Tác giả là một người Hà Tĩnh hiện làm việc trong ngành dầu khí và sống tại Vũng Tàu. Đây là tập thơ thứ 8 của anh kể từ tập đầu ra năm 2004. Các bài thơ trong tập chia sẻ cảm xúc tâm trạng của người thơ ở hai mảng đề tài: quê nhà và giàn khoan. Lời thơ giọng thơ của Lê Hạnh có cái chân chất một mạc của người quê, lại có sự ngang tàng phóng túng của người biển. Đọc thơ anh vì thế thấy thật.
Phóng hết tầm mắt thì cũng chỉ gặp sóng mà thôi
Vắng tha thướt trước mặt mình
Chúng tôi quên việc ngày ngày đào lỗ rốn mình để viết
Không quen đánh đu với ái tình
Chả phải lúc nào cũng rên cũng xiết
Câu thơ nào thì cũng nắng gió lung linh (tr. 77)
Đoạn thơ này nghe như một "tuyên bố thơ" của Lê Hạnh. Ở biển là ào ạt sóng, ào ào gió. Ở giàn khoan là phải trụ vững trên bập bềnh chao đảo. Câu thơ vì thế không lả lướt mà mạnh mẽ "ngập sóng gió trùng dương". Anh nhắn gửi "ai muốn thơ mặn muối / Ra với ngàn trùng khơi" (tr. 109). Ở giữa khơi xa con người như được miễn nhiễm, sát trùng với bụi bẩn trong không khí và cả trong tinh thần, được cởi mở khoáng đạt trong lời ăn tiếng nói và cả trong tính khí tâm hồn. Thơ nhờ thế có khi ít lẫn tạp chất.
GIÓ ĐỒNG LÀNG THỔI MÃI
Tác giả: Lê Hạnh
Nhà xuất bản Văn Học, 2020
Số trang: 130
Số lượng: 1000
Giá bán: 110.000
Lê Hạnh cho ta biết "thơ ở giàn nhiều mơ". Có lẽ thế, vì dựng một giàn khoan ở biển cũng như vun đắp một tình yêu. Vì người ra giàn khoan là xa đất liền nhiều ngày tháng mang bao nỗi nhớ người thân. Vì giàn khoan có khi cũng là một chốt chặn tiền tiêu của đất nước trên mặt biển. Vì "chỉ cần một từ ồ mà sóng mãi hoan ca" trong lòng những người thợ trên giàn khoan vốn lặng lẽ, ít lời. Trong một bài thơ Lê Hạnh kể chuyện bằng cách nào đó mà có những con dế có mặt trên giàn khoan. Giữa trời biển bao la con vật thân thuộc của đồng ruộng vẫn cất tiếng gáy. Còn "Đồng đội tôi cả đời / Giữa biển cả - lặng thinh" (tr. 107). Hai câu kết bài thơ chợt đưa lại khoảng lặng trong lòng người đọc để thấu sự cô đơn của những người ở giàn khoan. Cả sự vội vàng tất bật nữa, của họ, khi mỗi chuyến vào bờ rồi lại ra khơi. Đến cả chuyện vợ chồng cũng khó nhọc:
Gọi về nhà báo "quân địch" sẵn sàng
Những trận đánh âm thầm muôn cơ khổ
Mở tivi, ru chờ cho trẻ ngủ
Thắng thua gì cũng tốn khá nhiều công (tr. 122)
Giọng thơ như đùa nghịch tếu táo nhưng là để giấu một nỗi niềm thương yêu. Thơ Lê Hạnh ở mảng này đã cho người đọc hiểu và cảm thông với cuộc đời cuộc sống của những người ở giàn khoan dầu khí nhận cô đơn vào mình để mang về cho tổ quốc vàng đen. "Những con tàu ra giàn luôn như thế / Cả đời mình buông quạnh quẽ sau lưng" (tr. 122), câu thơ đầy thương cảm, xa xót.
Viết về quê hương làng xóm mẹ cha vợ con bạn bè thơ Lê Hạnh cũng thẳng và thật như thế. Anh làm ta giật mình trước mâm cỗ ngày giỗ cha bày toàn món ăn lạ mắt sinh thời cha không biết,
Duy củ khoai củ sắn quả cà
Thứ gần gũi cả đời cùng cha nhất
Vợ chồng con lại chẳng sắm bày lên? (tr. 52).
Đến mâm cơm trưa 30 tết cũng vậy:
Thứ lạ lẫm, thứ mẹ cha quen thuộc
Con cứ bày cùng lúc giữa rau dưa
Heo bò gà xếp cùng tôm cua luộc
Thứ vì đời, thứ tìm lại ngày xưa (tr. 57)
Hai mâm cúng được bày ra trong thơ Lê Hạnh không chỉ để nói cái tình của người con với các bậc sinh thành. Thơ còn nói đến cái tâm của con người, sống thật, yêu thương thật, không lấy mâm cao cỗ đầy để khuất lấp cái tâm sáng hồn nhiên tự nhiên. "Nấu đủ mặn để bồi hồi nhớ lại / Cha mẹ từng bao tằn tiện, gian lao" (tr. 58) – câu thơ như mặn mòi dư vị ở đầu lưỡi và trong lòng người. Chi tiết "nấu mặn" nói lên đặc điểm của một vùng quê gợi được tấm lòng thơm thảo của người con. Anh viết về người vợ biết "thương câu thơ vay nợ ân tình" của chồng. Anh nhìn ra hạnh phúc giản đơn khi được to nậy trong mắt con mình.
Vùng quê Hà Tĩnh trong thơ Lê Hạnh được anh kể chuyện sự tích những địa danh Gia Lách, Kẻ Treo, Trường Lưu. Đọc bài "Gia Lách" (tr. 85) nói về cái ngã ba ngay đầu phía nam cầu Bến Thủy quen thuộc từ lâu với người dân núi Hồng sông La (có cả tôi trong đó), bạn đọc sẽ được biết đến một phần đời của tác giả ở nơi ấy thời trẻ tuổi nhiều khó nhọc mà cũng lắm mộng mơ. Giờ tóc trắng đầu anh chỉ mong có được vài viên sỏi nhỏ nhặt từ ngã ba gió sương chốn cũ để nhớ lại tháng năm xưa vơi đầy. Thời gian đi không chờ đợi ai. Và con người càng có tuổi càng hay nhớ về quá khứ. Gió đồng làng thổi mãi trong lòng trong thơ Lê Hạnh ngày càng giục giã buốt nhói vì anh biết "ký ức cũng chỉ còn là muôn ngàn mảnh vỡ" không thể chắp nối vẹn nguyên, càng không thể quay ngược được thời gian. Và khi người thơ chạm tuổi sáu mươi thì càng thấy nỗi nhớ quê hương bản quán quay quắt thầm thì. Đành lấy thơ làm niềm thương nỗi nhớ.
Một chữ "nhặt" nghe sao vừa nhẹ bỗng vừa nặng trĩu. Như ai đó vừa đánh rơi mình nhặt lại. Như mình vừa nhặt lên để trao lại cho người. Như chỉ còn chút nhỏ nhặt đó là của mình.
Lê Hạnh làm thơ và cũng nghĩ về thơ. Ở đầu bài viết này tôi đã trích một đoạn thơ như là "tuyên bố thơ" của anh. Anh nói thơ ở giàn khoan nhiều nắng gió. Anh nói ghép chữ ở giàn khoan là để nói một thứ thơ, một cách làm thơ. Anh vẽ chân dung một nhà thơ như tạc một bức tượng chữ. Anh tin ở thời gian sẽ sàng lọc thơ "miếng trầu già chát xít" và thơ "ngan ngát hương cau". Anh tự nhìn mình "vài câu thơ tăm cá / còn chênh chao Vũng Tàu" (tr. 25). Người biết nghĩ về nghề là người làm nghề có ý thức. Thơ Lê Hạnh ở những bài viết tự do thì như lời nói kể chuyện. Nhưng ở những bài thể năm chữ thì nén lại, đằm xuống, cảm xúc đầy hơn. Bài "Thu hát" là tiêu biểu. Mùa thu của đất trời và mùa thu của đời người. Ý tứ này đã có nhiều người viết nhưng Lê Hạnh vẫn phả được vào những câu thơ của mình cái cảm giác xao xuyến thảng thốt bình an lo âu ở vào cái thời khắc giao điểm mà như một nhà thơ Nga đã nói là "khi mình đã trụi trần đối diện với mình đây". Mọi thứ khi thu đến đều rút bớt lại, thu gọn lại, chầm chậm lại. Và con người nghe khúc hát mùa thu với lòng an nhiên tĩnh tại.
Hình như thu qua cửa
Còn lại mình bên nhau
Hình như thu gìn giữ
Giùm cho mình chiêm bao… (tr. 38)
Tôi những muốn thơ Lê Hạnh có nhiều hơn những "hình như" như vậy nữa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.