Đọc sách cùng bạn: "Trà một mình thơm"

Phạm Xuân Nguyên Thứ sáu, ngày 19/06/2020 08:00 AM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay tôi mời bạn đọc tập thơ "Hai phía phù sinh" của nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh.
Bình luận 0
Đọc sách cùng bạn: "Trà một mình thơm" - Ảnh 1.

Hai chữ "Phù sinh" trong tên tập thơ có nghĩa là gì? Từ điển Hán Việt chú nghĩa 浮生 là "cuộc sống tạm bợ, không bền vững". Vậy có thể hiểu "phù sinh" nghĩa rộng là kiếp người. Nguyễn Gia Thiều đã từng viết "Kiếp phù sinh trông thấy mà đau" (Cung Oán Ngâm Khúc). Còn hai phía là sao? Đó là sướng-khổ, vui-buồn, được-mất, nụ cười-nước mắt, hạnh phúc-bất hạnh, nghĩa là những đối lập, bổ sung, đắp đổi của đời con người trong cõi tạm. Như vậy "Hai phía phù sinh" là nói cái sự trải nghiệm và chiêm nghiệm của nhà thơ về cõi tạm nhìn từ hai phía đó.

Thơ Nguyễn Thúy Quỳnh đau cho từng sinh linh, cả con người, con vật, cái cây. Một con mèo bị xe cán trên đường chiều qua, sáng ra không còn dấu vết do có thể cơn mưa đêm hoặc xe rửa đường đã xóa sạch dấu vết. Một chuyện bình thường hẳn bạn và nhiều người khác không để ý, bỏ qua, dửng dưng vô cảm. Ồ, một con mèo chết ấy mà, có gì mà rộn, ai hơi đâu khóc một con vật chết đường, đến người còn chết tai nạn giao thông khối ra đấy nữa là! "Nhưng tôi tin thế giới loài mèo / Đang lặng câm khóc" (tr. 10). Tiếng khóc lặng câm của loài mèo thương xót đồng loại biết đâu cũng là thương xót cho loài người đã mất đi tiếng khóc. Nhà thơ như muốn xin lỗi con vật và cảnh báo con người. Hai câu kết bài thơ mở đầu tập đã nói lên cách cảm cách nghĩ cách thơ Nguyễn Thúy Quỳnh trong tập thơ này.

Nhìn đàn cá chết trắng sông Nhuệ do ô nhiễm không khí, nhà thơ lại muốn mình là loài bơi dưới nước để biết "trước khi chìm vào cơn ngạt thở vĩnh viễn / những con cá sông Nhuệ nghĩ gì?". Chúng có biết những phận người bên sông cũng đang bị ô nhiễm nhưng "muốn quẫy như cá mà không quẫy được". Đoạn kết bài, nhà thơ chơi chữ "đen" với những hàm nghĩa khác nhau, đối chọi.

Những dòng xe đen (1) nườm nượp chảy về đâu

bỏ lại một dòng sông đen (2)

lầm lụi chở những hồn cá về miền giải oan

và một dòng sông đen (3) khác

chảy âm thầm trên những khuôn mặt

sạm đen (4). (tr. 12)

Trong đoạn thơ này, "Đen": 1) là những chiếc xe hơi cụ thể của những người có trách nhiệm nhưng vô cảm với "những lời đầu môi trôi về đâu", lại cũng là dòng chảy đen của những thế lực giết chết môi trường; 2) là con sông cụ thể; 3) là dòng chảy cuộc sống; 4) là số phận những người cần lao. Nhà thơ đã chỉ cho người đọc thấy những cái ĐEN đang sống từ những cái TRẮNG đã chết.

Sau cá chết là cây chết. Những cái chết do bị con người bức tử. Nhà thơ coi những cái cây bị đốn chặt là Những Người Cây bị chết. "Đêm đêm / Hồn Cây về / Sừng sững trên từng gốc cũ" (tr. 28). Hai chữ "sừng sững" nhà thơ chọn cho hồn cây không chỉ chết sững vì cái chết tức tưởi mà còn là sự nghiêm khắc lên án con người. Không ai thấy hồn cây ấy, chỉ nhà thơ thấy. Như không ai nhìn thấy linh hồn bé Nhung "một em bé chết đói giữa ban ngày" (tr. 16), chỉ nhà thơ thấy. Và trong đau thương những cái chết của cây của người, nhà thơ nghĩ đến cầu xin tha thứ. Nhưng chúng ta, những người đang sống, không một ai đủ tư cách để cầu xin em bé ấy cái cây ấy tha thứ cho mình. Vì từ lâu nay chúng ta đã sống tàn bạo với con người, và với thiên nhiên.

Sau khi đã dõi cái nhìn ra ngoài, nhà thơ dõi nhìn vào trong. Vào người. Những người cứ mơ hồ nghĩ về một điều gì đấy nhưng "rồi thôi", chẳng nghĩ gì nữa, cho đến lúc "tiếng gõ đập dồn bên ngực trái biến mất" (tr. 55). Những người tọa hưởng thái bình "trong vỏ ốc mang tên Người Tốt" (83) – một loại người mà nhà thơ cố gắng phác thảo chân dung. Những người mang danh nghệ thuật nhưng không biết nâng niu bảo vệ cái đẹp cái thiện mặc "bồ câu trong tranh Picasso bị bắn hạ làm mồi" (tr. 78). Đấy là một phía phù sinh trong mắt thơ Nguyễn Thúy Quỳnh. Phía âm (negative).

Nhưng nhà thơ còn nhìn vào một phía khác. Phía dương (positive). Và ở phía này chị có những bài thơ hay, lay động. Người xót thương Những Người Cây bị đốn hạ cũng là người nâng niu quý trọng một Em-Bé-Cây, một sinh linh bé xíu "Thản nhiên bám rễ mà xanh / An lạc trong từng giây sống" trên bức tường xám của viện bảo tàng. Hai phía bức tường là sự đối lập sống-chết, và nhà thơ kính chào cái cây là biểu tượng sự sống. Cây còn dạy cho người bài học về Tự Do như cây hoa giấy bị trồng trong chậu đặt ở hành lang vẫn vươn cành ra ánh sáng "vì những bông hoa / chỉ rực rỡ dưới mặt trời" (tr. 60). Những cành cây đó trong mắt nhà thơ lại thành những "cánh-tay-cây".

Cõi phù sinh ở phía này với nhà thơ là vòm ngực của người chồng làm một vòm trời "cho những giọt nước mắt đàn bà của em thỏa sức rơi" (tr. 43) tạo nên một chân dung của hạnh phúc. Hạnh phúc trong ngôi nhà có năm cửa mở ra năm hướng: hướng núi "theo đời trôi dài cùng mây gió", hướng biển "lỡ có ngày ta lấm láp / gột giùm cho tới trong xanh", hướng láng giềng "mong nhận về đôi kẻ tri âm", hướng ông bà "nhắc lối thơm về", hướng trời "mai ngày / thuận đường mà rong chơi" (tr. 40).

Phía này cõi dương vọng về phía kia cõi âm tâm sự với người chồng đã khuất:

giá mà em ngộ ra những phù du cõi người

bập bềnh trôi ngoài cửa nhà mình

biết đâu giờ này

những bước chân anh đang chậm chạp lên cầu thang

căn phòng bé nhỏ

vẫn ấm tiếng anh gọi em và con mỗi sớm.

*

Nếu có thể gửi những ngày dương gian của mình

nối thêm kiếp sau của anh dài hơn

xin anh nhận cho em một nửa

còn nửa này

em chăm cho các con dài rộng thêm chút nữa

thế cũng là nhiều.(tr. 14)

Bài thơ này đầu đề "Có thể ở nơi ngọn khói hương bay lên" đã chạm đến bề sâu của lẽ phù sinh. Người đàn bà đã yêu thương và đau khổ tận cùng trong sự mất mát lớn nhất của đời mình. Vì vậy chị biết mình phải sống thế nào cho trọn và cho đầy với cả người mất và người còn. Và an nhiên, và bình tĩnh, sống với chính mình. Như cái cách chị nghĩ mình phải làm gì nếu buổi sớm nay rời nhà đi rồi không trở về vì biết bao hiểm họa trên đường. Chuyện tai nạn giao thông cướp đi bao sinh mạng mỗi ngày là một vấn nạn của nước ta. Nhà thơ đặt câu hỏi đó nghĩa là sắp xếp trước cho cái chết có thể xảy đến bất ngờ với mình. Nhưng bài thơ không phải nói cái chết mà là nói cái sống. Cái sống của một ngày, cái sống của một đời. Sắp xếp, lo toan chu đáo cho cha mẹ, chồng con. Dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp. Xong xuôi "thong thả ngắm những vòm cây dẫn đường / để sắc xanh tươi in vào đáy mắt" (tr. 38) rồi đi đâu thì đi. Một tư thế sống chủ động, biết cân bằng nội giới và ngoại giới, điềm nhiên đối mặt những bất trắc cõi thế. Điềm nhiên tĩnh tại tận hưởng buổi chiều cuối năm với một ấm trà nhỏ đang lặng lẽ tỏa hương để biết mang theo gì, để lại gì trên dòng thời gian trôi đời người (tr. 47). Bởi khi một sinh linh vừa rời bỏ trần gian cũng là lúc ngộ ra "vạn năm cũng chỉ là bóng mây trôi đáy nước", có là gì những thứ đắp điếm phù phiếm cái thân làm khổ cái tâm (tr. 32). Điềm nhiên thanh thản như một người nghỉ hưu biết mình đã làm xong phận sự ở đời, giờ đây "anh mỉm cười ngắm ráng chiều dần tắt / đợi những bình minh lộng lẫy của riêng mình" (tr. 71). Không phải ai cũng có được bình minh khi đời đã hoàng hôn! Câu thơ bất ngờ làm sáng lên vẻ đẹp tinh thần của một con người được nhà thơ gọi là bạn vong niên đã viết thơ tặng còn đề thêm dòng chữ "Với tất cả sự kính trọng". Vẻ đẹp ấy "gửi những điều nhân đức đến mai sau" như các thi sĩ nông dân một đêm về hội ở thành phố tạm quên phận mình lam lũ để hát ca hồn hậu, bay bổng như mây gió, đất trời (tr. 74).

HAI PHÍA PHÙ SINH

Tác giả: Nguyễn Thúy Quỳnh

Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2018

Số trang: 98

Số lượng: 1000

Giá bán: 90.000đ

Hai phía phù sinh trong thơ Nguyễn Thúy Quỳnh là vậy. Chị nói nhiều đến cái chết cũng để nhấn mạnh, khẳng định cái sống. Nói cái hao hụt, khuyết thiếu cũng để mong muốn sự đủ đầy, trọn vẹn. Chị muốn "gắng chu toàn trong cõi phù sinh" nói như nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn ở lời bạt.

Thơ ở tập này của Nguyễn Thúy Quỳnh thường được viết theo cách từ một sự việc cụ thể nhà thơ luận lý, suy tư, và thơ bật ra ở những ý tưởng bất ngờ tác giả dẫn dắt người đọc cùng mình chia sẻ. Để ý đến chữ "Về" kiểu như viết báo trong đầu đề một số bài thơ sẽ thấy xu hướng viết này của tác giả ("Về một con mèo bị xe cán", "Về một sinh linh vừa rời bỏ trần gian", "Chuyện kể về một ngôi nhà", "Về chậu hoa giấy ở hành lang", "Nghĩ vặt về khẩu trang sau bản tin môi trường", "Về một con mèo sống cùng nhà"). Ở đây cảm xúc lắng xuống ở bề sâu. Lấy thí dụ bài "Nghĩ vặt về khẩu trang sau bản tin môi trường" (tr. 66). Con người phải đeo khẩu trang để chống bụi ô nhiễm môi trường bay vào bên trong cơ thể. Nhưng đeo khẩu trang là bịt mũi. Từ đó nhà thơ khai triển cái tứ "Bịt" qua những thứ khác nữa bị bịt khẩu trang: lời nói, bàn tay, rồi đến ý nghĩ tưởng như được lang thang thì cũng bị triệu về để bịt. Bài thơ kết lại ở sự mở ra tầng sâu suy tưởng:

Ý nghĩ buồn, Ý nghĩ ra công viên ngắm hoa

Những bông hoa không chịu bịt khẩu trang

Nở thỏa thích dưới nắng

*

Nắng ở trên cao lắm

Nắng không khẩu trang.(tr. 68)

Như thế không phải là nghĩ vặt nữa rồi. Nhà thơ đã cấp cho ý nghĩa ngăn chặn của cái khẩu trang y tế một cách hiểu mới. Bài thơ này là một trong những bài hay trong tập. Một bài hay khác là "Về một con mèo sống cùng nhà" (tr. 79). Người và mèo "chung một nóc nhà mà hai thế giới" và người rất muốn hiểu mèo mà thật khó. Ô, giá mà biết được trong mắt mèo người là thế nào! Liên hệ ý này với ý thế giới loài mèo lặng câm khóc cho đồng loại bị xe người cán chết bài thơ thêm một lần làm người đọc giật mình.

Thơ Nguyễn Thúy Quỳnh thường kết bất ngờ hợp lý. Tuy nhiên, ở một vài bài khác tác giả kết hơi vội, không cần thiết, ví như bài "Đêm thơ của các thi sĩ nông dân" hai câu kết có thể bỏ: "Cho chúng tôi nhận ra giữa ngờm ngợp phố / Tâm hồn mình đang nghèo đến thế nào" (tr. 74). Thơ có khi cần nói thẳng nhưng là nói thẳng theo cách của thơ. Theo cách đó bài "Cho dù sự thật có mùi gì" (tr. 19) thơ hơn là bài "Tôi nhìn thấy" (tr. 84).

Tập thơ thứ tư gồm 32 bài này của Nguyễn Thúy Quỳnh mở đầu bằng "Về một con mèo bị xe cán" và kết thúc bằng "Biên bản buổi chiều chưa đặt tên". Bài cuối cùng này nói sự giao kết của người thơ với cuộc đời, với con người,

thả bầy chữ

qua cánh đồng, dòng sông, những cơn dông

qua thăm thẳm bóng đêm

về miền Ánh Sáng (tr. 91)

Mấy câu đó được lấy làm đề từ cho cả tập đã nói lên hướng chọn thơ giữa hai phía phù sinh của Nguyễn Thúy Quỳnh. Nhà thơ hiện đang là chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Thái Nguyên.

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.

Hà Nội 15/6/2020

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem