Điều gì khiến Bình Dương ngừng đề án Phát triển nông nghiệp đô thị phía Nam

Nguyên Vỹ Chủ nhật, ngày 31/12/2023 19:50 PM (GMT+7)
Nông nghiệp đô thị Nam Bình Dương đối diện với nhiều áp lực. Cụ thể, một số mục tiêu như diện tích cây ăn quả kết hợp với du lịch sinh thái, diện tích sinh vật cảnh, vùng nuôi thủy đặc sản ven sông... không đạt so với mục tiêu đề ra.
Bình luận 0

Nhiều mô hình đặc trưng nông nghiệp đô thị Nam Bình Dương

Nông nghiệp đô thị Bình Dương phát triển chủ yếu ở các thành phố, thị xã vùng phía Nam của tỉnh.

Năm 2016, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 3265 phê duyệt đề án Phát triển nông nghiệp đô thị vùng phía Nam tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020.

Một số sản phẩm nông nghiệp đô thị của nông dân TX.Bến Cát (Bình Dương). Ảnh: Nguyên Vỹ

Một số sản phẩm nông nghiệp đô thị của nông dân TX.Bến Cát (Bình Dương). Ảnh: Nguyên Vỹ

Đề án nhằm phát triển nông nghiệp đô thị Bình Dương với nhiều loại hình, phát triển chuỗi giá trị một cách bền vững trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo Sở NNPTNT tỉnh, Bình Dương có 444 tổ chức, cá nhân đã được đánh giá chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, trong đó 133 tổ chức, cá nhân được hưởng chính sách hỗ trợ.

Bình Dương xét duyệt và được Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh thẩm định, quyết định cho vay vốn 96 phương án với tổng số tiền gần 1.000 tỷ đồng; hỗ trợ gần 50 tỷ đồng thông qua chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn vây ăn quả đặc sản tỉnh Bình Dương giai đoạn 2007-2021.

Bình Dương cũng đẩy nhanh việc thực hiện các dự án đầu tư gia cố, nâng cấp hệ thống kênh rạch nhằm tăng cường tiêu thoát nước, chống nhập úng trên địa bàn các xã phường ven sông Sài Gòn.

Hiện nay, nhiều mô hình mang tính đặc trưng cho nông nghiệp đô thị đang phát triển, đạt hiệu quả cao. Các địa phương đều có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực đảm bảo bền vững.

Tính đến cuối năm 2023, tổng diện tích các mô hình trồng trọt theo hướng nông nghiệp đô thị đạt 964,5ha. Bình Dương có khoảng 2.870 hộ đầu tư để nuôi cá cảnh, cá sấu, ba ba, chim cảnh.

Đặc sản măng cụt Lái Thiêu của nông dân TP.Thuận An (Bình Dương). Ảnh: Nguyên Vỹ

Đặc sản măng cụt Lái Thiêu của nông dân TP.Thuận An (Bình Dương). Ảnh: Nguyên Vỹ

Nam Bình Dương còn có 2 loại trái cây đặc sản nổi tiếng cả nước là măng cụt Lái Thiêu và bưởi Bạch Đằng. Đây là những tiền đề để nông nghiệp đô thị vùng Nam Bình Dương nói riêng và tỉnh Bình Dương nói chung tiếp tục phát triển bền vững.

Nông nghiệp đô thị Nam Bình Dương đối diện nhiều khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Phạm Văn Bông - Giám đốc Sở NNPTNT cho biết, một số mục tiêu cụ thể của đề án thực hiện chậm, không đạt so với mục tiêu đề ra.

Cụ thể là mục tiêu phát triển diện tích cây ăn quả kết hợp với phát triển du lịch sinh thái; diện tích loại hình gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh; quy mô nuôi cá cảnh các loại; hình thành vùng nuôi cá giống, cá thương phẩm và thủy đặc sản ở ven các sông Đồng Nai, Sài Gòn và Thị Tính.

Sở NNPTNT cho biết, nguyên nhân chủ yếu do công tác tham mưu, xây dựng đề án chưa dự lường hết các khó khăn, thách thức. Các mục tiêu đề ra trong đề án quá cao so với thực tế phát triển nông nghiệp của tỉnh.

Nhiều cơ sở công nghiệp, đô thị, khu dân cư được xây dựng xen kẽ với các vùng nông nghiệp đã làm không gian sản xuất nông nghiệp liên tục giảm đi nhiều.

Tốc độ đô thị hóa nhanh tại một số khu vực ở TP.Thuận An làm giảm diện tích vùng cây ăn quả gắn với du lịch sinh thái. Ảnh: Nguyên Vỹ

Tốc độ đô thị hóa nhanh tại một số khu vực ở TP.Thuận An làm giảm diện tích vùng cây ăn quả gắn với du lịch sinh thái. Ảnh: Nguyên Vỹ

Đặc biệt là tốc độ đô thị hóa khá nhanh tại một số khu vực ở TP.Thuận An, TP.Tân Uyên, TX.Bến Cát làm giảm diện tích vùng cây ăn quả gắn với du lịch sinh thái.

Tốc độ tăng trưởng nhanh của tỉnh cũng đẩy chi phí các nguồn lực nông nghiệp gia tăng nhanh chóng, nhất là chi phí nhân công, chi phí đất đai luôn giữ ở mức cao.

Trong khi đó, không ít nông hộ có đất nhưng bỏ vụ canh tác, gây lãng phí tài nguyên hoặc chờ cơ hội chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp; không đầu tư bài bản, đúng mức.

Cùng với đó, ô nhiễm môi trường do hoạt động công nghiệp và sinh hoạt đô thị cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng canh tác và nuôi trồng tại địa phương.

Ông Bông cho biết, từ những kết quả và hạn chế này, Sở NNPTNT đề xuất với UBND tỉnh không tiếp tục xây dựng đề án Phát triển nông nghiệp đô thị vùng phía Nam tỉnh Bình Dương trong giai đoạn tiếp theo. 

Thay vào đó, ngành nông nghiệp sẽ căn cứ phương án phát triển các ngành, sản phẩm nông, lâm, thủy sản trong quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để xây dựng kế hoạch và thực hiện lồng ghép phát triển nông nghiệp đô thị với các chương trình, kế hoạch trọng tâm hiện có của ngành, ông Bông chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem