Theo Sở NNPTNT Hà Nội, toàn thành phố hiện có 133 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; 135 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ. Hà Nội cũng đã xây dựng được 40 nhãn hiệu nông sản được bảo hộ, như: Gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, nhãn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê...
Còn nhiều điểm nghẽn...
Các đại biểu tham quan triển lãm nông sản trong khuôn khổ hội thảo. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Nhân dịp này, Sở NNPTNT Hà Nội và UBND huyện Thường Tín đã tổ chức khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản, thực phẩm và công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Thường Tín từ ngày 11-13/9.
|
Hà Nội xác định đến năm 2020 sẽ tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu ngành; sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng; phát triển nông nghiệp theo hướng đô thị sinh thái gắn với phát triển du lịch, bảo vệ môi trường,…
Tại hội thảo, các đại biểu là đại diện doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đã bàn thảo, trao đổi kinh nghiệm, trong đó đều nhấn mạnh đến việc liên kết, cách tiếp cận công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản;...
Ông Đỗ Hoàng Thạch - Giám đốc Công ty CP Xúc tiến Thương mại nông nghiệp Việt Nam bày tỏ, các đơn vị sản xuất nông nghiệp hiện nay gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như: cơ sở hạ tầng, khó khăn về vốn, việc tiếp xúc với công nghệ, thị trường, đàm phán liên doanh liên kết còn hạn chế.
Các đơn vị sản xuất nông nghiệp cơ bản làm chủ được quy trình kỹ thuật và tạo ra sản phẩm tốt, song còn thiếu kiến thức trong việc định giá sản phẩm, lựa chọn phân khúc thị trường, bao bì nhãn mác sản phẩm chưa được chú trọng nhiều, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm còn gặp khó khăn... Do vậy, rất cần sự liên doanh liên kết của các doanh nghiệp đầu tư, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm và sự hỗ trợ quản lý nhà nước...
Tăng cường liên kết, quảng bá, xúc tiến...
Bà Nguyễn Thị Nguyệt - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) cho rằng, sự kết nối giữa các cơ sở sản xuất với các kênh phân phối nông sản thực phẩm an toàn, đặc sản của TP.Hà Nội là rất cần thiết đối với các HTX nói chung cũng như HTX nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú nói riêng.
Chính vì vậy, việc tổ chức các hoạt động kết nối giới thiệu nông sản an toàn và công nghệ mới áp dụng vào sản xuất nông nghiệp là rất cần thiết đối với sự phát triển của các HTX.
Nhấn mạnh về vai trò liên kết chuỗi và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Nhiệm vụ đột phát từ nay đến năm 2020 của ngành nông nghiệp Thủ đô là đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng tái cơ cấu; sản xuất hàng hoá tập trung, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm; phát triển nông nghiệp theo hướng đô thị sinh thái gắn với phát triển du lịch, bảo vệ môi trường,...
Để thực hiện được nhiệm vụ trên, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ kế hoạch tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 – 2020; đẩy mạnh cơ giới hoá vào sản xuất. Tăng cường đào tạo cán bộ chuyên sâu về kỹ thuật nông nghiệp. Cùng với đó, tổ chức liên kết, hợp tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Tăng cường xúc tiến đầu tư, quảng bá, tiêu thụ nông sản…
Trong khuôn khổ hội thảo, Sở NNPTNT Hà Nội đã tổ chức ký biên bản ghi nhớ giữa các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hợp tác xã và nhà phân phối về hợp tác đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp; nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng các tiến bộ mới vào sản xuất; phát triển các sản phẩm mới, hình thành các chuỗi liên kết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.