Thơ Hoàng Thị Minh Khanh đến tôi đầu tiên từ câu lục bát này:
Tôi không buồn những buổi chiều
vì tôi đã sống rất nhiều ban mai
Chẳng biết tôi đã đọc được câu đó ở sách nào, vào lúc nào, nhưng chắc chắn là lúc tôi vừa bước vào tuổi trẻ, và người viết câu đó có lẽ cũng là lúc trẻ tuổi. Một câu lục bát như lời nói thường nhưng là rất tự tin ở cái trẻ của cuộc đời mình đang sống, và sự đối lập ban mai/chiều tà quen thuộc đã được nói ra bằng một giọng khẳng định dễ nghe, dễ nhớ, dễ được chấp nhận. Tôi đã không nhớ câu lục bát đó nằm trong bài thơ nào, cứ hay buột miệng ngâm ngợi, cho đến khi đọc tập thơ này thì mới nhận ra.
Không tiếc ngày xanh
Tay tôi rồi yếu đường gân
trán tôi sẽ gợn nếp hằn già nua
mắt tôi ngày mỗi thêm mờ
chân tôi cũng sẽ thẫn thờ chậm hơn
nhưng tôi không tiếc không buồn
những ngày xanh đẹp trong vườn hoa tươi
vì tôi đã sống cho đời
hơn là đã sống cho tôi rất nhiều
Tôi không buồn những buổi chiều
vì tôi đã sống rất nhiều ban mai...
Tôi đưa lại cả bài thơ này vì thấy nó tiêu biểu cho con người và thơ Hoàng Thị Minh Khanh ngay từ những bước đầu vào thơ: chị sống hết mình, trọn tình cho những gì đáng yêu đáng quý trên đời; chị coi tình con người với con người là điều đáng để sống nhất, dẫu có những buồn thương, khổ đau, tiếc nuối, dẫu có những nóng lạnh thế thái nhân tình. Giờ đây khi cuộc sống sinh học diễn ra theo thời gian đời người đã để lại dấu vết tuổi già đúng như chị nói trong bài thơ, thì nhờ trữ lượng tinh thần từ "rất nhiều ban mai" tích lũy suốt những năm tháng sống, tập thơ gom lại thơ một đời này của chị vẫn lung linh nhiều tia nắng, tia sáng làm ấm lòng người. Lẽ thường, con người ta khi đến cuối đường đời ngoái lại quá khứ thì hay hoài niệm buồn bã, có lúc bi lụy, nghĩa là chịu một chữ BUỒN, nhưng Hoàng Thị Minh Khanh trong thơ xuyên suốt nổi bật một chữ THƯƠNG.
Tôi, người đàn bà đã đi mòn mặt đất
vẫn bàng hoàng như cô gái đôi mươi
thấy trẻ trung ra, bỗng thấy yêu đời
được sống lại một thời mình đã mất.
GỬI SÔNG LA
Tác giả: Hoàng Thị Minh Khanh
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2014
Số trang: 172
Số lượng: 1000
Giá bán: 50.000đ
Đó là tâm trạng của nhà thơ khi "lang thang một mình trong ký ức". Đã là ký ức thì chỉ của riêng một người, và người về lại ký ức để sống là sống cho chỉ riêng mình một cách tự do, hồn nhiên, thành thực. Thơ Hoàng Thị Minh Khanh chân thật đến rung động, và rung động đến chân thật. Một giọng thơ thủ thỉ tâm tình, nói cho mình nghe mình nhớ là chính, đôi khi quên cả câu chữ văn chương, câu thơ vì thế mộc mạc nhưng tình thơ thì thấm thía, sâu lắng. Trong bài "Gửi Hải Phòng" nhà thơ nhắc lại một kỷ niệm thủa nào của một bạn đọc gửi thư tỏ tình và cuộc tình trôi trong âm thầm không tới bến để nỗi nhớ về sau bật thốt câu thơ: "xin người ấy hãy tắt dùm đốm lửa / cho thơ tôi cung kính Hải Phòng thôi". Cái từ "cung kính" bất ngờ lay động tình yêu tưởng đã quên rồi. Cũng như hai chữ "bàng hoàng" đột nhiên trong câu thơ "Hàng Buồm, Hàng Mắm, Hàng Than / vẫn đông vui vẫn bàng hoàng tình ai" đủ để hiểu "tình yêu tưởng đã ngủ yên / mà sao vẫn thấy ngày thêm tràn bờ". Nỗi yêu niềm nhớ lứa đôi thơ Hoàng Thị Minh Khanh đồng vọng được tiếng lòng của nhiều người đọc khi được nói ra ở những cung bậc "trái tim loạn nhịp". Cuộc đời là thế: ai ngăn được tình yêu của những con người biết yêu, được yêu, dẫu tuổi tác có thể tạo ra những nghịch cảnh, dẫu hoàn cảnh khiến chuyện yêu như là vô lý. Cái thơ của Hoàng Thị Minh Khanh là ở chỗ nói lên những nghịch lý thường tình đó vừa rất thường vừa lại rất thơ. Tuổi đâu còn trẻ thơ / mà trách mây trách gió / mà giận người vô cớ / toàn những điều vu vơ...
Từ đó có một con sông chảy trong thơ Hoàng Thị Minh Khanh. Sông La ở Hà Tĩnh. Bài thơ "Gửi sông La" được lấy tên chung cho cả tập này đã được chị viết ra vào những tháng năm tuổi trẻ. Khi đó chị chưa đến bên dòng sông, chưa soi bóng mình xuống mặt nước sông, nhưng con sông đã chảy vào tâm hồn chị, đã trở thành dòng máu tinh thần của chị qua câu chuyện kể về sông, về một vùng đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa. Tiếng thơ da diết bồi hồi nặng tình sâu nghĩa của một ước mơ, một mong muốn, một nguyện cầu: ơi sông La em chưa về thăm được / chỉ nghe tin mà lòng cũng bồi hồi / ơi cây gạo rực chùm hoa lửa / vẫn hiên ngang nẩy lộc đâm chồi... Nhạc sĩ Lê Việt Hòa (1935 – 2014) đã đồng cảm cùng nhà thơ nên đã phổ nhạc thành công bài thơ này thành một ca khúc nổi tiếng. Sông La vậy là thành niềm khắc khoải thơ của Hoàng Thị Minh Khanh, thành một nguồn thơ của chị. Khi đã đến được với con sông thực chảy giữa đôi bờ bến bãi vùng quê ví dặm, nhà thơ càng giàu thêm cảm xúc cho dòng sông chảy mãi trong thơ:
Năm tháng qua đi, tuổi trẻ qua rồi
em đến sông La một chiều nắng lửa
chỉ mình em đắm mình trong nỗi nhớ
của ngày xưa.
Sông La từ đó đối với Hoàng Thị Minh Khanh vừa thực vừa thơ, đó là sông đời cũng là sông thơ. Gửi Sông La là gửi tình cho dòng sông ấy, lại cũng là gửi sông cho thơ dào dạt chảy.
Người thơ từ lúc còn rất trẻ đã không sợ những buổi chiều, (ôi, còn bao nhiêu những chiều chờ đón người ta khi mới bước chân vào đời), thì lúc cuối đời đã có trữ lượng nhiều ban mai cho những chiều đã sống. Thơ Hoàng Thị Minh Khanh ngoài tình yêu, còn có tình mẹ con vợ chồng, tình quê nhà, tình thủ đô. Chị là một người Hà Nội đúng gốc, nhưng quê ở làng, sống ở phố, vì thế thơ chị có nét phố nét làng mà nét làng lại đậm đà, sâu nặng hơn. Nhà thơ vẫn yêu làng trên tất cả dẫu bây giờ làng đã thành phố khiến người về quê chỉ còn biết "đi lang thang, với đôi mắt ngỡ ngàng, xa lạ", tình yêu đó được nuôi bằng ký ức. Nhưng làng không hẳn chỉ lưu trong ký ức mà vẫn hiện diện sống động ở cây đa mái đình, ở ao bèo có cây cầu vắt qua, có những bà già nhai trầu rửa khoai khiến nhà thơ cứ phải bâng khuâng đứng lại hoài "để gom tất cả cái mùi tôi yêu". Đó là cái mùi ngai ngái trời trưa của đất của nước của cảnh vật làng quê mà ngoài phố không bao giờ có. Nhưng đó còn là cái mùi của hồn làng, hồn quê, hồn người.
Và đó là thơ Hoàng Thị Minh Khanh "cho con người biết sống để mà yêu".
Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.
Hà Nội thu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.