Phạm Xuân Nguyên
Thứ sáu, ngày 19/02/2021 07:00 AM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay tôi mời bạn đọc lại tiểu thuyết "Số đỏ" của nhà văn Vũ Trọng Phụng nhưng là ở một bản in đặc biệt năm 2020 theo bản in đầu tiên của tác phẩm này năm 1938.
Vũ Trọng Phụng (1912 – 1939) là nhà văn, nhà báo nổi tiếng của Việt Nam đầu thế kỷ XX. Ông xuất hiện trên văn đàn năm 18 tuổi với truyện ngắn "Chống gậy lên đường". Tiếp đó ông ra mắt hai thiên phóng sự "Cạm bẫy người" (1933) và "Kỹ nghệ lấy Tây"(1934) với giọng văn châm biếm, trào phúng, thu hút sự chú ý của độc giả, gây được tiếng vang lớn trong dư luận. Đời văn Vũ Trọng Phụng ngắn ngủi, chưa đầy mười năm, nhưng ông đã để lại một khối lượng tác phẩm to lớn gồm hơn 30 mươi truyện ngắn, 9 tập tiểu thuyết, 9 tập phóng sự, 7 vở kịch, cùng hàng trăm, bài báo, bài phê bình và tranh luận văn học. Biết mình đã mắc một trong bốn chứng bệnh nan y đương thời là bệnh lao phổi, ông đã viết như chạy đua với thời gian. Thí dụ chỉ trong năm 1936 ở tuổi 24 ông đã hoàn thành ba tiểu thuyết lớn là "Giông tố", "Số đỏ", "Vỡ đê". Ngày 13/10/1939 ông trút hơi thở cuối cùng tại Hà Nội trong cảnh bệnh tật và nghèo túng khi chỉ mới 27 tuổi. Vũ Trọng Phụng được người đương thời xưng tụng là "ông vua phóng sự đất Bắc" và về sau được nhiều nhà nghiên cứu coi là "Balzac của Việt Nam". Trong các tác phẩm nổi tiếng của ông, tiểu thuyết "Số đỏ" chiếm một vị trí nổi bật.
SỐ ĐỎ
Tác giả: Vũ Trọng Phụng
Nhà xuất bản Văn Học & Đông A, 2020
Số trang: 272 (khổ 16x24cm)
Số lượng: 2000
Giá bán: 320.000đ
Theo sự khảo cứu công phu về văn bản học của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, "Số đỏ" in lần đầu tiên dưới dạng truyện dài đăng đều kỳ (feuilleton) trên tuần san "Hà Nội Báo" (từ số 40, ra ngày 7.10.1936) liên tục 16 kỳ, cho đến khi tuần báo này bị cấm (số 55, ra ngày 20.1.1937), tức là truyện chưa đăng hết. Sau đó toàn bộ 20 chương truyện "Số đỏ" (16 chương đã đăng báo và 4 chương chưa đăng) được chủ nhà in Lê Cường ở Hà Nội xuất bản thành sách riêng năm 1938. Đó là bản in lần thứ nhất, khi Vũ Trọng Phụng còn sống. Như thế bản Lê Cường là văn bản công bố tác phẩm, cố định tiểu thuyết "Số đỏ" gồm 20 chương. Từ đó cho đến năm 1960 "Số đỏ" đã có thêm các bản in thành sách vào các năm 1946 (lần hai), 1951 (lần ba), 1957 (lần bốn) – ba lần này ở Hà Nội, và 1958 (lần năm) – in ở Sài Gòn. Sau ba mươi năm chìm nổi với số phận của tác giả, sau khi Việt Nam kết thúc chiến tranh (1975) và đến thời đổi mới (1986), "Số đỏ" mới lại được chính thức in lại năm 1987 (lần sáu) trong "Tuyển tập Vũ Trọng Phụng" (3 tập). Sau Tuyển tập này thì "Số đỏ" cũng như các tác phẩm khác của Vũ Trọng Phụng đã được xuất bản bình thường, in đi in lại nhiều lần. Tất cả các bản in "Số đỏ" về sau đều lấy văn bản theo bản Lê Cường (1938) gồm 20 chương. Nhưng bản sách này mãi gần đây mới được phát hiện. Dựa vào đó, năm 2020 nhà sách Đông A đã cho xuất bản "Số đỏ" theo đúng bản in và cách in lần đầu năm 1938.
"Số đỏ" khi đăng báo năm 1936 ghi định danh thể loại là "chuyện cười dài", còn ở bản in Lê Cường ghi là "hoạt kê tiểu thuyết". Cả hai tên gọi thể loại này đều được đề lúc sinh thời Vũ Trọng Phụng, nghĩa là có thể có sự tham gia đồng ý của tác giả. Còn ở các bản in khác các người làm sách đã cho nó những định danh thể loại khác: hai bản 1946, 1957 cùng của nhà Minh Đức ghi là "tiểu thuyết cười dài", bản 1958 của nhà Mai Lĩnh thì đề "tiểu thuyết xã hội tả chân". Như vậy để thưởng thức và nghiên cứu "Số đỏ" của Vũ Trọng Phụng giờ đây bạn đọc và các nhà chuyên môn đã có văn bản đầy đủ trọn vẹn 20 chương của tác phẩm theo bản in đầu tiên với định danh thể loại "hoạt kê tiểu thuyết" được in ra năm 1938 khi tác giả còn sống.
"Số đỏ" là bức tranh xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX trong công cuộc Âu hóa khi chủ nghĩa tư bản phương Tây tràn vào. Theo bước chân và hành trình đi dần lên từng bậc thang địa vị xã hội do những trớ trêu may rủi ở một thời nhiễu nhương đảo lộn của một xã hội đang tìm cách bỏ cũ thay mới của nhân vật Xuân Tóc Đỏ từ là một cậu bé lang thang đường phố đến đứa nhặt ban sân quần rồi thành kẻ tham dự các sự cải cách xã hội cho đến cuối cùng trở thành một anh hùng ái quốc, Vũ Trọng Phụng đã dựng lên cả một "tấn trò đời" đầy bi hài kịch. Xuân vì mái tóc dãi nắng màu hoe đỏ nên được gọi là Xuân Tóc Đỏ. Ngay khi vào truyện hắn đã được một ông thầy số coi cho một quẻ đoán trước mắt có số đào hoa, về sau sẽ có danh vọng to. Cuộc đời hắn rồi sẽ diễn ra đúng như số phận tiền định mà ông thầy số đã báo trước nhưng là nhờ vào cái hiện thực đời sống của cái thời hắn sống mà hắn ngẫu nhiên trở thành một phần tử, một mắt xích đến thành như tất nhiên phải thế. Trong một xã hội đang sôi sục nháo nhào cải cách theo Âu hóa, ai ai cũng muốn tỏ ra mình văn minh, tiến bộ, Xuân Tóc Đỏ đã bị người khác sử dụng cho mục đích của họ nhưng hắn cũng đã tinh ranh, khôn khéo biết tự mình lợi dụng hoàn cảnh để nhập vào dòng chảy cuộc sống ấy, biết tận dụng nó để đưa mình từ kẻ phục vụ thành người chủ của cuộc chơi và nâng mình lên thành một kẻ đứng cao hơn cả những kẻ đã đưa mình lên. Xuân đã được bà Phó Đoan và vợ chồng ông bầu Văn Minh dùng làm công cụ kẻ hầu người hạ cho họ khi họ chạy theo phong trào cải cách tiến bộ xã hội, học làm người văn minh, tiến bộ. Nhưng chính khi đó Xuân Tóc Đỏ đã học đòi họ ban đầu là chỉ ở vẻ bề ngoài lời ăn tiếng nói, điệu bộ hình dáng, nhưng dần dần do sống trong môi trường đó hắn đã biết, đã hiểu, và đã có thể cho mình là người của môi trường đó. Những người được coi và tự coi là thuộc tầng lớp trên sau khi tiếp xúc với Xuân rốt cuộc đều đã phải nhờ cậy đến hắn, thông qua hắn để thay đổi mình, để chứng tỏ mình là người tân tiến. Một sự trớ trêu nực cười! Từ Xuân và thông qua Xuân nhiều kiểu người, nhiều kiểu sống bi hài kịch đã được nhà văn phơi bày và bóc trần. Cả một xã hội nhố nhăng kệch cỡm! Đó chính là ý đồ nghệ thuật của Vũ Trọng Phụng khi ông xây dựng nhân vật Xuân Tóc Đỏ và đặt hắn vào thế giới nghệ thuật được xây dựng bằng biện pháp hoạt kê. Dưới mắt ông xã hội Việt Nam quay cuồng trong sự cải cách như vậy là một sân khấu hài lớn trên đó Xuân Tóc Đỏ là kép chính diễn trò. Đỉnh điểm của tấn trò này là cảnh cuối truyện khi Xuân Tóc Đỏ được ông bầu Văn Minh bốc lên như một "anh hùng ái quốc" đã đứng trên nóc xe hơi diễn thuyết trước đám đông quần chúng về cái sự mình phải chịu thua trận đấu quần vợt với đối thủ Xiêm La. Sau lời diễn thuyết của nhân vật trong đó hắn gọi đám quần chúng nông nổi là "mi", nhà văn bình luận bằng giọng người kể chuyện: "Với cái hùng biện của một người đã thổi loa cho những hiệu thuốc lậu, với cái tự nhiên của một anh lính cờ chạy hiệu rạp hát, lại được ông Văn Minh vặn đĩa kèn, Xuân Tóc Đỏ đã chinh phục quần chúng như một nhà chính trị đại tài của Tây phương. Mấy người người bị gọi là mi, không những đã chẳng tức giận chút nào, lại còn vô cùng cảm phục, cho rằng người ta "phải thế nào" người ta mới dám ngôn luận tự do như thế!". "Số đỏ" và Xuân Tóc Đỏ như thế là thành công nghệ thuật lớn và quan trọng của Vũ Trọng Phụng.
Nhà làm sách Đông A đã để cuối sách lần in lại này bản in đầu của "Số đỏ" bài viết của nhà văn Lan Khai tưởng nhớ Vũ Trọng Phụng năm 1939. Bài viết đó cho bạn đọc biết thêm về con người và tác phẩm của nhà văn họ Vũ tài lớn mà mệnh yểu. Lan Khai viết: "Đọc các văn phẩm của Vũ Trọng Phụng, trong đó ta thấy lúc nhúc một nhân loại đen tối, ngu xuẩn, ích kỷ, tàn nhẫn và đầy bệnh tật về xác thịt cũng như về tinh thần, ta hẳn phải tưởng tượng rằng anh là một người cay nghiệt như một bà mẹ ghẻ. Nếu ta hiểu Vũ Trọng Phụng hơn, ta sẽ tỉnh ngộ rằng đấy chỉ là một thái độ, một thái độ bề ngoài của một người rất yêu đời, rất muốn tìm những cái tử tế tốt đẹp của đời và đã ngây thơ đợi những cái tốt đẹp và tử tế ấy cho đến chết." (tr. 271).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.