Đây là một cuốn sách đặc biệt vì mấy lẽ. Thứ nhất, cuốn sách này viết về cuộc đời Đức Phật từ lúc ra đời và xuất gia khỏi cung cấm đi tìm con đường cứu khổ cứu nạn cho loài người đến khi trở thành một đấng Từ Bi soi đường giác ngộ cho con người. Thứ hai, cuốn sách này viết bằng thể thơ lục bát dài 12336 câu, có lẽ là dài nhất trong các truyện thơ lục bát Việt Nam từ trước tới nay ("Truyện Kiều" của Nguyễn Du 3254 câu, "Giai nhân kỳ ngộ diễn ca" của Phan Chu Trinh 6903 câu, "Đoạn trường vô thanh" của Phạm Thiên Thư 3290 câu…). Thứ ba, cuốn sách này đã xuất bản từ trước, nay được tái bản lần thứ nhất.
Ở lời Bạt tác giả cho biết vì sao viết tác phẩm này: "Vào đầu thế kỷ thứ I, ở xứ sở u huyền Ấn Độ, xuất hiện Mã Minh với tập thơ "Phật Sở Hành Tán", dài hơn 9 ngàn câu thơ ngũ ngôn, tán thán, ca ngợi cuộc đời và tư tưởng phi thường của Đức Phật… Rồi gần đây, Nhất Hạnh viết "Đường Xưa Mây Trắng", Minh Đức Triều Tâm Ảnh viết "Một Cuộc Đời Một Vầng Nhật Nguyệt" bằng văn xuôi dài mấy ngàn trang, miêu tả cuộc hành trình vĩ đại của Thế Tôn, thật vô cùng hùng tráng, ngợi ca nụ cười bất tuyệt, vô tiền khoáng hậu của một con người tự do, tự tại trong lịch sử nhân loại. Cảm hứng bừng lên trên tinh thần sáng tạo bát ngát đó, nên du sĩ với khúc "Diệu Tâm Ca" cũng rúng hồn, xuất cốt nhập diệu cùng hòa âm thâm thiết một tiếng lòng ngưỡng mộ vào muôn thuở thiên thu…" (tr. 645). Như thế đủ thấy tư tưởng, cảm xúc của cuốn truyện thơ này là ca ngợi tán dương cuộc đời và công đức của bậc khơi nguồn một tôn giáo lớn mấy nghìn năm qua đã nhuần thấm vào đời sống tinh thần phương Đông và nay đang lan tỏa sang cả phương Tây, chan hòa cả trong cõi nhân gian.
DIỆU TÂM CA
Tác giả: Tâm Nhiên
Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2021
Số trang: 650 (khổ 13,5x20,5cm)
Số lượng: 1000
Giá bán: 300.000
Nhưng làm sao có thể đem lời nói thường để viết một bản trường ca về "Một Cõi hay Một Nhân Cách thị hiện Chân Tâm Vi Diệu" khi ở Cõi đó "ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt" như thầy Tuệ Sỹ viết trong lời tựa. Công việc này tưởng chừng như là bất khả. Tác giả cũng biết vậy "Cuộc đời Đức Phật vĩnh hằng/ Tuyệt không thể tả bằng văn chương mà/ Có nói cũng chỉ ngoài da/ Chẳng can hệ đến ruột rà thậm thâm" (tr. 603). May thay, cũng lại thầy Tuệ Sỹ chỉ cho ta biết "tính mệnh của người bị ràng buộc bởi sợi dây mảnh như tơ trời nhưng rắn chắc như thể kim cang, khi chiêm nghiệm về Đức Phật, thì thấp thoáng trước mắt trùng điệp ngôn ngữ của thơ." (tr. 5). Đó là cái đặc biệt thứ tư của cuốn sách này.
Thực ra thì cuộc đời Đức Phật rất đáng viết thành thơ ở tư cách một con người bình thường muốn tìm con đường cứu nhân độ thế khỏi đắm chìm trong cõi sống sinh lão bệnh tử. Tác giả Tâm Nhiên hẳn cũng nghĩ vậy nên đã dốc hết tình yêu thương vào việc tìm kiếm ngôn ngữ và vận luật để viết nên một truyện thơ về Đức Phật dài hơn một vạn câu thơ sáu tám trong đó có rất nhiều những thuật ngữ từ ngữ cách nói của nhà Phật. Công sức ấy thật đáng ngưỡng mộ.
Tâm Nhiên viết thơ về cuộc đời Đức Phật theo mô hình viết truyện "hạnh thánh" tức là viết về sự tích của những bậc chí tôn chí thánh được nhận lãnh sứ mệnh của trời xuống trần gian cứu loài người. Sự ra đời của họ vì vậy luôn được phủ trong vòng hào quang thần thánh.
Đây là khung cảnh Đức Phật đầu thai trong niềm mong đợi của hoàng gia:
Vì chưa có đứa con nào
Chạnh niềm cũng nhuốm nỗi lao đao buồn
Thốt nhiên một buổi khuya buông
Nằm mơ thấy bạch tượng luồn vào thân
Bồi hồi rạo rực xuất thần
Hương trời loang tỏa đầy sân nguyệt lồng
Phải chăng báo mộng điềm mong
Bỗng dưng hoàng hậu chuyển lòng mang thai (tr. 37)
Đây là lúc Đức Phật ra đời có hoa vô ưu nở ngày đản sinh:
Ô! Vô ưu nở tinh khôi
Bàng hoàng nâng cánh hoa ngời sáng xanh
Lạ lùng như gặp phúc lành
Nghìn năm mới ngát hương thanh li kỳ
Thì vừa sinh một hài nhi
Đất trời rúng động nghe kỳ diệu ghê (tr. 38)
Viết truyện thơ về một bậc khai lập một tôn giáo lớn nhưng là một con người có thực mà sự tích cuộc đời đã ghi chép rõ cố nhiên tác giả phải lần theo trục thời gian tiểu sử và hành trạng. Nhưng là một sáng tác thơ Tâm Nhiên có những khoảng rộng để tô đậm, nhấn sâu, mở rộng những ý tưởng cần thiết phải triển khai. Do đó người đọc được cùng tác giả như thấy trước mắt cảnh chàng hoàng tử xuất gia ra bốn cửa thành chứng kiến bao nỗi khổ sinh lão bệnh tử của con người, cảnh chàng giác ngộ "chứng thực tại diệu tâm" sau bốn mươi chín ngày ngồi nhập định dưới gốc cây bồ đề.
Trùng trùng duyên khởi bắt đầu
Thiên hình vạn trạng lau chau tiến trình
Trùng trùng điệp điệp duyên sinh
Vốn không tự ngã nơi mình rỗng rang
Trùng trùng pháp giới vô vàn
Tiến trình lui tới sẵn an nhiên rồi
Tiến trình hoạt động mà thôi
Chứ không ai đó là người hay ta
Đến đi sinh diệt chỉ là
Những gì ý niệm vẽ ra mê lầm
Thấy ra Bất Nhị thân tâm
Tự nhiên quét sạch những trầm lụy kia (tr. 119)
Và như thế, có thể đọc "Diệu tâm ca" từ đầu tới cuối, mà cũng có thể đọc ở một chương bất kỳ khi ta đã biết cuộc đời Đức Phật nhưng muốn được cùng nhà thơ phật tử Tâm Nhiên đắm sâu hơn vào những suy niệm phật pháp nhân sinh trong trùng trùng liên tục các câu thơ giăng mắc vần điệu. Ở chương cuối "Chơi giữa Đang Là" tác giả muốn chung đúc lại một chữ Tình một chữ Thương từ cuộc đời Đức Phật và giáo lý nhà Phật để lại cho con người ở cõi đời. Hãy sống kiếp người như chơi một cuộc lữ thong dong, nhẹ nhàng, cởi bỏ hết những tục lụy phiền não nhân gian.
Chà chà! Giả thật mất còn
Chút thân huyễn hóa như cơn gió lùa
Nhàn thôi thế sự nắng mưa
Bồng bềnh như cánh én mùa xuân chơi
Trộn cùng giọt lệ nụ cười
Thõng tay vào chợ chia vui sẻ buồn
Miên mang sáng tạo trào tuôn
Tiêu dao du ngát xanh nguồn lạc an (tr. 629-630)
Mấy câu này như vẽ ra chân dung thực của Tâm Nhiên ở đời. Chàng sinh viên Đại học Vạnh Hạnh năm nào giờ được gọi là Tâm Nhiên Du Sỹ vẫn mải miết đi hoài trong cõi thế với mái tóc bạc phiêu bồng và cái túi khoác vai, đến đâu là có bạn có thơ. Chàng đã đi và đã về. "Từ nay dứt mọi kiếm tìm/ Mỉm cười thư thái trong im lặng này/ Đã về đã tới nơi đây/ Ngay bây giờ đủ vẹn đầy xưa sau" (tr. 644). Đó là Diệu Tâm Ca của chàng gửi mọi người.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.