Đọc sách cùng bạn: "Bởi vì tôi là đàn bà"

Phạm Xuân Nguyên Thứ ba, ngày 30/06/2020 08:00 AM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay tôi đưa đến bạn cuốn sách mang tên "Gáy mảnh hững hờ" của tác giả Võ Hồng Thu.
Bình luận 0
Đọc sách cùng bạn: "Bở vì tôi là đàn bà" - Ảnh 1.

Đây là tập truyện ngắn chỉ gồm những chuyện tình của đàn bà và về đàn bà. Tình cùng giới tình khác giới. Tình trong tình ngoài. Tình riêng tình chung. Tình đánh mất tình tìm lại. Tình cảm thông tình chia rẽ. Tình tha thứ tình trả thù. Tình yêu tình dục. Tóm lại là kiểu như ngàn lẻ một chuyện tình đàn bà, mà thực ra là chuyện tình đàn bà đàn ông trong đó đàn bà giữ vai chính. Tác giả đứng từ đàn bà mà kể chuyện, phát ngôn. Nhưng tựu trung có lắm chuyện thì rút lại cũng chỉ là một chuyện YÊU với tất cả mọi cung bậc hạnh phúc đau khổ ghen tuông căm hận của một người với một người. Chuyện này đã có từ khi con người biết đến tình cảm lứa đôi và sẽ có mãi chừng nào con người còn yêu. Mà người thì có khi nào hết yêu. Nên chuyện tình luôn luôn được kể và được nghe. Nghe mãi không chán dù quanh đi quẩn lại vẫn là một chuyện ấy thôi, vẫn là diễn biến và kết cục mà người nghe nhiều khi đã đoán biết trước. Nhưng vẫn luôn thấy bất ngờ, vẫn luôn có đủ các sắc thái cảm xúc. Thì tình là thế mà! Thì đàn bà là thế mà!

"Bởi vì tôi là đàn bà" như tên một truyện trong tập. Cái truyện này mở đầu tập truyện, đứng trước cả truyện có tên bắt đầu bằng chữ A trong 51 truyện lần lượt theo vần chữ cái. Hẳn là tác giả có ý khi cho truyện này lên trước. Hai người bạn gái từng ngồi chung bàn suốt thời đại học nay gặp lại nhau khi chồng người này từng là kẻ theo đuổi người kia mà không được yêu. Lê đã quyết định mời Cầm qua nhà dự tiệc khi hai vợ chồng cô về nước. "Trong một buổi tối, tôi lần lượt trải qua cảm giác ân hận rồi lại nhẹ nhõm với phép tính liều của mình. Những xao xuyến nơi anh ấy và cô ấy là có nhưng chỉ như những vòng xoáy nhẹ của một viên sỏi nhỏ ném xuống mặt hồ phẳng lặng. Tôi phần nào yên tâm. Nhưng trong cái kén bình yên của đời mình, đôi khi tôi vẫn muốn được sống cuộc đời rực rỡ của cô ấy. Bởi vì, tôi là đàn bà" (tr. 13). Cầm sau bữa tiệc gặp lại người đàn ông từng cưỡng hôn mình và bị mình cự tuyệt thì chẳng hiểu sao lại đánh đồng một nụ hôn đau của hơn hai chục năm trước thành một dũng sĩ bên gối. Và cũng bởi vì cô là đàn bà nên Cầm đã hơn một lần ước mình được ở đúng vị trí của Lê. Như vậy tác giả không phải kể chuyện tình đơn thuần mà là muốn nói cái tâm lý của đàn bà. Người này thì muốn ở vào chỗ người kia. 

GÁY MẢNH HỮNG HỜ

Tác giả: Võ Hồng Thu

Liên Việt & Nhà xuất bản Văn Học, 2020

Số trang: 311

Số lượng: 3000

Giá bán: 145.000đ

Cả tập truyện Võ Hồng Thu tìm cách phân tích, mổ xẻ, cắt nghĩa, lý giải cái tâm lý đàn bà nữ giới trong rất nhiều những biểu hiện sắc thái tình tiết khác nhau. Mà không chỉ của đàn bà không thôi, vì không bao giờ đàn bà mà thiếu đàn ông, cũng như là đàn ông thì phải có đàn bà. Chị viết hẳn hai truyện như một cặp đôi song chiếu mang tên "Lòng dạ đàn bà" (tr. 169) và "Lòng dạ đàn ông" (tr. 175) để nói cái sự này. Một người vợ khi biết chồng mình có con riêng đã nghĩ thế này: "Đàn ông hình như không bao giờ xứng đáng với tình yêu sâu sắc, duy nhất mà đàn bà dành cho họ, bởi bản chất họ là kẻ săn mồi. Không một người thợ săn nào mà cả đời chỉ tập trung vào một con mồi, cho dù có hấp dẫn đến đâu!" (tr. 167). Một người chồng bám vợ vì tiền chứ không phải vì tình nghĩ thế này: "Cho nên tôi luôn đối xử với cô ấy bằng tấm lòng biết ơn. Lòng biết ơn cũng có những cử chỉ gần với tình yêu. Thế mà cô ấy vẫn không hài lòng. Thật chả hiểu nổi đàn bà" (tr. 174). Đến đàn bà còn không hiểu nổi đàn bà nữa là! Như Ninh ngạc nhiên trước thái độ chấp nhận vị thế người tình của bạn mình đối với một người đàn ông đã có vợ: "Giữa một người vợ và một người tình, ai là người được nhiều hơn? Mình hỏi bạn, nếu anh ấy bỏ vợ và lấy mình? Thì điều gì sẽ xảy ra? Sau những say đắm sẽ là gì?  Không chừng sẽ có một em My phẩy, à thôi, My My nào đó sẽ ở vị trí của mình hôm nay? Vậy so sánh đi, đằng nào hơn? Anh ấy không hề nói dối mình. Anh ấy bảo không bao giờ bỏ vợ. Nhưng anh ấy yêu mình. Và mình sẽ giữ nguyên vị trí đó bởi vì mình sẽ được hưởng những gì tinh tuý nhất từ người mình yêu" (tr. 200). Đó là gì: sự tham lam tình cảm của đàn ông có từ thời xưa hay kiểu sống hiện đại của phụ nữ thời nay? Tác giả đặt tên truyện này là "My & My My" chắc có ý chơi chữ: My là tên nhân vật và có nghĩa như trong câu vừa trích, nhưng nếu hiểu My theo tiếng Anh thì còn là nói sự chiếm hữu tình cảm trong cuộc yêu. Có nhiều những biểu hiện tâm lý của cả hai giới đã được Võ Hồng Thu phơi bày trong tập truyện này như vậy.

Hãy đọc cái truyện được lấy làm tên chung cả tập mà xem. Bùi đã bị Huê hấp lực ngay từ khi mới nhìn thấy bởi hạt trai nhỏ xíu nhấp nhô sau gáy cô. "Tại sao lại là gáy mà không phải là ngực? Huê cười mãi với thắc mắc này của anh. Anh không có quyền được biết bảo bối mà cô đã cố tình chọn nó cho riêng mình. Gáy đàn bà là nơi đặc biệt gợi cảm, nó gây cho đàn ông cảm giác vừa quyến rũ lại vừa an toàn. Anh ta có thể nhìn chằm chằm vào gáy một cô gái mà không lo bị cho là quân phàm phu như khi dán mắt vào bộ ngực của cô ta" (tr.129). Và Huê đã bị Bùi bắt vào một cuộc yêu chỉ có tiền khiến cô muốn thoát ra nhưng đã dần quen. Tuy nhiên cô vẫn lo sợ cuộc yêu này rồi sẽ đến đâu khi vũ khí gần như duy nhất của cô là chút hững hờ nơi gáy mảnh? Lấy truyện này làm tên chung cả tập, Võ Hồng Thu đã treo vào tâm trí người đọc một câu hỏi không dễ trả lời từ cả hai phía.

Viết về tình yêu trong các chuyện tình đàn ông đàn bà không thể không viết về tình dục. Võ Hồng Thu khá bạo ở mặt này, có lúc rất bạo ("Bởi vì tôi là đàn bà", "Đà Lạt hoàng hôn"). Nhưng phần nhiều là có sự tinh tế trong tâm lý. Như trong truyện "Lỗi ở những ngón tay". Nhân vật Bội Nhiên đi Spa, đột nhiên cô thấy mình được chồng âu yếm mơn trớn trong cuộc làm tình nhưng khác mọi lần hung bạo lần này lại nhẹ nhàng. Giữa cơn cao trào đó cô chợt nhận ra mình đang nằm ngửa trên giường massage và bàn tay đang ve vuốt mình không phải của chồng mà của Quyết - cậu nhân viên masage bị mù. Chuyện sẽ tục nếu tác giả không để sau đó Quyết viết thư kể rõ tình cảnh và tình cảm của mình và xin lỗi Bội Nhiên. Kết truyện là một tháng sau Nhiên lại một mình quay lại Spa đó. Đó là cô muốn đóng vai người văn minh không coi nặng chuyện xảy ra lần trước. Hay do một ẩn ức thầm kín nó điều khiển thân thể, bất tuân lý trí sáng suốt. Tác giả để cô tự hỏi mình khi một người luôn có cảm giác chạy đua với thời gian như cô lại sẵn sàng ngồi chờ Quyết đang làm dở cho một khách hàng khác. Như thế là tại bởi điều gì. "Là gì? Là gì? Là gì?" Ba câu hỏi kết truyện chừng như tác giả muốn người đọc cùng mình tìm câu trả lời cho ca tâm sinh lý phức tạp này. 

Cuốn sách của Võ Hồng Thu đọc lôi cuốn không chỉ ở những chuyện kể mà còn ở cách kể chuyện. Tác giả rất linh hoạt cách viết. Khi là những đối thoại tạo kịch tính gây tò mò giữa hai bố con, hai vợ chồng, hai tình địch. Khi là cuộc trò chuyện của hai chiếc giường có chung dấu nằm của một người nữ với một người chồng và một người tình. Khi là một lá thư kể chuyện. Nhiều nhất là cách viết đổi ngôi các vai kể, từ nữ sang nam, và ngược lại. Những giọng kể thay đổi, đan xen nhau. Cảm giác Võ Hồng Thu viết rất hoạt, rất dễ, nhưng các truyện không lặp nhau dù các tình huống tình tiết của chuyện có thể giống nhau. Nói cách khác, cuộc yêu của đàn bà đàn ông chỉ một nhưng tác giả đã phân mảnh nó ra vô số như chính nó trong cuộc sống là vô số dị bản.

Trước "Gáy mảnh hững hờ", Võ Hồng Thu đã có các tập "Trà, cà phê hay là em" (2010), "Nude tình yêu" (2011) và "Môi đưa bão về" (2013). Những tập truyện đã định danh chị như một cây bút viết truyện ngôn tình. Chị không ngán cái danh xưng đó, cũng như không sợ bị coi là sến. Ngôn tình ư, thì đó là viết chuyện người ta yêu nhau, mà tình yêu chính là cuộc sống. Sến ư, có sao vì con người sống mà không đa cảm, mơ mộng thì sống có nghĩa gì. Võ Hồng Thu thấy những cái viết của mình giá trị nhất là ở sự chia sẻ những cảnh đời tình đời giúp người đọc không bao giờ thấy cô độc trong đời. Và người đàn bà làm báo viết văn ở tuổi 49 ra tập truyện mới này tiếp tục đi theo hướng viết của mình: "Thiên vị những phụ nữ dám sống hết mình và có năng lực yêu người khác bằng kỹ năng thuần thục, mọi lĩnh vực. Và tôi cũng muốn xây dựng những nhân vật nam như thế nhưng chưa được như mong muốn" (tr. 6). Các bậc đàn ông có giật mình tức giận khi đọc thấy những lời này? Những lời của một thái độ dấn thân "nữ quyền" rõ ràng trên trang viết đó là một thách thức cho cả nhà văn và người đọc. Võ Hồng Thu thổ lộ chị chưa chán viết những truyện này. Chị còn khoái nếu độc giả đọc xong truyện của mình muốn gặp tác giả để đối chất, cật vấn, trò chuyện, tâm tình. Khi đó biết đâu người đọc còn bị chị rủ rê sống hết mình như các nhân vật trong truyện. Nhưng trước hết người đọc có thể chờ đón ở chị những truyện loại này được viết theo kiểu mới lạ, khác nữa.

Bởi vì Võ Hồng Thu là một đàn bà rất đàn bà viết chuyện đàn bà một cách đàn bà! 

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.

Sài Gòn 28.6.2020

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem