Phạm Xuân Nguyên
Thứ sáu, ngày 22/01/2021 07:00 AM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Cuốn sách hôm nay tôi giới thiệu với bạn là tập tùy bút – truyện ngắn mang tên "Một phút tự do" của tác giả Elene Pucillo Truong.
Đọc cái tên tác giả bạn đã thấy có gì khác lạ, nhận ra một yếu tố Việt Nam trong đó, đúng không. Vâng, đúng vậy, tác giả là một phụ nữ nước ngoài làm dâu Việt Nam. Truong, chính là Trương, họ chồng. Elena Pucillo là tiến sĩ ngôn ngữ và văn học nước ngoài, gốc ở Milano (Italia). Chị đã từng giảng dạy tiếng Pháp và văn minh Pháp tại quê hương mình. Kết hôn với một chàng trai Việt Nam quê Bình Định chị đã sống với quê chồng như quê mình cho đến một ngày chị theo chồng về sống hẳn ở Việt Nam, tại thành phố Hồ Chí Minh. Và viết. Với tâm thế của người sống giữa hai dòng văn hóa. Với tâm thế của một con người thế kỷ hai mươi, giữa tình cảnh toàn cầu hóa. Cuốn sách này là kết quả của sự giăng mắc đó. Elena viết văn bằng tiếng Italia, và chồng chị - anh Trương Văn Dân, dịch ra tiếng Việt.
MỘT PHÚT TỰ DO
Tác giả: Elena Pucillo Truong
Người dịch: Trương Văn Dân
Nhà xuất bản Tổng Hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2020
Số trang: 238
Só lượng: 2000
Giá bán: 80.000
Những truyện ngắn trong tập này của Elena là những khoảnh khắc chiêm nghiệm đời người. Như phút mặc khải bà mẹ chồng hiểu người con dâu đang mang thai đứa cháu nội của mình. "Con gái yêu, đừng lo nữa. Mẹ sẽ giúp đỡ con. Chờ một chút nhé, đây, chiếc gối nhỏ đây, bây giờ mẹ đi lấy chai dầu xanh, thoa chỗ này nè, trên cổ tay, một chút lên mang tang nữa… đấy, thấy chưa, con có vẻ đỡ hơn rồi đấy. À, mà đợi mẹ đi lấy cho con vài lát gừng, nhấm một chút sẽ hết buồn nôn. Cố gắng nhé, chỉ vài tháng đầu thôi… sau đó on sẽ khỏe…" (tr. 17). Như "quá khứ dưới lớp tuyết mùa Giáng Sinh" đọng lại nỗi buồn đau khi một người thân yêu nằm xuống. Như một phút tự do cho mình sống thực mình nhưng thực khó khăn làm sao. Cái truyện được lấy làm tên chung cả tập sách này viết ở ngôi thứ nhất. "Tôi" trong truyện là một phụ nữ thành đạt. Nhưng mà đạt được gì? "Đã bốn mươi tuổi mà tôi không có một mái gia đình, không có một đứa con, chẳng có một ai đó thỉnh thoảng hỏi tôi có khỏe không và quan tâm đến việc tôi có vui vì những công việc của mình không." (tr. 95). Elena Pucillo Truong viết truyện trời Âu cũng là chuyện của con người khắp chốn xứ, ở đâu họ cũng tìm kiếm hạnh phúc và thấy bất hạnh vì sống một đời không hạnh phúc.
Những tản văn, câu chuyện, trong tập sách này tác giả lại chia sẻ cùng người đọc cuộc sống của mình ở Việt Nam. Chị theo chồng về nước và được sống trong không khí văn chương văn hóa của quê chồng, đó là một không gian khiến chị thấy thích thú, hứng khởi. Một cuộc gặp nhau của những người bạn văn trong một trà quán với sự hài hòa của âm nhạc, của lời nói thân tình, sức nóng và mùi vị đặc biệt của rượu sen được đưa lên khi tiếp xúc với trà nóng, chiếc bánh đậu xanh, tiếng xào xạc và màu sắc quyến rũ của những tà áo dài, tất cả đã làm thành lý do cho tác giả rất yêu mến đất nước này. "Dù đã nhiều năm sống ở đây nhưng với tôi, lúc nào cũng cảm thấy là còn nhiều điều cần phải khám phá. Và kinh ngạc." (tr. 157).
Elena Pucillo Truong đã từ yêu một con người đến yêu một đất nước, một nền văn hóa. Chị đã viết thật hay và xúc động về nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương mà tôi chắc nhiều người Việt Nam chưa có được sự đồng cảm tương đắc như vậy với một nhà thơ nữ quê hương mình. Đặc biệt khi chị liên tưởng từ bài thơ "Còn gặp nhau" của Tôn Nữ Hỷ Khương với những vần thơ của các thi sĩ Pháp trước nay. Và khi đã hiểu được tư tưởng trong bài thơ của nhà thi sĩ Việt Nam chị nhắn gửi: "Xin hãy đọc những vần thơ này cũng như những bài thơ khác của nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương để có thể nắm bắt những điều tốt đẹp và yêu thích trong cuộc sống thường ngày. Chúng ta hãy sống nồng nhiệt hơn, ngay bây giờ, bởi vì chúng ta không thể nào biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai và không thể biết mình có còn thời gian để xây ảo mộng nữa không. Những giây phút tích cực thực hiện ngay lúc này có thể cho chúng ta một cuộc sống an lành." (tr. 176). Bài viết này từ nguyên tác có từ nụ cười đã được dịch giả chuyển thành "Còn gặp nhau… xin hãy cho nhau nụ cười".
Văn Elena Pucillo Truong nhẹ nhàng, đằm thắm. Truyện của chị gợi ý để người đọc nghĩ. Tản văn của chị chan chứa tình cảm yêu thương cho con người và một vùng đất mới. Đọc chị, người đọc cảm nhận một tâm hồn Italia nồng nàn, và thấm đượm cả tâm hồn Việt. Trong tập có bài về "Sophia Loren, cuộc đời đầy huyền thoại" cho ta hiểu thêm "về một người phụ nữ vĩ đại đã làm cho thế giới biết đến đất nước của mình: nước Ý." (tr. 192).
Trước tập sách này Elena Pucillo Truong đã có tập truyện ngắn "Bóng của ngày" (2012) và tập truyện "Vàng trên biển đá đen" (2018). Và "Một phút của tự do" đã được giải thưởng của Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh cũng như đã được Nhà xuất bản Calibano (Milano) xuất bản bằng nguyên tác tiếng Italia "Un instante di liberta".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.