Đọc sách: Một con người đi đầu

Phạm Xuân Nguyên Thứ ba, ngày 30/03/2021 07:31 AM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay tôi mời bạn đọc cuốn tiểu thuyết lịch sử "Người công giáo cộng sản" của tác giả Trần Việt Trung.
Bình luận 0
Đọc sách: Một con người đi đầu - Ảnh 1.

Đây là một cuốn sách viết về một con người lịch sử. Con người đó mang tên đời là Phạm Văn Phu sinh 1907 trong một gia đình đạo Thiên Chúa gốc ở làng Đồng Chuối, huyện Bình Lục, phủ Lý Nhân (nay là tỉnh Hà Nam). Con người đó mang tên thánh là Phê-rô: "Đó là vị Thánh tông đồ của chúa Giê-su, vị Thánh tử đạo cũng như Đức Chúa Giê-su để khẳng định đức tin của một tôn giáo. Về tinh thần, đây là vị Thánh giữ chìa khóa thiên đàng – thế giới mơ ước của tự do và hạnh phúc vô bờ. Ý nghĩa của chữ Phê-rô là đá, biểu tượng của sự vững vàng, rắn rỏi, nhưng cũng đầy lăn lộn, thử thách, va đập." (tr. 21). Hai cái tên đó rồi sẽ ứng vào cuộc đời của con người đó trong suốt sáu mươi năm tại thế. Năm 1926, anh thanh niên Phạm Văn Phu đang là chủng sinh học tại chủng viện Hoàng Nguyên để ra làm linh mục – một vinh hạnh cho gia đình và giáo xứ. Nhưng ngoài là một con chiên của Chúa anh còn là một con dân nước Việt, nên dù ở trong bốn bức tường của nhà dòng anh vẫn tập hợp được các chủng sinh đeo băng đen để tang cho nhà yêu nước Phan Chu Trinh, bất chấp sự ngăn cấm của cố đạo Tây cai quản chủng viện. Vì việc này mà anh bị đuổi khỏi giáo tràng. Từ đây anh bắt đầu dấn thân vào cuộc đời: "Dòng đời đã hun đúc những tính cách bất trị, nổi loạn trong anh ngay từ tuổi thơ, nên cuộc đời đã kéo anh ra khỏi hành trình "hiến thân cho Chúa", để anh làm điều cần làm cho mảnh đất đầy thăng trầm này. Đời có bình thì Đạo mới yên." (tr. 62).

NGƯỜI CÔNG GIÁO CỘNG SẢN

Tác giả: Trần Việt Trung

Nhà xuất bản Văn Học, 2020

Số trang: 615 (khổ 16x24 cm)

Số lượng: 1500

Giá bán: 195.000

Đây là một cuốn sách viết về lịch sử - lịch sử một con người và lịch sử một cuộc cách mạng. Sau khi bị đuổi khỏi chủng viện, Phạm Văn Phu đã tự bồi đắp thêm cho mình những điều cần thiết để có được cái vốn ngoại ngữ, võ nghệ, y thuật chuẩn bị dấn thân tìm đường cứu dân cứu nước khỏi ách ngoại xâm. Và trong con người đó luôn có Đức Tin soi sáng. Đức Tin tôn giáo đã đưa anh gặp đức tin cách mạng của chủ nghĩa cộng sản. Từ đó cho đến trọn đời mình Phạm Văn Phu đã trở thành một người công giáo cộng sản như tên sách gọi lên. Anh đã giác ngộ cách mạng trước khi đảng cộng sản ra đời. Anh đã thực hiện chủ trương "công nhân hóa" (tức là "vô sản hóa") ở đồn điền cao su Phú Riềng (Nam Bộ) và là người lãnh đạo cuộc nổi dậy của công nhân ở đây. Anh đã bị đày ra Côn Đảo, bị giam nhà lao Hỏa Lò, ở hai "trường học đấu tranh" đó của những người cộng sản anh đều giữ vai trò lãnh đạo chủ chốt. Anh đã giữ vai trò trọng yếu trong cuộc khởi nghĩa tháng Tám 1945 ở Hà Nội. Cách mạng thành công, nhà cách mạng Phạm Văn Phu đặt cho mình cái tên mới là Trần Tử Bình – một con người sinh ở cõi trần trải mấy cuộc tử sinh để mưu bình yên cho dân cho nước. Sau năm 1945 con người đó hoạt động trong quân đội, được phong hàm thiếu tướng trong đợt phong hàm tướng đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, được cử làm Phó Bí thư quân ủy trung ương, Phó Tổng Thanh tra quân đội. Chính ở cương vị này ông đã được giao trọng trách xử vụ án tham nhũng của đại tá quân đội Trần Dụ Châu với bản án tử hình. Rồi khi sửa sai cải cách ruộng đất ông lại được cử làm Phó Tổng Thanh tra Chính phủ giúp cứu được một số đồng chí của mình bị oan sai. Và từ 1959 ông đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử làm đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc. Lời Bác Hồ giao nhiệm vụ ngoại giao cho tướng Trần Tử Bình được tác giả sách thể hiện lại như sau: "Bác tin chú Bình sẽ xây dựng được quan hệ tốt theo nguyên tắc "luôn luôn đoàn kết và luôn luôn hiểu rõ". Chú là tướng quân đi sứ, khó khăn nhiều mà thuận lợi cũng nhiều, phải tùy cơ ứng biến. Ngoại giao là mặt trận rất quan trọng để xác lập vị thế của Việt Nam." (tr. 521).

Con người đó đã góp phần làm nên lịch sử đất nước. Và lịch sử cũng phải ghi công rạch ròi cho con người đó. Sách có một tiểu mục "Chờ các nhà lịch sử" (tr. 395) ở phần IX. Đó là về sự kiện khởi nghĩa ở Hà Nội ngày 19/8/1945. Trong những ngày tháng Tám này Trần Tử Bình là người lãnh đạo cao nhất của xứ ủy Bắc Kỳ, sau khi bí thư xứ ủy Nguyễn Văn Trân đã lên Việt Bắc dự hội nghị Tân Trào. Con người đó với cương vị là Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ đã cùng các đồng chí của mình chớp thời cơ quân Nhật Bản đầu hàng quân đồng minh phát động cuộc khởi nghĩa cách mạng ở Hà Nội không chờ đợi lệnh của trung ương lúc này đang họp ở Tân Trào. Đây là một quyết định táo bạo đầy trách nhiệm trước vận mệnh đất nước của con người lịch sử đó. Sử học viết về cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 nói chung, về cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội nói riêng, đến nay chưa ghi nhận và xác quyết sự kiện lịch sử này của Trần Tử Bình và các đồng chí của mình ở thời khắc lịch sử trọng đại đó. Cho nên nói phải "Chờ các nhà sử học" là vì vậy. Nhưng dựa trên các tài liệu lịch sử cũng như lưu bút của chính con người đó về sự kiện này tác giả đã phục hiện suy nghĩ của Trần Tử Bình thành lời phát biểu của ông trước cuộc họp của Xứ ủy quyết định phát động khởi nghĩa: "Cho đến lúc này, xứ ủy chưa nhận được chỉ thị từ Trung ương. Chúng ta phải giữ đúng nguyên tắc chỉ đạo của Đảng, nhưng lúc này thời cơ đã đến rất gần, chúng ta phải ra quyết định, phải dám chịu trách nhiệm, phải "chớp" lấy thời cơ. Nếu chờ đến khi có chỉ thị của Trung ương, để thời cơ trôi qua thì sẽ có "tội" với Đảng và dân tộc. Phải giành được chính quyền với tổn thất ít nhất…" (tr. 373) Và con người lịch sử đó đã cùng các đồng chí của mình biết chớp đúng thời cơ lịch sử cực ngắn trong mấy ngày giữa tháng 8/1945, không chần chừ đợi lệnh cấp trên, để "khai hỏa" khởi nghĩa ở Hà Nội, mở màn cho cuộc tổng khởi nghĩa thắng lợi trong cả nước. Khi các đại biểu họp Quốc dân Đại hội ở Tân Trào về xuôi thì Hà Nội đã khởi nghĩa thành công, trước khi các mệnh lệnh khởi nghĩa phát ra từ trung ương về tới nơi. Cuốn sách muốn khẳng định sự thực lịch sử này khi tác giả nhắc lại nó một lần nữa qua lời một người bạn cùng hoạt động với Trần Tử Bình thắc mắc với vợ ông về việc đó (tr. 587). "Sao chưa thấy tài liệu nào nói đến?" câu hỏi còn đợi câu trả lời.

Đây là một cuốn sách của người con viết về cha mẹ mình. Tác giả Trần Việt Trung là người con thứ tám của nhà cách mạng, vị tướng, nhà ngoại giao Phạm Văn Phu – Trần Tử Bình. Ông sinh ra khi người cha đang làm đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc nên người mẹ ở nhà đã lấy tên hai nước làm tên con. Cuốn sách này của Trần Việt Trung vì vậy gọi đúng tên thể loại là "truyện ký lịch sử". Mọi con người, sự kiện trong sách đều là thực. Những chi tiết cuộc đời của Phạm Văn Phu đều theo sát tiểu sử, của Trần Tử Bình đều theo đúng hành trình cách mạng. Cuối sách tác giả có kèm phụ lục là sắc lệnh phong tướng, quyết nghị phong chức của cha mình. Cuốn sách dầy dặn được tác giả viết kỹ lưỡng tỉ mỉ không chỉ dưới góc độ người con kể lại cuộc đời người cha với đầy lòng yêu thương tự hào, mà còn dưới lăng kính của một người mô tả tái hiện lịch sử khách quan chân thực. Những suy ngẫm của tác giả trong sách cũng góp phần gợi mở cho độc giả cùng ông nghĩ về quá khứ và hiện tại của đất nước.

Sau khi cùng tác giả Trần Việt Trung sống lại cuộc đời sáu mươi năm oanh liệt của con người lịch sử Phạm Văn Phu – Trần Tử Bình, bạn đọc sẽ thấy thuyết phục về đặc điểm tiêu biểu của ông mà tác giả đã tổng kết - đó là một con người ĐI ĐẦU xuyên suốt mọi chặng đời mình: một trong những chủng sinh đầu tiên bị đuổi khỏi trường dòng ở vùng quê; một trong những phu mộ đầu tiên đi đồn điền ở miền Nam; một trong những người cộng sản đầu tiên trước khi thành lập đảng; một trong những người thành lập lực lượng vũ trang đầu tiên của đảng ở Phú Riềng; một trong những người tù cộng sản đầu tiên bị xử án đày ra Côn Đảo; một trong những người đầu tiên tổ chức cuộc vượt ngục lớn ở Hỏa Lò; một trong những người đầu tiên phát động cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội khi chưa có lệnh trên; một trong những người thành lập trường đào tạo cán bộ quân sự đầu tiên sau 1945; một trong những vị tướng đầu tiên của quân đội nhân dân; một trong những người đầu tiên xét xử vụ án tham nhũng lớn trong quân đội; một vị tướng đầu tiên được chọn làm đại sứ ngoại giao ở nước ngoài (tr. 603). Đọc cuốn sách này bạn sẽ hiểu sâu thêm về một người cộng sản thuộc thế hệ đầu tiên như thế và về một cuộc cách mạng ở buổi đầu tiên như thế. Con người đó là một người công giáo cộng sản! Một sự kết hợp lạ lùng giữa Đạo và Đời như là cơ duyên lịch sử trong số phận một con người. Có lần con ông Bình hỏi Đại tướng Võ Nguyên Giáp vì sao cha mình lại được phong tướng trong số rất ít người xuất thân công giáo. Đại tướng đã trả lời: "Đó là vì cha các cháu có phẩm chất riêng và cách nhìn nhận con người của Bác Hồ." (tr. 600).

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.

Hà Nội 29.3.2021

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem