Đọc sách cùng bạn: Thương người thương mình

Phạm Xuân Nguyên Thứ sáu, ngày 27/11/2020 08:00 AM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay tôi mời bạn đọc cuốn "Giai điệu mùa đông", một ký sự chân dung văn nghệ sĩ của nhà văn Châu La Việt.
Bình luận 0
Đọc sách cùng bạn: Thương người thương mình - Ảnh 1.

Đọc cuốn sách này bạn sẽ biết được những câu chuyện sống động, cảm động về cuộc đời của một số văn nghệ sĩ mà tác giả đã có những kỷ niệm sâu sắc, những nhìn nhận đánh giá chân tình, thấm thía về con người và sự nghiệp của họ. Là nhà thơ Phạm Tiến Duật: "Anh là một đỉnh cao của thơ ca chống Mỹ, là một con đại bàng hùng vĩ của Trường Sơn" (tr. 9). Là nhà thơ Thảo Phương: "Chị có trong thơ mình trái tim người thiếu phụ khao khát mà không thể trở lại một mùa đông Hà Nội" (tr.20). Là ca sĩ Ngọc Tân "một con người từng đỉnh cao danh vọng, cũng từng dưới đáy của xã hội" (tr. 44). Là nhạc sĩ Trần Tiến "một thực thể âm nhạc hoàn chỉnh, vừa là nhà thơ tạo nên những ca từ, vừa là nhạc sĩ hát lên những dòng thơ ấy bằng nhịp phách, bằng giai điệu, rồi lại vừa bằng chính vòm ngực và cổ họng của mình" (tr. 57). Là nhà thơ Y Phương "con ngựa hoang, cánh đại bàng của núi" (tr. 90). 

Tác giả kể bạn nghe chuyện nhà văn Đỗ Chu những năm chiến tranh mỗi độ xuân về đều có một cành đào và cặp bánh chưng đem biếu mẹ nhà văn Nguyễn Trí Huân khi người đồng nghiệp đang ở chiến trường xa. Chuyện ca sĩ Lê Dung với chiếc khăn nilon được những người lính bên sông Vàm Cỏ gửi ra Hà Nội tặng với ước mong được một lần nghe lại tiếng hát của chị ở chiến trường. Chuyện nhà văn Trương Nhuận (bạn đồng khóa đại học với tôi) gặp khó khăn về lý lịch đã có được việc làm và về sau thành danh nhờ sự giúp đỡ của nhà văn Đỗ Chu và giáo sư đạo diễn Đình Quang. 

Những câu chuyện sống thực được Châu La Việt viết chân thực, đầy tình cảm, bằng lời văn nồng nàn, da diết. Và không chỉ là chuyện những người nổi tiếng, mà cả chuyện những người bình thường như một thầy giáo mê thơ "dẫu sao thì đời mình vẫn mãi mãi có thơ" (tr. 101), như một "nhà văn của binh trạm" (tr. 136) day dứt đã không thể viết được hết sự thật về đồng đội của mình… Nhiều người trong số họ đã đã khuất bóng nhưng trên trang sách thấy như còn hiển hiện cho bạn đọc được cảm nhận, được sống cùng tác giả về một thời đã qua của đời sống văn chương nghệ thuật nước nhà, như trong câu chuyện về ca sĩ Quang Lý. 

Và trong tập ký sự cũng không thể thiếu là hành trình cuộc đời của chính tác giả khi còn tuổi nhỏ ở Hà Nội, khi vào lính, những bước đầu vào báo chí, văn chương, làm kịch làm nhạc. Chân dung tác giả nhờ đó cũng hiện lên sinh động bên các chân dung đồng nghiệp bạn bè. Chỉ một chuyện sự tích những cái tên gọi và bút danh của tác giả (Lê Khánh Hoài, Trương Nguyên Việt, Châu La Việt, Triệu Phong) cũng đã gợi tò mò.

GIAI ĐIỆU MÙA ĐÔNG

Tác giả: Châu La Việt

Nhà xuất bản Văn Học, 2018

Số trang: 182

Số lượng: 500

Giá bán: 100.000

Cuốn sách "Giai điệu mùa đông" còn kể cho bạn biết chuyện nhà của tác giả. Nhà văn Châu La Việt là con của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và ca sĩ Tân Nhân. Chiến tranh và lịch sử đã làm hai con người âm nhạc nổi tiếng quê Quảng Trị này phải xa nhau mãi mãi, kẻ Bắc người Nam, và đứa con – kết quả tình yêu của họ không bao giờ được gặp mặt bố. Tác giả đã đưa vào sách lá thư của bố viết năm 1987 gửi cho mình, đứa con 35 năm chưa biết mặt (tr. 128-135). Trong lá thư viết tay dài 8 trang này gửi từ Mỹ về trong nước, người nhạc sĩ tài danh đã giãi bày hết mọi chuyện đời mình với "Hoài, đứa con trai đầu lòng yêu quý của Ba". Ông bộc bạch ngay đầu thư: "Ba chưa bao giờ chối bỏ con. Suốt 35 năm trời nay, con luôn ở trong ký ức của ba, trong trái tim của ba, trong trái tim của ba. Nhất là trong tâm hồn của ba". Ông hãnh diện xác nhận với con về tình yêu của mình: "Cho đến bây giờ mối tình đó, đối với ba cũng như một số người đã biết mối tình đó, là mối tình đẹp nhất trần gian. Đối với ba, suốt đời, mẹ con là tuyệt vời, Tân Nhân là tuyệt vời".

Đối lại, ca sĩ Tân Nhân cũng luôn trân quý tình yêu đầu đời của mình. Bà đã viết trong lá thư cuối đời gửi Bộ Văn hóa: "Với tôi, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là mối tình đầu. Dù trong hoàn cảnh nào, tôi cũng thấy mình phải có trách nhiệm với tình cảm này. Với tôi, giờ đây đã gần đất xa trời. Còn điều gì chưa yên thì đấy là những tác phẩm của tình yêu đầu của mình chưa được phép sử dụng rộng rãi. Với tình cảm và trách nhiệm của một người nghệ sĩ, một Đảng viên Cộng sản, tôi kính mong các đồng chí xem xét lại các tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, cho phép các tác phẩm tốt, các tác phẩm ngợi ca đất nước quê hương của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ được phổ biến rộng rãi trong công chúng" (tr. 181-182). Người con đọc những lời này của mẹ mình đã chảy nước mắt thương mẹ vì hiểu đó là "khúc hát cuối của mẹ cho mối tình đầu đầy khổ đau của mình". Và bạn và tôi đọc cũng thấy rưng rưng niềm thương cảm cho người nghệ sĩ, từ đó càng thấy hiểu thêm một giai đoạn lịch sử đau đớn bi thương của đất nước.

Có thể nói cả tập sách "Giai điệu mùa đông" của Châu La Việt gói trọn trong một chữ THƯƠNG đó. Thương người thương mình. Thương cha mẹ thương bạn bè.

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách khác.

Hà Nội 26/11/2020

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem