06/04/2021 07:30 AM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay tôi đưa đến bạn cuốn hồi ký "Chúng tôi – một thời mũ rơm mũ cối" của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân.
Bình luận 0

Nghe tên nhà báo này có thể bạn đã biết. Anh là một tên tuổi nổi tiếng trong làng báo với những phóng sự sắc sảo, gay gắt, ly kỳ, đầy hiện thực mà cũng đầy mộng mơ. Một nhà văn đọc văn báo của anh đã từng gọi anh là "con sói trong làng phóng sự". Nhưng người đọc biết Huỳnh Dũng Nhân là một nhà báo, mà còn ít biết anh còn là một nhà văn viết truyện thiếu nhi, một nhà thơ, và một nhà vẽ. Những mầm mống năng khiếu này của một con người đã xuất hiện từ nhỏ, khi Huỳnh Dũng Nhân con trai của một nhà báo miền Nam sinh ra ở đất Bắc và lớn lên trong đại gia đình những người làm báo "Nhân Dân".

Đọc sách: "Những dòng tâm sự thương mến" - Ảnh 1.

"Tháng 10/1954, trên chuyến tàu đầu tiên tập kết tại sông Ông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) có một nữ cán bộ tay dắt bé trai ba tuổi, trong khi bụng lại đang mang bầu. Tàu cập bến Sầm Sơn (Thanh Hóa) chừng dăm tháng, bà đã sinh hạ một bé trai. Bé trai ấy chính là tôi, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân sau này." (tr. 11)

Cuốn sách là câu chuyện hai mươi năm đầu đời ở Hà Nội của Huỳnh Dũng Nhân. Đó là khoảng thời gian anh cùng những đứa trẻ khác như mình là con cái của các nhà báo ở báo "Nhân Dân" sống tại trụ sở 71 Hàng Trống, khu tập thể ngõ 9 Lý Thường Kiệt và trại sơ tán con em báo ở nhiều nơi trên đất Hà Tây ngày trước.

CHÚNG TÔI – MỘT THỜI MŨ RƠM MŨ CỐI

Tác giả: Huỳnh Dũng Nhân

Nhà xuất bản Tổng Hợp, TP Hồ Chí Minh

Số trang: 323 (khổ 14,5 x 20,5 cm)

Số lượng: 1000

Giá bán: 120.000

Ở trụ sở báo cậu bé Nhân đã được thấy được biết những nhà báo nổi tiếng của tờ báo Đảng hồi ấy, đã được sống trong môi trường báo chí từ nhỏ ngay hồi ấy. "Những năm tôi được sống ngay trong cơ quan báo "Nhân Dân" là những tháng ngày coi như được học lớp vỡ lòng về nghề báo. Tôi đã lờ mờ cảm nhận được việc làm báo là phải đi nhiều, phải giao tiếp rộng, phải chụp ảnh giỏi, phải đọc sách nhiều. Tôi cũng hiểu được quy trình làm báo từ khâu viết bài, chụp ảnh, trình bày, đi in và phát hành. Tôi rất thích lên thư viện mượn sách và đó cũng là một may mắn của tôi khi thư viện báo "Nhân Dân" có rất nhiều sách hay sách quý." (tr. 27).

Ở ngõ 9 Lý Thường Kiệt cậu đã có những kỷ niệm được viết thành thơ cùng bức tranh minh họa cậu vẽ ngay từ năm 1971 khi 16 tuổi: "Ngõ tôi / đã bảy năm rồi tôi sống / ngõ tôi đẹp lắm / gờ đất cong cong / bờ hầm vui vẻ / hoa uốn vòng vòng / nhà cao mát mẻ / tiếp hát bập bồng / ngõ tôi còn trẻ / sức sống mênh mông…" (tr. 80)

Ở trại trẻ sơ tán cậu đã được hưởng tình yêu thương chăm sóc của các chú bác, cô bác ở báo, của người dân địa phương, và nhất là của các cô phụ trách trại trong thời chiến mà cậu và các bạn cùng lứa gọi bằng tiếng Mẹ thân thương. "Ôi những năm tháng dằng dặc xa thành phố. Một chiếc kẹo thôi cũng đủ dịu ngọt suốt cả những tháng ngày mấy anh em ôm ấp đùm bọc nhau khi cha mẹ trực chiến hay công tác chiến trường." (tr. 296)

Những hồi ức cá nhân của mình trong sách vì thế được tác giả đan xen với những hồi ức cá nhân của nhiều anh chị em bạn bè khác sống cùng mình thời đó. Chúng đan dệt nhau dựng nên bức tranh sinh động, chân thật về những người làm báo "Nhân Dân" và con cái họ qua ký ức của những đứa trẻ trưởng thành lên trong cuộc chiến tranh (1955 - 1975).

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân sau này khi đó đang là một cậu bé hiếu động, nghịch ngợm, đến mức bị coi là "cá biệt" mà mãi đến khi đi bộ đội mới được kết nạp đoàn. "Ôi tội lỗi của hắn ngập tràn kỷ niệm" khi bây giờ ngồi giữa chúng bạn bùi ngùi nhớ lại nhắc lại. Nhưng từ nhỏ cậu cũng đã bộc lộ năng khiếu chơi bóng bàn, làm thơ và vẽ. Bài thơ đầu tiên được in báo của cậu là năm 1968 trên báo Quảng Ninh sau chuyến đi trại hè Hạ Long: "Cháu về cháu nhớ Quảng Ninh / Nhớ bao đằm thắm nghĩa tình Bắc Nam / Cháu về cháu nhớ mỏ than / Mấy năm chống Mỹ bền gan chẳng rời…" (tr. 236)

Một nhánh rẽ trong cuộc đời tuổi nhỏ của Huỳnh Dũng Nhân là theo học hội họa ở Trường Năng khiếu Nghệ thuật Hà Nội năm 1967 sơ tán ở Hà Bắc. Dẫu rồi không theo nghiệp vẽ thành hoạ sĩ Huỳnh Dũng Nhân nhưng lớp học họa ấy đã cho anh thấy "một thế giới trong vắt và thấm đẫm tình người" trong nghệ thuật, đã dạy anh "bắt đầu hiểu biết hơn về thế giới sáng tạo của màu sắc hình tượng và những câu chuyện tái hiện cuộc sống một cách nhân bản." (tr. 210) Cho đến bây giờ nhờ cái năng khiếu sẵn có trong mình cộng với những kỹ thuật vẽ đã được học qua nhà báo Huỳnh Dũng Nhân vẫn có những ký hoạ minh hoạ cho sách của mình như ở sách này và những ký hoạ chân dung bạn bè làm kỷ niệm. Và nhuận bút đầu đời anh được nhận ở báo là từ một bức vẽ chứ không phải từ bài viết. Đó là bức tranh cậu bé Nhân vẽ cảnh sinh hoạt của thiếu nhi nơi sơ tán bày cùng tranh của các bạn trong lớp học vẽ tại nhà triển lãm Hàng Bài. Báo "Văn Nghệ" đã đăng bức tranh này. Khi cậu bé tác giả đến báo hỏi nhuận bút thì báo không trả vì bảo đó là ảnh chụp tranh. Cậu không chịu nên về nhà hỏi ba là một nhà báo kỳ cựu sau đó quay lại báo "Văn Nghệ" dùng cái lý ba mình mách cho "Bất cứ cái gì đã đăng lên báo là phải có nhuận bút" đòi lấy được nhuận bút tranh chính đáng của mình. "Nhận được 5 đồng, tôi liền rủ mấy đứa bạn ra mua kem Tràng Tiền ngồi bệt ở chân cột điện ăn ngon lành. Đó là đồng nhuận bút đầu tiên trong đời tôi. Dù sau này tôi viết văn, viết báo, đi dạy và cả đời sống bằng nhuận bút, nhưng tôi vẫn nhớ mãi 5 đồng nhuận bút đầu đời từ một bức tranh ấy." (tr. 261)

Thời mũ rơm là thiếu nhi đi học. Thời mũ cối là khi Huỳnh Dũng Nhân nhập ngũ. Năm 1975 anh trở về học xong phổ thông và thi đậu đại học. Nếu gia đình anh không chuyển vào Nam năm đó thì anh và tôi đã cùng chung học Tổng hợp Văn Hà Nội khoá XX. Chúng tôi biết nhau về sau. Cuốn sách hồi ức tuổi thơ, tuổi nhỏ của anh, cho tôi và bạn đọc biết vì sao "hồi đó khó khăn vất vả là thế mà các bậc phụ huynh báo "Nhân Dân" ai cũng nuôi con cái khôn lớn thành người?" (tr. 299) Rộng ra câu hỏi có thể cho mọi người sao thời đạn bom chiến tranh cuộc sống thiếu thốn đói nghèo con người lại sống với mình và với nhau trong trẻo đẹp đẽ thế! Vì vậy Huỳnh Dũng Nhân, một con em báo "Nhân Dân" thành đạt trong nghề báo, viết lại cuộc đời tuổi nhỏ của mình với hy vọng "những câu chuyện đời thường trong thời chiến sẽ giúp thế hệ con cháu biết được cha mẹ mình hồi xưa đã sống và trưởng thành thế nào, đó là điều tôi ấp ủ bấy lâu nay." (tr. 322) Đọc hồi ức một người lại gợi hổi ức nhiều người, và của chính ta. Cuốn sách giản dị, chân thành của anh đã được tặng thưởng của Hội Nhà Văn TP Hồ Chí Minh năm 2020.

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.

Hà Nội 5.4.2021


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem