Để thành lập được 5 đội lân này là một "kỳ công" đối với cán bộ, chiến sĩ nơi đây.
Luyện tập công phu
|
Bài biểu diễn của đội lân đơn vị Cửu Long. |
Múa lân vừa là nét đẹp của nghệ thuật dân gian, vừa thể hiện tính mỹ thuật và đặc trưng của văn hóa từng vùng. Chính vì thế, để thành lập đội lân đơn vị cần phải có người rất am hiểu về loại hình nghệ thuật này.
Thượng úy Trần Công Nhanh, phụ trách đội lân đơn vị Cửu Long cho biết: "Đội lân hoàn chỉnh ít nhất phải có các thành viên: Đánh trống, múa đầu lân, đuôi lân, vai "Ông địa" và "Tề Thiên". Ở đơn vị hiện nay chỉ có một số ít đồng chí biết lại chưa thật sự nắm chắc.
Để xây dựng lực lượng nòng cốt về luyện tập, đơn vị chúng tôi đã lựa chọn hạt nhân theo học ở đội lân TP. Long Xuyên (An Giang)". Trong khi đó, đơn vị U Minh đã "tầm sư" ngay trên đĩa múa lân. Cách này xem ra khá hiệu quả.
Trung tá Lê Văn Việt - Bí thư Đoàn cơ sở đơn vị U Minh chia sẻ: "Tập theo đĩa không phải chuyện đơn giản, động tác trên đĩa diễn ra nhanh, phải rất tinh ý mới học được nghệ thuật di chuyển. Cũng may đơn vị chúng tôi có một số chiến sĩ đã từng tham gia đội múa lân ở địa phương nên việc kết hợp vừa xem đĩa, vừa luyện tập động tác thật thuận lợi".
Để đạt chuẩn, các chiến sĩ phải luyện tập ngày đêm vất vả. Người đánh trống được xem như "linh hồn" của đội lân, phải là người nắm chắc bài bản. Trống đánh phải phù hợp với điệu bộ của lân, lúc khoan, lúc nhặt, lúc dồn dập liên hồi như trống trận. Nhịp trống liên hồi đòi hỏi các chiến sĩ phải "múa tay" liên tục. Do đó, mỗi đội lân phải luyện tập ít nhất 3 chiến sĩ đánh trống mới có thể đảm bảo biểu diễn không bị gián đoạn.
Múa đầu lân xem như vai chính trong buổi biểu diễn. Các bước di chuyển của đầu lân phải hết sức điêu luyện, mang khí thế hùng dũng, vững chắc. Múa đầu lân còn phải kết hợp nhuần nhuyễn tay rung, giật đầu lân, ngậm, mở miệng lân với bước di chuyển nhanh nhẹn và đúng nhịp trống.
Cùng với đó, đầu lân và đuôi lân phải phối hợp hết sức nhuần nhuyễn từ các bước di chuyển đến những động tác nhào lộn, nhảy cao, nâng đầu lân… Mỗi bài biểu diễn múa lân diễn ra khoảng 10 phút, trong đó múa đầu lân và đuôi lân nếu có sức khỏe tốt nhất cũng chỉ có thể biểu diễn khoảng 2 đến 3 phút. Như vậy, mỗi đội lân ít nhất phải luyện tập từ 4 đến 5 cặp chiến sĩ múa đầu lân và đuôi lân. Vai "Ông địa", “Tề Thiên” cũng phải luyện tập hết sức công phu mới có thể biểu diễn thuần thục.
Diễn ấn tượng
Trải qua thời gian luyện tập vất vả, các thành viên "đội lân áo lính" đã cho ra mắt những bài biểu diễn thật ấn tượng phục vụ bộ đội và nhân dân quanh vùng. Đội lân đi đến đâu nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của đơn vị đến đó. Niềm động viên lớn nhất của các đội lân là được chỉ huy các đơn vị rất quan tâm tạo điều kiện về vật chất, lẫn tinh thần.
Chiến sĩ Thạch Thanh Sang, đơn vị U Minh phấn khởi cho biết: "Đây là lần đầu tiên em được ăn Tết ở đơn vị, thật vui, vừa được tham gia các hoạt động trò chơi dân gian, vừa được xem múa lân. Nghe tiếng trống lân rộn ràng trong lòng em thấy nôn nao, năm nay đón một mùa xuân tràn đầy niềm vui. Không chỉ được đơn vị ủng hộ nhiệt tình, đội lân còn nhận được sự tán thưởng nồng nhiệt của nhân dân trên địa bàn.
Lê Công Hạnh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.