Đọc sách cùng bạn: Bổ đầu người

Phạm Xuân Nguyên Thứ sáu, ngày 26/06/2020 08:00 AM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay ta cùng nhau đọc một cuốn sách nhan đề "Ở trong đầu trí thức" của nhà báo Phan Đăng.
Bình luận 0
Đọc sách cùng bạn: Bổ đầu người - Ảnh 1.

Cuốn sách này là một tập hợp những bài phỏng vấn nhân vật của nhà báo Phan Đăng đã in trên tờ "An Ninh Thế Giới" nơi anh làm việc. Sao tên sách lại là "Ở trong đầu trí thức"? Nhà báo đi phỏng vấn người là tìm cách bổ đầu người để lấy ý nghĩ của họ ra cho mục đích của mình nhằm phục vụ người đọc. Trong sách này những ý nghĩ không chỉ có ở trong đầu trí thức, mà cả trong đầu nhà chính trị, nhà khoa học, nhà thơ, ca sĩ, kịch sĩ nữa. Mỗi người được hỏi đã được tác giả nêu rõ danh phận và đặt cho bài hỏi một cái tên bài có thể thâu tóm cả ý tưởng của cuộc trò chuyện.

Tôi đưa lên đây mục lục theo thứ tự trình bày trong sách để bạn có thể hình dung những gì Phan Đăng đã chạm đến cùng các nhân vật của mình.

Tiến sĩ, Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ Ngô Tự Lập: "Phải có khát vọng đọc những thứ tử tế". Nhà vật lý, dịch giả Phạm Văn Thiều: "Ai bảo khoa học không lãng mạn?" Dịch giả Nguyễn Tùng: "Đã đến lúc cần một quốc sách cho dịch thuật". Giám đốc Viện Michael Dukakis (Mỹ), Nguyên Tổng biên tập báo Vietnamnet: "Trí tuệ nhân tạo có thể hủy diệt nhân loài, nếu…". Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Vương: "Dân là gốc hay là ngọn?".  Nguyên Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu: "Phải lắng nghe dân". Nguyên thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Phạm Chi Lan: "Đáng sợ nhất là… tham nhũng chính sách". Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Vũ Minh Giang: "Không có quyền lực nào tuyệt đối". Nhà nghiên cứu văn hóa tư tưởng Nguyễn Trần Bạt: "Phải gấp rút xây dựng một khái niệm hoàn chỉnh về độc lập dân tộc". Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Tôn Nữ Thị Ninh: "Phải cương – nhu đúng lúc". Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng: "Đến bữa ăn của dân cũng không đảm bảo thì bất ổn". Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh: "Lòng thành là điều quan trọng nhất". Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: "Từ bao giờ, những giấc mơ đã chết?".  Tiến sĩ Bùi Trân Phượng: "Lịch sử phải là sự thật được truy vấn không ngừng". Nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Bùi Trọng Hiền: "Phải tự lấp những khoảng trống trong hồn mình". Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: "Dân tộc chúng ta không tham ăn". Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha: "Họ đã ra đi, khép lại từng cánh cửa, và vĩnh viễn mang theo chìa khóa". Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Chí Trung: "Tôi là người Mohican cuối cùng". Ca sĩ Khánh Ly: "Tôi muốn sống thêm một cuộc đời nữa".

Những con người này, bằng cách nào để họ nói ra những ý nghĩ đã được nung nấu, tâm niệm, trăn trở của mình, tức là phơi mình ra một cách thành thật không chỉ trước nhà báo đi hỏi, mà còn trước cả khối đông độc giả cũng đang muốn hỏi, muốn biết? Nhà báo chỉ có một phương thức là đặt câu hỏi.

Phỏng vấn cố nhiên là phóng viên đặt câu hỏi và người được hỏi phải trả lời xoay quanh một chuyện, một việc, một vấn đề nào đấy. Khi dùng đến thể tài này trong hoạt động nghề báo, nhà báo/phóng viên muốn đạt được các mục đích sau: 1) thu thập được kiến thức của người được phỏng vấn về chủ đề mình quan tâm; 2) thu thập được nhận xét, cảm xúc của người được phỏng vấn về chủ đề đó; 3) biến người được phỏng vấn thành một chủ đề của bài báo. 

Những câu hỏi của người đi hỏi đặt ra cho người được hỏi phải như những nhát búa bổ đầu người hòng làm bật ra những vỉa tầng trong tư duy của họ, buộc họ phải nói thật, nói thẳng. Vậy cái khó của bài báo phỏng vấn là cách đặt câu hỏi, nói văn hoa thì đó là nghệ thuật hỏi. Nhà báo phải tìm hiểu thông tin về chuyện cần hỏi đến mức nào, phải tìm hiểu nhân vật được hỏi đến mức nào, mới có thể lập ra được một danh sách câu hỏi cần thiết và đích đáng, chưa kể trong quá trình phỏng vấn còn có thể đưa ra những câu hỏi bất ngờ, điểm huyệt người hỏi. 

Trong nghề văn có câu nói: Viết một cách thông minh là giả định người đọc cũng thông minh. Chuyển sang cho nghề báo khi phỏng vấn nhân vật câu ấy sẽ thành: Hỏi một cách thông minh là buộc người trả lời cũng phải thông minh. Những nhà báo sắc sảo, nhất là những ký giả quốc tế, họ có kỹ năng và nghệ thuật tung ra những câu hỏi có thể lật tẩy, lột trần trình độ và bản lĩnh của các chính khách và nhân vật nổi tiếng trong các cuộc họp báo, có thể đưa nhân vật lên đỉnh cao hoặc dìm xuống vực sâu. Và khi đó những câu hỏi thông minh, sắc bén, đầy thử thách người được hỏi sẽ đưa đến những câu trả lời thông minh hoặc ngu ngốc làm lộ rõ vấn đề mà nhà báo muốn đưa đến cho công chúng.

Ở TRONG ĐẦU TRÍ THỨC

Tác giả: Phan Đăng

Nhà xuất bản Phụ Nữ, 2019

Số trang: 335

Số lượng: 1500

Giá bán: 89.000đ

Phan Đăng đã thực hiện những cuộc phỏng vấn với sự "bổ đầu người" theo cách anh chọn. Những người được anh phỏng vấn đã trở thành nhân vật của anh. Nghĩa là khi họ đồng ý nhận lời cho anh nhà báo trẻ này làm phỏng vấn mình là họ đã tin anh, đã thầm mặc định chịu sự đối mặt và tra vấn trước những câu hỏi của anh. Họ có quyền im lặng hoặc lảng tránh những câu hỏi của anh nhà báo, nhưng họ đã nghe hỏi và đã trả lời. Có thể do độ gần gũi quan hệ. Có thể do cách hỏi, cách đưa ra những câu hỏi – tôi muốn tin điều này hơn. Từ đó và vì vậy, mỗi bài phỏng vấn của Phan Đăng, ngoài lượng thông tin cần và đủ trong phạm vi của đề tài và giới hạn của nhân vật, đã đưa thêm cho người đọc một cái nhìn về đời thường và người thường cho những người anh trò chuyện, hỏi han, vốn là những người hay giữ mình, hay giấu mình trước công luận và công chúng khó tiếp cận. Những nhân vật anh phỏng vấn, họ cũng đã trả lời những người đi phỏng vấn khác. Thậm chí họ cũng trả lời các nhà báo khác về cùng một đề tài như anh quan tâm. Nhưng đối diện với mỗi nhà báo, tùy cách khai thác của từng người qua cách đặt câu hỏi, họ - những người được phỏng vấn sẽ hiện lên trước mặt độc giả không chỉ ở vấn đề họ nói, mà cả ở cách họ nói, ở tầm vóc và tính cách của họ. Gặp người và hỏi người, trong cuộc sống bình thường vốn đã khó, lên mặt báo càng khó. Không ít nhà báo chán và ngại gặp đối tượng của mình vì một bên muốn biết và hiểu, nhưng một bên giữ và tránh. Cũng ít nhà báo biết cách tiếp cận đối tượng để được tin cậy và bằng những câu hỏi buộc đối tượng tự nhiên trả lời như bộc bạch, tâm sự, hơn cả một bài phỏng vấn theo thể loại báo chí. Bổ được đầu người phỏng vấn để cho độc giả biết ở trong đầu họ có gì một cách rốt ráo, trung thực, khi đó nhà báo đã không chỉ là người làm thông tấn, tân văn.

Cuốn sách này của Phan Đăng đưa lại cho người đọc nhiều thông tin thú vị, bổ ích, cần thiết ở nhiều lĩnh vực chính trị, xã hội, văn hóa để ngẫm ngợi từ góc nhìn của những người có trách nhiệm và thẩm quyền trong mỗi lĩnh vực của họ do chính họ nói ra. Tôi muốn coi đây hơn những cuộc phỏng vấn là những cuộc trò chuyện, trao đổi, thậm chí là tâm tình. Người đi hỏi không chỉ là người đưa ra câu hỏi, anh còn là người khơi gợi, đối thoại với người được hỏi, để bài phỏng vấn không chỉ dừng lại ở dạng hỏi-đáp, mà có khi còn như là sự "độc thoại nội tâm" của nhân vật khi đang trong tư thế hướng tới người đọc. Bởi vậy, có những thông tin hay sự kiện đã trôi qua, đã hết tính thời sự về mặt báo chí, nhưng đọc lại bài phỏng vấn độc giả vẫn cảm và hiểu được mạch nghĩ suy trong đầu của các nhân vật được phỏng vấn. Nói cách khác, cái sự "bổ đầu người" của tác giả nhà báo vẫn có tác dụng.

Phan Đăng là ai? Trước đây tôi chỉ biết có một Phan Đăng nhà báo như người hoạt ngôn, rành rẽ khi bình luận bóng đá. Gần đây có một Phan Đăng trong vai trò người dẫn chương trình "Ai là triệu phú" của Đài truyền hình Việt Nam. Và khi đọc tập sách này tôi mới nhận ra ở nhà báo này có tư cách "người đi hỏi". Nhà báo là người đưa thông tin nhằm đến sự thật. Họ đứng sau trang tin sự thật mình đưa ra cho công chúng. Nhà báo phỏng vấn là người chiếu đèn vào nhân vật của mình cho họ đứng trong vùng sáng, và như thế đặt mình đứng trong vùng tối. Những nhân vật của họ hiện ra thuyết phục, tin cậy đối với độc giả - đó là khi nhà báo được chiếu sáng. Tôi những muốn tin và muốn chúc cho Phan Đăng tiếp tục thành công ở thể tài báo chí này: tiếp tục có những bài phỏng vấn "bổ đầu người" để có được những bài báo dẫn lối độc giả đi sâu vào đầu óc những nhân vật có tiếng nói thẩm quyền trong các lĩnh vực đời sống xã hội và nghe thấy những tiếng nói trách nhiệm, tin cậy từ đó. Khi đó, độc giả cũng sẽ được thấy "ở trong đầu nhà báo" có gì.

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem