Đọc sách cùng bạn: Nhìn người nhìn văn

Phạm Xuân Nguyên Thứ sáu, ngày 24/09/2021 17:05 PM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay, tôi mời bạn đọc cuốn sách "Chân dung người mê sách" của nhà văn Phạm Ngọc Tiến.
Bình luận 0
Đọc sách: Nhìn người nhìn văn - Ảnh 1.

Có 20 chân dung văn nghệ sĩ trong sách này, tập hợp từ những bài viết của Phạm Ngọc Tiến cho mục "Chuyện đời, chuyện nghề" trên tờ phụ trương hằng tháng của báo "Nhân Dân" trong vài ba năm trở lại đây. Khuôn khổ một bài viết cho báo không dài, nhưng Phạm Ngọc Tiến bằng con mắt văn xuôi của mình cũng đã phác họa được những nét văn nét người của những người bạn nghề anh quen biết, thân thuộc, qua những câu chuyện sinh động, đời thường.

Anh viết về nhà thơ Trần Anh Thái: "Tôi có những người bạn văn mà nói thật là chơi với họ phải chịu đựng. Có lẽ quá yêu quý nhau nên mới phải hạ mình thế. Trần Anh Thái là một người trong số đó". (tr. 50). Nhưng chịu đựng là khi đã chấp nhận cá tính con người của nhau, để rồi Trần Anh Thái vẫn hiện ra là "người thơ trong trẻo" trong mắt Phạm Ngọc Tiến.

CHÂN DUNG NGƯỜI MÊ SÁCH

Tác giả: Phạm Ngọc Tiến

Liên Việt & Nhà xuất bản Văn Học, 2020

Số trang: 147 (khổ 13,5x20,5cm)

Số lượng: 1000

Giá bán: 88.000

Nhưng với nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành thì Phạm Ngọc Tiến lại thấy đó là một "người văn khác biệt". Khác ở dáng vẻ con người bên ngoài so với chất văn trong tác phẩm. Khác ở sự lựa chọn làm văn và làm kinh doanh tách bạch, rõ ràng, đã theo cái này thì tạm nghỉ cái kia. Khác ở sự dấn thân trở lại văn chương, lần đầu là văn, lần sau là thơ, thơ lục bát. Làm gì, khi nào, người văn nào cũng là khác biệt. Mà dám khác biệt tức dám chính là mình. Phạm Ngọc Tiến quý trọng Nguyễn Phúc Lộc Thành ở sự dám khác ấy.

Anh gọi Đỗ Phấn là "họa sĩ viết văn tay ngang" dù ông cầm cọ này đến nay đã có gần ba chục đầu sách, hơn đứt nhiều ông cầm bút về số lượng in. Nhưng Phạm Ngọc Tiến gọi thế là đúng, bởi đối với Đỗ Phấn kể cả danh phận họa sĩ hay nhà văn đều không quan trọng. "Một Đỗ Phấn gầy guộc, chòm râu dê phơ phất bạc trắng, mái tóc cắt ngắn lốm đốm, mọi thứ đều già nua đến cả bạn gái cũng già, chỉ riêng đôi mắt là trẻ trung, tinh anh. Đôi mắt lấp lánh tràn đầy sinh khí lẫn yêu thương. Một đôi mắt hóm hỉnh biết nói, kể cả lúc say, khi anh ôm đàn gào lên những khúc tình ca loạn nhịp." (tr. 37)

Với những người mới bước vào nghề văn nhưng tác phẩm đầu tay đã có tiếng vang, Phạm Ngọc Tiến cũng trở nên thân quen và trọng thị. Anh khẳng định ngay rằng, "có một nhà văn Trung Sỹ" mà cuốn sách đầu tay của tác giả này "Chuyện lính Tây Nam" đã cuốn hút anh ngay từ những dòng đầu tiên. Phạm Ngọc Tiến sung sướng khi đọc được một cuốn sách trong đó "kho bắt gặp một trang viết gượng ép nào mà hoàn toàn là những bung phá của ngôn ngữ, của sự thật chiến tranh, của cảm xúc người viết." (tr. 107). Anh quyết đoán Bình Ca là "Người không tình cờ của văn chương" sau khi đọc cuốn "Quân khu Nam Đồng", dù lúc đầu không hứng thú lắm với tác giả và "nghi ngờ ngay cả độ dày của cuốn sách". Và khi đã thấy là sách hay thì Phạm Ngọc Tiến rất nồng nhiệt đọc và bình và tuyên truyền (miệng) và nôn nóng muốn chuyển thành kịch bản phim truyền hình. Rất nhanh chóng anh và Bình Ca, Trung Sỹ thành bạn bè như đã từ lâu lắm.

Đó chính là Phạm Ngọc Tiến. Người viết chân dung người khác cũng là họa chân dung mình. Những bài chân dung trong tập sách này tuy mới chỉ là vẽ phác, tuy kể chuyện người nhiều hơn nói văn chương nghệ thuật, nhưng Phạm Ngọc Tiến cũng đã cho thấy mình là một người bạn văn chân tình và thành thực. Vì trong giới này chơi với nhau tưởng dễ mà khó, hiểu về nhau tưởng nhiều mà ít, viết về nhau tưởng hay mà dở. Điều đó trong bài thay lời tựa cho cuốn sách nhà văn Trung Trung Đỉnh cũng đã nói. Viết được một chân dung nhà văn cho đích thực, trung thực là rất khó. Muốn viết được cần nhiều yếu tố, trong đó chân tình và thành thực tôi nghĩ là những cái hàng đầu. Phạm Ngọc Tiến lâu nay vẫn đang ấp ủ một cuốn chân dung như vậy. Những bài anh viết đây chỉ như khúc dạo đầu.

Có một chi tiết trong bài Phạm Ngọc Tiến viết về nhà thơ Trần Quang Đạo khiến tôi nhớ. Đó khi hai người cùng đoàn nhà văn Việt Nam thăm Hàn Quốc được đưa đến vùng biên giới Nam - Bắc Triều ngăn cách bởi một con sông. Trần Quang Đạo nhìn thấy một con chim ngậm mồi bay từ bờ này sang bờ kia và đã nảy ra từ một bài thơ. "Tối ấy, tôi nghe Đạo đọc mà thổn thức. Một bài thơ quá hay về chiến tranh, chia lìa. Con chim bờ Bắc sang bờ Nam kiếm mồi rồi trở về tổ ấm của mình. Chao ôi là hay là ý nghĩa. Một thi phẩm tuyệt vời khiến tôi bội phần kính trọng bạn mình." (tr. 129). Tôi nhớ chi tiết này vì nó là một nét chân dung, mà cũng là một nét cách viết. Và tôi nhắc lại đây cũng để mừng cho nhà thơ Trần Quang Đạo vừa được chọn trao giải thưởng ASEAN với tập thơ "Bay trong mơ" đúng như Phạm Ngọc Tiến đã từng mong khi biết bạn mình bị bạo bệnh: "Cánh chim thơ Trần Quang Đạo sẽ còn bay cao bay xa, dù bầu trời mây gió bày ra muôn vàn thử thách nhọc nhằn". (tr. 131)

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác!

Hà Nội, 24/9/2021

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem