Đọc sách cùng bạn: Trong sương mù Yên Tử

Phạm Xuân Nguyên Thứ ba, ngày 28/07/2020 08:12 AM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay tôi mời bạn đọc cuốn tiểu thuyết lịch sử mang tên "Trần Thủ Độ" của nhà văn Trần Thanh Cảnh.
Bình luận 0


Đọc sách cùng bạn: Trong sương mù Yên Tử - Ảnh 1.

Nhà Trần (1225 – 1400) là một triều đại hiển hách trong lịch sử dân tộc Việt Nam với chiến công vĩ đại ba lần đánh thắng quân Nguyên – Mông ở thế kỷ XIII (1258, 1285, 1288). Bạn khi đọc lịch sử nước ta đến thời nhà Trần trong nhiều cái tên đáng nhớ chắc hẳn đã biết đến cái tên Trần Thủ Độ (1194 – 1264). Ông có thể nói là một người quyền biến cơ mưu tuy ít học đã biết lợi dụng cơ trời lịch sử giúp họ Trần giành lấy ngôi báu thiên hạ từ tay nhà Lý bằng một cuộc đảo chính cung đình êm đẹp thông qua một cuộc hôn nhân sắp đặt giữa hai đứa trẻ - Lý Chiêu Hoàng, vị vua cuối cùng của triều Lý, và Trần Cảnh con người anh họ, cháu gọi ông bằng chú họ. Ở buổi ban đầu của triều đại mới khi vua đầu triều còn nhỏ, Trần Thủ Độ với chức Quốc thượng phụ nắm mọi quyền cai trị trong nước, tự một tay mình sắp xếp điều hành các việc quốc gia đại sự. Công của ông lập nên triều Trần là rất lớn, được các sử gia ghi nhận. Nhưng ông cũng bị những nghi kị lịch sử vì sự tạo ra lệ hôn nhân nội tộc của họ Trần trái với đạo đức thông thường và vì sự tàn sát tôn tộc nhà Lý sau khi đã lấy được ngôi vua cho nhà Trần. Cho đến nay ông vẫn là một nhân vật gây nhiều tranh cãi cho các nhà sử học, công lao được xác định, mà những chuyện nghi vấn ẩn khuất vẫn chưa có lời đáp.

Như vậy, Trần Thủ Độ là một nhân vật lịch sử rất hứa hẹn cho các nhà viết truyện lịch sử dựng thành nhân vật văn chương. Trần Thanh Cảnh cũng rất mê một trong những ông tổ triều Trần này. Sau khi đã viết về Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, anh đã chọn Trần Thủ Độ cho cuốn tiểu thuyết lịch sử thứ hai của mình (sách có bản cứng và bản mềm). Đặt lịch sử vào khung ngày hôm nay, anh mở truyện và kết truyện bằng cuộc gặp gỡ bên sông Hồng của ba người bạn - một giáo sư đại học, một cô giáo dạy văn và một nhà văn, người xưng "tôi" kể chuyện - bàn luận lịch sử Trần triều và tập trung xoay quanh một cuốn thư tịch cổ về nhà Trần. Phần chính truyện là văn bản cuốn thư tịch đó, cũng chính là nội dung tiểu thuyết "Trần Thủ Độ".

Trần Thanh Cảnh vẫn dùng cách kể truyện quen thuộc là theo dòng lịch sử, bám theo tuyến tính các sự kiện lịch sử đã được các bộ sử chí ghi lại. Bắt đầu từ hai ông vua cuối triều Lý để dẫn tới cuộc tình định mệnh của Lý Hạo Sảm và Trần Nhị Nương trong loạn Quách Bốc làm thay đổi triều đại bằng tài quyền biến của Trần Thủ Độ. Nhưng tác giả lại đưa mạch sử vào mạch tình, dẫn người đọc vào nội cung triều chính cuối triều Lý đầu triều Trần qua hai người phụ nữ đều được phong Thiên Cực công chúa.

Một trong hai nàng Thiên Cực đó là Trần Nhị Nương, người chị họ của Trần Thủ Độ, mà định mệnh lịch sử trớ trêu sẽ biến nàng thành hoàng hậu của vua Lý Huệ Tông, rồi là mẹ vợ của vua Trần Thái Tông (người cũng là cháu ruột gọi mình bằng cô), và cuối cùng thành vợ của Trần Thủ Độ. Từ đó Trần Thủ Độ hiện lên trong con mắt nhà văn của Trần Thanh Cảnh là một chàng trai mạnh mẽ ái tình bên trong một võ tướng, một con người lịch sử cần xuất hiện để đổi thay lịch sử, một "Kingmaker" thời trung đại. Nhà văn tôn trọng tối đa lịch sử với những sự kiện chính trong cuộc đời nhân vật có thật: từ việc đưa Trần Cảnh vào cung Lý Chiêu Hoàng, bắt vị vua cuối cùng triều Lý lấy Trần Cảnh và nhường ngôi, ép Trần Thái Tông bỏ vợ (Chiêu Hoàng) để lấy chị vợ (Thuận Thiên) - cả hai đều là em họ (con cô Trần Nhị Nương) và người sau còn là chị dâu (vợ anh mình là Trần Liễu), bắt vua Lý Huệ Tông phải tự chết, đến câu nói ví mình như con chó săn giữ nhà khi vua Trần Thái Tông che chắn cho anh mình Trần Liễu khỏi cơn trừng phạt vì tội phản loạn, và nhất là câu nói nổi tiếng "Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ đừng lo gì khác" trong lần chống quân Nguyên thứ nhất. Cả những giai thoại đề cao sự rạch ròi công tư của Trần Thủ Độ khi đối xử với vợ mình là Linh Từ quốc mẫu trong việc xin cho người cháu họ chức câu đương hay than phiền anh lính giữ đúng phép tắc cung cấm cũng được nhà văn kể lại y nguyên. Nghĩa là về mặt sử liệu nhà văn không có gì thêm thắt, bịa đặt. Trần Thủ Độ vẫn là nhân vật lịch sử triều Trần như các sử đã chép và nhà văn chỉ việc kể ra các việc theo diễn tiến thời gian hành trạng của nhân vật trong tiểu thuyết.

Nhưng Trần Thủ Độ trong tiểu thuyết của Trần Thanh Cảnh đã có một thân phận người biểu hiện trong tình yêu và ái tình. Một Trần Thủ Độ đã cùng với người chị họ Trần Nhị Nương thầm yêu trộm nhớ từ ngày còn nhỏ, chuyện này sử có chép. Và đó là căn cứ để nhà văn hôm nay dựng lại và làm sống dậy một khối tình câm lặng suốt bảy thế kỷ qua. Trần Thủ Độ đã phải chôn chặt mối tình duy nhất của lòng mình vì nghiệp lớn của dòng họ, đau khổ nhìn người yêu trở thành vợ của một ông vua bạc nhược và bất lực. Sự bất lực ở đây, trong tiểu thuyết của Trần Thanh Cảnh, không phải chỉ về quyền bính một ông vua trên ngôi cao mà cả về sức mạnh đàn ông trong giường chiếu. Nhưng sức sống cuộn trào trong tấm thân cường tráng của một người trai thuyền chài sông nước khởi nghiệp nhà Trần đã khiến Trần Thủ Độ không chịu buông xuôi, phải quyết bằng được sống trọn kiếp tình của mình. Cho nên nhà văn đã để cho cuộc gặp mặt của Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ với Kiến Gia Hoàng hậu (tức Trần Nhị Nương) để bàn chuyện gả vợ dựng chồng cho con cháu trong cùng một họ theo ý đồ đổi thay triều đại trở thành một cuộc giao hoan của cặp tình nhân sau bao khắc khoải trông chờ như nắng hạn gặp mưa rào (tr. 133 – 140). Từ đó "Hai kẻ si tình lao vào nhau bất chấp cả đạo lý lẫn con mắt xung quanh dòm ngó. Họ như đang cùng sống trong một giấc mộng tràn trề ướt đẫm những dục tình của bao nhiêu năm dồn lại. Trần Thủ Độ là một võ tướng sức lực trần trề. Trần Nhị Nương là một người đàn bà nồng nàn như bông hoa vừa đến độ mãn khai. Họ vừa vặn khăng khít với nhau đến mức không muốn tách rời nhau ra thêm phút giây nào nữa" (tr. 145). Đây là chỗ sáng tác của nhà văn, bay bổng và thăng hoa. Tác giả đặt ra cả một bài vè lời lẽ rất dân dã cho trẻ con hát ngoài phố rêu rao chuyện này. Để rồi muốn chính danh vợ chồng cho Trần Nhị Nương, tác giả đã thêm vào sự kiện lịch sử có thật là việc Trần Thủ Độ ép bức tử Lý Huệ Tông ở chùa Chân Giáo với câu nói đã đi vào chính sử "Nhổ cỏ phải nhổ tận rễ". Sử chỉ chép như vậy. Nhưng theo mạch tiểu thuyết của mình Trần Thanh Cảnh đã để Trần Thủ Độ nói thẳng với Lý Huệ Tông: "Thế nhưng giữa ta và ngươi còn có một mối ân oán cá nhân của hai thằng đàn ông cần phải tính sổ với nhau một lần cho hết. <…>. Vậy nên người phải chết! Cho khỏi vướng mắt ta và Nhị nương. Để chúng ta có thể thoải mái trao nhau tình nghĩa phu thê, mà không canh cánh bên lòng cái xác sống vật vờ của ngươi vẫn còn bên cạnh!" (tr. 155). Lý Huệ Tông như thế chết vì bị truất ngôi vua (theo sử) và cả vì bị truất tình yêu (theo tiểu thuyết). Sau đó Trần Nhị nương bị giáng ngôi Hoàng hậu của Lý Huệ Tông để trở thành vợ của Trần Thủ Độ với cái tên Thiên Cực công chúa được vua Trần Thái Tông ban chiếu. Như vậy dòng mạch Thiên Cực của hai bà công chúa từ triều Lý đến triều Trần đã được nhà văn khơi suốt để người anh hùng cái thế Trần Thủ Độ ngụp lặn trong bể tình làm một con người trần tục, làm một người đàn ông đáng mặt. Đoạn viết về đêm vợ chồng chính danh đầu tiên của Trần Thủ Độ - Trần Nhị Nương (tr. 158 – 162) là một đoạn hay. Ở đó Trần Thanh Cảnh đã để Trần Thủ Độ tiểu thuyết nói một câu dài với vợ mình khi nàng bực bội vì bị gán cái tên trùng với nàng công chúa triều Lý nổi tiếng dâm loạn, lăng loàn. Câu nói của Trần Thủ Độ qua miệng Trần Thanh Cảnh vừa biện minh và đề cao "cái dâm" của người vợ: "Thiên Cực – đỉnh trời cao nhất. Nhưng nàng không chỉ có đỉnh trời của thiên thai cực lạc. Bông hoa sen thần thánh của nàng đã "đẻ" ra triều Trần nhà ta còn gì, sau này hậu thế muôn đời sẽ phải nhớ ơn khắc ghi điều này" (tr. 161), vừa cũng như một nhắn gửi hậu thế hãy hiểu cho chuyện của hai người, chớ nên chấp nhặt việc quốc gia đại sự và tình yêu theo thói thường.

Bản sách cổ Hán Nôm hư cấu dừng lại ở câu nói khí phách của Trần Thủ Độ với vua Trần Thái Tông khi chống quân Nguyên lần thứ nhất (1258). Nhưng cuốn tiểu thuyết chưa dừng lại đó. Phần kết chuyện ba người bạn gặp lại nhau, lần này là tại Yên Tử, tiếp tục bàn luận về nhà Trần sau khi đã đọc cuốn thư tịch ấy. Có thể nói phần kết này là một cuộc đối thoại lịch sử về Trần Thủ Độ, và đó là một đổi khác cách viết tiểu thuyết lịch sử của Trần Thanh Cảnh. Họ khẳng định công lao vĩ đại của Trần Thủ Độ đã đạo diễn được một cuộc cách mạng cung đình hầu như không có bạo lực, không đổ máu, nhờ đó giúp nối dòng liền mạch nền văn minh Đại Việt từ Lý sang Trần phát triển rực rỡ. Họ cảm phục Trần Thủ Độ một tình yêu chung thủy với chỉ một người phụ nữ là bà chúa Ngừ - Thiên Cực công chúa – Linh Từ quốc mẫu với cái tên thời con gái Trần Nhị Nương. Và họ muốn giải oan cho Trần Thủ Độ về việc bức tử Lý Huệ Tông cũng như việc tàn sát tôn thất nhà Lý, cả hai việc chính sử đều ghi. Việc sau thì tác giả hoàn toàn luận theo hai sử quan Phan Phu Tiên (đời Trần) và Ngô Sĩ Liên (đời Lê) để biện minh là Trần Thủ Độ không làm chuyện ác đó. Việc trước thì tác giả lý giải theo luật tình yêu: "Bởi câu chuyện tình tay ba của họ để có cái kết hạnh phúc viên mãn cho hai người thì một người kia phải biến mất thôi. Biến bằng cách nào cũng được. Chết cũng là một cách biến. Cái chết của Lý Huệ Tông về mặt logic là tất yếu. Thủ Độ thực ra chỉ gây sức ép… chứ không trực tiếp ra tay" (tr. 210). Có thể xem đây là một giả thiết văn chương của nhà văn để giải tỏa một nghi vấn lịch sử của nhân vật mình yêu mến. Cho nên nói phần kết truyện là đối thoại nhưng thực ra đó là đồng thoại thuận chiều để khẳng định điều lịch sử chưa xác thực. Kết truyện tác giả để ba người bạn được thấy Trần Thủ Độ hiển linh giữa vùng non thiêng Yên Tử giãi bày sự nghiệp mình và nhắc lại lời nhắn gửi hậu thế. Lần trước là chỉ nói trong quan hệ với Trần Nhị Nương. Lần này nói trong quan hệ với vận mệnh nước nhà: "Ta biết những việc ta làm người đời đàm tiếu. Người đời sau vẫn còn đàm tiếu. Thế nhưng ta đã bất chấp tất cả, chỉ một lòng vì non sông và trăm họ thì chút tanh hôi, bụi bặm rác rưởi kia bám vào người ta phỏng có sá gì? Người đời xưa thiên kiến cố chấp đã phê phán ta. Ta không chấp. Các ngươi là những kẻ thức giả hậu sinh của nước Việt thời nay có hiểu lòng ta không? Hả? Hả? Hả…" (tr. 221). Hình ảnh Trần Thủ Độ hiện ra với ba khuôn mặt giống hệt nhau chỉ khác màu: đỏ-trắng-xanh, khi tách ra khi nhập lại, biểu thị sự nhập nhòa đau đớn của một nhân vật lịch sử còn bị hệ lụy những điều chưa sáng tỏ. Và hình ảnh ba người bạn sau đó xuống núi trong màn sương mù mông lung đi mãi vẫn không về tới chân núi phải chăng là ý muốn nói hành trình tìm tới chân thân của Trần Thủ Độ còn phải đi tiếp.

TRẦN THỦ ĐỘ

Tác giả: Trần Thanh Cảnh

BestBooks & Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2020

Số trang: 221

Số lượng: 2000

Giá bán: 125.000đ

Viết cuốn tiểu thuyết lịch sử mới này Trần Thanh Cảnh hy vọng"tìm thêm được một góc nhìn nhận khác đi với truyền thống bấy lâu. Một sự kiện, một nhân vật lịch sử phải được soi chiếu dưới nhiều cách, nhiều góc độ. Từ đó mới hiện ra được sự thật lịch sử nhất, như đã từng" (tr. 209). Tác giả đã làm việc này theo cách diễn giải lịch sử chứ không phải diễn dịch. Đọc "Trần Thủ Độ" thì thấy đây là tiểu thuyết lịch sử được viết bằng cảm hứng sử thi. Có một khoảng cách sử thi hơn bảy trăm năm của người hôm nay với thời nhà Trần và vẫn có một khoảng cách sử thi của nhà văn Trần Thanh Cảnh với nhân vật lịch sử Trần Thủ Độ khi viết truyện về ông, tuy tác giả đã tìm cách kéo nhân vật lịch sử về con người thường trong dục tình nhân gian. Cảm hứng sử thi ngay trong bốn câu đề từ "Chí công dựng Trần triều / Vô tư gánh việc nước / Hào khí dậy non sông / Muôn đời lưu sử sách". Cảm hứng sử thi xuyên suốt trong giọng văn, cách kể, trong các chương sách theo kiểu đối ngẫu âm hưởng ngợi ca hào hùng: "Hai vai gánh cơ đồ, nhà Đông A nối tiếp dòng Đại Việt", "Tận tâm lo việc nước, tiếng tăm để mãi ngàn năm", "Xây hào khí Đông A, sử sách muôn đời ghi dấu". Cảm hứng sử thi trong các câu đối thoại của các nhân vật nhà Trần luôn lập luận giành lấy ngôi nhà Lý là vì xã tắc non sông. Cũng có thể nhà văn chọn lối viết quen thuộc này và anh đã có những thành công nhất định từ "Đức thánh Trần" đến "Trần Thủ Độ" với việc đưa cái sử thi vào chuyện tình để có những trang văn thấm đẫm dục tình xưa và nay.

Nhưng tôi vẫn cho rằng viết tiểu thuyết lịch sử là phải biến được nhân vật lịch sử thành nhân vật văn chương. Trần Thanh Cảnh ở "Trần Thủ Độ" đã ít nhiều làm được điều đó, nhưng vẫn còn rất nhiều khoảng sáng tạo văn chương cho nhân vật lịch sử mà ngòi bút nhà văn chưa chạm vào. Hy vọng ở cuốn tiểu thuyết lịch sử tiếp theo (có thể là về một trong ba nữ nhân họ Trần – Trần Nhị Nương, An Tư và Huyền Trân, rất có vai trò lịch sử và số phận cũng rất có tính tiểu thuyết chăng?) nhà văn sẽ bứt phá hơn, không để ngòi bút tiểu thuyết bị câu thúc quá nhiều vì lịch sử.

Trần Thanh Cảnh là nhà văn mới xuất hiện gần mười năm nay nhưng đã có tiếng vang và trở nên quen thuộc với độc giả. Sức viết của anh còn rất dồi dào. Trước tiểu thuyết "Trần Thủ Độ" anh đã có các tập truyện ngắn "Đại gia" (2013), "Kỳ nhân làng Ngọc" (2014, Giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam 2015), "Mỹ nhân làng Ngọc" (2015), "Cà phê phố cũ" (2016) và hai tiểu thuyết "Đức thánh Trần" (2017), "Quái nhân làng Ngọc" (2019).

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.

Đà Lạt, 27.7.2020


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem