Cuốn sách ra nhân dịp 100 ngày nhà văn qua đời. Cùng với cuốn này Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam còn cho ra mắt cuốn "Nguyễn Xuân Khánh, một nụ cười mỉm, một nghiệp văn xuôi" tập hợp nhiều bài viết về con người và sự nghiệp của nhà văn.
Thường bạn đọc yêu mến một nhà văn đọc các tác phẩm của ông/bà ta rồi vẫn còn muốn được biết thêm những cái viết khác của họ nữa, ở đằng sau và bên ngoài những nhân vật mà họ đã tạo ra trên trang sách. Bạn đọc tò mò ông/bà nhà văn ấy đã sống một cuộc đời ra sao, đã nghĩ suy gì về đời sống và văn chương, đã nhìn mình và đồng nghiệp như thế nào. Nghĩa là bạn đọc ngoài cái viết hư cấu còn muốn đọc những cái viết phi hư cấu của nhà văn thuộc dạng tự truyện, hồi ký, bàn luận văn chương, chân dung văn học.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh nổi tiếng trong hai chục năm qua khi ông quay lại văn đàn với những cuốn tiểu thuyết đồ sộ về số trang và dung lượng viết về lịch sử phong tục văn hóa nước nhà. Đó là các cuốn Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn, Đội gạo lên chùa, Chuyện ngõ nghèo. Sinh thời ông là người vui vẻ, dí dủm trong các câu chuyện văn chương cùng bạn bè, đồng nghiệp với nhiều kỷ niệm, hồi ức, nhận xét khiến nhiều người kêu lên sao không viết ra đi và giục ông ghi lại.
Nghe thế ông chỉ cười cười. Thảng hoặc ở một hội thảo, tọa đàm nào đó ông được mời dự thì có khi ông phát biểu miệng, có khi viết ra bài đọc. Mà mỗi lần như thế anh em lại thúc ông viết dạng đó. Cứ nghĩ, ông chỉ giữ lại những chuyện buồn vui văn thơ một thời của thế hệ mình trong tâm trí mình thôi. May sao ông đã có viết lại. Không nhiều nhưng đã đủ để làm thành cuốn sách này ra mắt vào dịp một trăm ngày nhà văn rời cõi thế, giã từ cuộc đời và văn chương.
TIẾNG NGƯỜI TRONG VĂN
Tác giả: Nguyễn Xuân Khánh
Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam, 2021
Số trang: 332 (khổ 13,5x20,5cm)
Số lượng: 2000 (1792 bìa thường, 208 bìa cứng)
Giá bán: 120.000
Cuốn sách cho thấy, ta biết, ta gặp một Nguyễn Xuân Khánh trong cuộc đời thường và cuộc đời văn chương. Từ cảnh ngộ riêng của ông đến cảnh ngộ riêng của các bạn ông, trong những vui buồn sướng khổ của kiếp nhân sinh và kiếp văn nhân, để rồi mỗi người trong số họ đều đã mang vác trọn cây thánh giá của mình đi đến cuối con đường sống, con đường văn.
Một hành trình làm người, làm văn trải qua những "vết cắt". Đó là cái tên Nguyễn Xuân Khánh đặt cho bài viết về nhà thơ Trần Dần (1926 – 1997). Nhà thơ "Nhất định thắng" rất thích một khái niệm của nhà triết học Pháp Gaston Bachelar.
Ông Khánh viết: "Đó là khái niệm "vết cắt tri thức luận" (coupure épistémologique) hay "gián đoạn tri thức luận", (rupture épistémologique). Nghĩa là, ông cho rằng cái nhận thức mới vừa phủ định, vừa bao gồm cả cái nhận thức cũ. Và để đi tới nhận thức mới, con người phải trải qua một quá trình rất gay gắt, phải vượt qua những chướng ngại tri thức luận (obstacle épistémologique)".
Đây là một khái niệm khoa học nói về quá trình nhận thức, hiểu biết của con người. Nhưng mở rộng nó ra cuộc đời và văn chương, có thể đọc cuốn sách này của Nguyễn Xuân Khánh theo ba "vết cắt" xuyên suốt đường đời đường văn của ông.
Thứ nhất là cuộc đời của nhà văn. "Vết cắt" xảy ra khi ông mới là đứa trẻ lên sáu phải theo mẹ về sống bên ngoại vì bố ông mất sớm. Hình ảnh người mẹ góa mới ba mươi tuổi xõa tóc cầm con dao phay múa trước mâm cúng trước khi dắt con rời khỏi quê chồng đã ám sâu vào tâm khảm ông. Nó đã cho ông nghị lực và quyết tâm sau này làm người và làm nhà văn.
"Đời tôi lắm lúc chua cay thất bại, tôi thường nhớ đến cái mâm đồng trên đầu tường hoa và hình ảnh của mẹ tôi đêm ấy. Và tôi lại tự nhủ lòng. Không được nản chí. Không thể chịu thua. Nào hãy cố lên".
Thứ hai là cuộc đời các bạn văn. Đó là Trần Dần, Lê Bầu, Nguyễn Dậu, Phạm Toàn, Dương Tường, Bùi Ngọc Tấn, và những người khác nữa. Mỗi người trong đây đều có một "vết cắt" số phận của mình. Nguyễn Xuân Khánh và họ là những người bạn hoạn nạn "cùng một kiếp bên trời lận đận", yêu con người, yêu văn chương, và muốn được sống ngay thẳng, trung thực trong đời và trong văn.
"Họ là những người lãng mạn hoài nghi. Họ yêu quý mọi người và khinh bỉ tất cả những kẻ không cho con người được sống đúng phận người. Làm nhà hoài nghi giờ là một việc tầm thường. Nhưng làm nhà lãng mạn hoài nghi thì đó mới là anh hùng".
Tôi nhớ tới câu này của nhà thơ Nga Yevgeny Yevtushenko (1932 - 2017) viết về nhà thơ Bungary Stefan Shanev khi đọc những bài viết chân dung bạn văn của Nguyễn Xuân Khánh. Ông viết về bạn cũng là viết về mình, và qua đó cũng là viết cả về một thế hệ, một thời kỳ lịch sử. Những bài viết sinh động, cảm động, sâu sắc và thấm thía về từng con người trong thân phận văn chương.
Và rõ ra tính cách, hình bóng từng người như Phạm Toàn thích hồn nhiên, nghịch ngợm; Nguyễn Dậu giữa thực và bịa khó lần… Bên cạnh đó, những bài viết về Nguyễn Triệu Luật, Tô Hoài, Vũ Bằng là cách Nguyễn Xuân Khánh đọc người đi trước để thêm cho cái sống cái viết của mình những chiêm nghiệm sâu sắc.
Thứ ba là hành trình văn chương của Nguyễn Xuân Khánh. Theo những lời tự thuật của nhà văn thì ông đã nuôi mộng nhà văn từ nhỏ. "Vết cắt" đầu tiên giúp cậu bé Khánh hơn mười tuổi đầu bỏ làm thơ vớ vẩn để quyết chuyển sang viết tiểu thuyết là tác phẩm của các nhà văn thế giới mà cậu may mắn được đọc.
"Cám ơn những nhà văn nghiêm túc của thế giới. Nhờ họ tôi mới vỡ ra thế nào là văn học tây phương và thế nào là thứ văn học nghiêm túc nhân đạo chủ nghĩa".
Cũng từ "vết cắt" này, về sau Nguyễn Xuân Khánh đã có "vết cắt" khác để tự mình chọn một lối đi riêng cho mình mà bước ngoặt là tiểu thuyết "Hoang tưởng trắng" viết năm 1974 (in lần đầu năm 1985 với tên "Miền hoang tưởng", in lần sau năm 2016 với tên gốc) đã khiến ông bị lao đao. Rồi đến tiểu thuyết "Chuyện ngõ nghèo" (tên gốc "Trư cuồng") cũng phải hơn ba mươi năm sau khi viết ra mới được xuất bản. Chuyện về cuốn sách đó đã được nhà văn kể lại trong sách này.
Xuyên qua những "vết cắt" đó ta thấy hiện lên con người nhà văn Nguyễn Xuân Khánh luôn để ý học hỏi các bậc thầy, các bậc tiền bối, các đồng nghiệp và đúc rút kinh nghiệm viết của mình để có những chiêm nghiệm suy ngẫm về nghề văn và nghệ thuật viết văn.
Ngay khi tập sự viết cuốn tiểu thuyết đầu tay (bản thảo về sau thất lạc) chàng thanh niên 16 tuổi Nguyễn Xuân Khánh đã nhận ra một điều: "Viết tiểu thuyết khó nhất là tạo ra được không khí". Từ đó càng đi sâu vào nghề ông càng phát hiện nhiều điều vẫn có thể bổ ích và cần thiết cho người viết bây giờ nói chung. Ví như mỗi nhà văn nên có một miền quê như là cái "sân sau" của mình, từ đó mà rút ra các chất liệu để viết.
Ví như nhà văn viết gì cũng đều ít nhiều gắn với sự trải nghiệm của mình, trực tiếp hoặc gián tiếp. Ví như tự truyện vẫn có thể có hư cấu miễn là logic và không tự đánh bóng mình đến thành lố bịch. Cũng bằng con mắt nghề nghiệp của một người sáng tác Nguyễn Xuân Khánh khi đọc các tác giả khác lại có những nhận xét sắc sảo, tinh tế của một nhà phê bình văn học.
Đọc "Thương nhớ mười hai" ông thấy "Vũ Bằng có cả cái duy lý logic của ký tây phương, có cả cái bay bướm thâm trầm của ký đông phương. Liên tưởng tiếp nối liên tưởng. Những liên tưởng bất ngờ." Đọc thơ Trần Dần ông nhận ra "Anh Dần hay dùng những chữ xưa rất cổ. Chữ cũ, nhưng khi anh dùng, khi nó rơi vào hệ thống từ ngữ của anh thì nó bỗng trở nên long lanh có hồn rất lạ".
Ở chiều ngược lại, Nguyễn Xuân Khánh cũng cần sự nhận xét của người khác về văn mình. Khi có lần ông hỏi bạn là nhà văn Châu Diên (Phạm Toàn), một người rất ghét giọng văn nghiêm túc đạo mạo, rằng văn mình có nghiêm túc quá không thì nhận được câu trả lời nghiêm túc trong tình đồng nghiệp bạn bè: "Cũng hơi hơi, nhưng được cái mày viết có chất "tình tang" nên cũng bớt đi cái sự nghiêm trang. Đời phải vui vẻ chứ mày. Tội gì mà cứ mặc complet quanh năm suốt tháng." Người văn được người nhìn và nhìn được người như vậy là đã tới độ thành thật trong nghề.
Cuốn sách này là tác phẩm cuối cùng của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh mà tiếc thay ông đã không còn được nhìn thấy. Có thể còn sống thì ông chưa muốn nó in ra vì ông còn viết thêm, trong lặng lẽ của lòng mình, biết đâu... Nhưng may là từ những bài ông đã viết để lại, bạn đọc yêu quý nhà văn đã có nó hôm nay, để đọc nó như vẫn được nghe nhà văn trò chuyện, tâm sự về người, về đời, về văn.
Sau tất cả những "vết cắt" của nhận thức, của cảnh ngộ, của nghề nghiệp, cái còn lại trên trang văn của Nguyễn Xuân Khánh là tiếng người. Tiếng người mà ông nghe vọng lên từ trang viết của bạn mình – nhà văn Châu Diên – kể về một anh địa chất hàng năm ở trong rừng chỉ nghe chim kêu vượn hót suối chảy lá reo. Có đủ thứ âm thanh chỉ bặt tiếng người. Cho đến một hôm anh bỗng nghe thấy tiếng hai phụ nữ dân tộc nói với nhau thì trào nước mắt, vì tuy nghe không hiểu gì nhưng đó chính thực là tiếng người của anh lâu nay anh khao khát, chờ đợi.
Ông Khánh viết: "Châu Diên ơi! Không biết mình có diễn tả đúng tinh thần của cái truyện ngắn của cậu không. Nhưng tớ cảm nhận được nó như thế đấy. Vả lại, đọc sách là như thế. Trong mình đã có sẵn một tiếng người. Cậu đã gẩy cây đàn và làm thức dậy, đã gây cộng hưởng cái nốt đàn tiếng người vốn ngủ lịm trong tôi. Nghe tiếng của cậu, dây tơ của tôi thức giấc." Nhà văn đã nghe được tiếng người trong văn của nhau.
Nhà văn muốn truyền được tiếng người đó vọng tới lòng bạn đọc để thức dậy tiếng người trong họ. "Người đọc người thương nhau" (Chế Lan Viên) trong cùng tiếng người. Văn chương không làm thức giấc được ở người đọc tiếng người cộng hưởng, lan tỏa, không là văn chương.
Đó có thể coi là một tâm niệm văn chương của Nguyễn Xuân Khánh. Ông đã làm được trong sáng tác. Trong cuốn sách này, gồm những bài viết ở dạng hồi ức văn chương, ông để lại cho bạn văn và bạn đọc những nghĩ suy trên hành trình đi qua những vết cắt để vẫn giữ được tiếng người. Trong đời và trong văn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.