Đây là cuốn truyện đầu tay của một nhà thơ. Nguyễn Thuỵ Kha đã có 20 thi phẩm và 12 văn phẩm được xuất bản tính đến nay. Trong các tác phẩm văn ông đã từng viết các tiểu thuyết chân dung về các nhà thơ, nhạc sĩ, nhà văn hoá Văn Cao, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Hoàng Việt, Nguyễn Thiện Đạo, Huy Du, Nguyễn Văn Huyên. Ông cũng đã viết hai tự truyện của mình. Nhưng "Hương" là tiểu thuyết theo nghĩa hư cấu đầu tiên của ông.
HƯƠNG
Tác giả: Nguyễn Thuỵ Kha
Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự Thật, 2022
Số trang: 350 (khổ 14,5x20,5cm)
Số lượng: 2500
Giá bán: 145.000đ
Trong lời "Tự bạch" tác giả đã cho biết mạch nguồn cốt truyện có từ những gì ông đã sống, đã nghe, đã đọc. Hương là tên cô gái bán quán cà phê mang tên cô.
Trong "mùa hè đỏ lửa" 1972 ở Thành cổ Quảng Trị cô đã gặp một người lính giải phóng tên Lĩnh đến quán mình. Lĩnh là một giảng viên văn học tại một trường đại học ở Hà Nội nhập ngũ. Vốn cùng yêu nhạc Trịnh Công Sơn họ đã đến với nhau tự nhiên như tình yêu đôi lứa bất chấp lửa đạn và sự ngăn cách chiến tuyến. Rồi Lĩnh được lệnh rút ra Đông Hà, chia xa Hương. Nhưng nỗi nhớ người yêu đã khiến Lĩnh "đào ngũ ngược" quay lại thị xã Quảng Trị tìm Hương. Hương đã bị chiến cuộc xô đẩy nơi nào không biết. Còn Lĩnh bị thương, được Bao một bác sĩ quân y phía bên kia chăm sóc, và họ đã thành bạn của nhau nhờ sự đồng điệu tâm hồn. Lĩnh đã kể Bao nghe cuộc tình của mình với Hương. Sau đó, Lĩnh bị chuyển đi theo diện tù binh chiến tranh, Bao một lần tình cờ gặp Hương tại một bệnh viện trong vùng chiến sự Quảng Trị. Nghe Bao kể mình đã cứu chữa cho Lĩnh tại bệnh viện này, Hương đã ngất đi. Bao tận tình chăm sóc Hương, họ trở nên thân thiết với nhau, và Hương đã cho Bao biết mình mang thai đứa con của Lĩnh.
Bao cưới Hương và cả hai vào Sài Gòn hưởng tuần trăng mật. Họ ở lại đây cho đến cuối tháng 4/1975 di tản sang Mỹ. Lĩnh được trao trả tù binh năm 1973 sau Hiệp định Paris, xuất ngũ, làm đủ nghề kiếm sống, và trở thành nhà thơ nổi tiếng. Năm 2017, Lĩnh được mời sang Mỹ tham dự Festival Thơ – Nhạc tại thành phố Boston. Khi đến Quận Cam (Orange County) anh đã gặp lại Bao và nhất là được gặp Thơm, cô con gái ruột của mình với Hương. Nhưng khi ấy Hương đã mất vì bệnh ung thư.
Tôi đã tóm tắt cốt truyện cuốn tiểu thuyết theo lời tác giả viết. Một cốt truyện có địa danh, ngày tháng, tên thật, việc thật cụ thể, nghe ra không có gì là "hư cấu". Thì chính tác giả cũng đã viết ở cuối lời "Tự bạch": "Để viết tiểu thuyết này, tôi đã sử dụng bút pháp hư cấu trộn với phi hư cấu, tự sự trộn với đồng hiện, mong mang lại cho bạn đọc một bữa tiệc văn chương phù hợp thời đại." (tr.18). Tiểu thuyết "Hương" vì thế có thể nói là những việc thực người thực được văn chương hoá. Bạn đọc nào trong giới văn chương, biết rõ đời sống văn học thì dễ dàng nhận ra ai là ai ngoài đời của các nhân vật trong sách. Nguyễn Thụy Kha chính là hình bóng của Lĩnh vậy. Nên truyện đậm chất tự truyện. Nhưng cố nhiên Lĩnh không là Nguyễn Thụy Kha hoàn toàn, nhân vật còn là sự tổng hợp, ghép nối của nhiều người nữa.
Như vậy, Hương chỉ là khởi nguồn cho hành trình của Lĩnh đi tìm lại mình, tìm lại sự thật của chiến tranh, tìm lại sự cảm thông của những con người từng một thời ở hai bên chiến tuyến. Nhân vật chính của "Hương" là Lĩnh. Tác giả đã đưa Lĩnh sang Mỹ và cho nhân vật gặp gỡ nhiều người từng tham gia chiến cuộc trên "đất của kẻ thù" ngày trước để họ cùng nhau ôn nhớ lại thời chiến tranh, minh xác các sự kiện, nhân vật cụ thể của ngày đó. Nguyễn Thụy Kha đã giúp cho dòng hồi tưởng chiến trận của Lĩnh bằng những tư liệu hồi ký nhật ký của các liệt sĩ, các cựu chiến binh đã được viết ra và xuất bản. Nghĩa là trong truyện có ký, có sử. Các bài thơ của Lĩnh trong truyện là sáng tác của Nguyễn Thụy Kha. Cuốn truyện nhờ thế đọc hấp dẫn, thú vị, vì có tính chất nửa thực nửa hư.
Đọc kỹ hơn sẽ thấy tiểu thuyết "Hương" của Nguyễn Thụy Kha là một cuộc đối thoại về lịch sử. Thời lính ông là một chiến sĩ thông tin chiến đấu ở mặt trận Quảng Trị nóng bỏng. Ký ức "Mùa hè đỏ lửa" trên mảnh đất này vẫn hằn sâu trong ông. Viết về Quảng Trị thời đó là món nợ tinh thần ông muốn trả. Trong tác phẩm này bằng các bút pháp văn chương Nguyễn Thụy Kha đã làm hiện lên và làm rõ ra một Quảng Trị của những ngày chiến tranh khốc liệt giành giật từng tấc đất chiến hào đổi bằng bao mạng người ngã xuống.
Hành trình của Lĩnh trên đất Mỹ cũng là hành trình của Nguyễn Thụy Kha đã trải. Những gặp gỡ tiếp xúc của Lĩnh cũng là của Nguyễn Thụy Kha. Xuyên suốt cả cuốn sách là hình bóng Quảng Trị, là gương mặt của Hương. "Hương ơi! Nhờ có tình yêu của em, anh đã biết sống, đã dám sống đến tận cùng đời sống, sống thay cả những người đã khuất. Tình yêu lai láng của em đã tràn ngập cả tuổi già của anh. Đấy chính là bé Thơm. Vào một ngày đẹp trời nào đó anh sẽ bay theo em, theo những người đã ngã xuống, trong đó có những người ngã xuống Quảng Trị năm 1972. Rồi bé Thơm, bé Thiện sẽ kể chuyện chúng mình cho cháu Việt, cháu Hoa. Rồi các cháu lại kể tiếp. Cứ thế mãi mãi." (tr.349).
Tiểu thuyết "Hương" vì thế thực sự là một câu chuyện về Quảng Trị, là một nén hương Nguyễn Thụy Kha dâng lên các đồng đội của mình đã ngã xuống trên mảnh đất này. Kết thúc cuộc chia ly loạn lạc vì chiến tranh là cuộc trở về Việt Nam của vợ chồng Thơm – con gái của Lĩnh và Hương được Bao cha dượng nuôi nấng trên đất Mỹ, gặp được bố đẻ trên đất Mỹ - để cùng cha đẻ cha dượng đến bên dòng Thạch Hãn vốc ngụm nước sông quê hương cho thỏa lòng người mẹ đã nằm lại xứ người. Đó là câu chuyện tình người vượt lên mọi hận thù, chia cắt, bao trùm mọi phận người. Một thông điệp mà nhà thơ Nguyễn Thụy Kha gửi gắm trong cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình. Cuốn sách đã được phát hành vào tháng 8/2022 bản tiếng Việt tại Việt Nam và cả Mỹ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.