Đổi mới hoạt động của Quốc hội

Thứ ba, ngày 23/08/2011 06:01 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo tờ trình về chủ trương xây dựng Đề án, việc đổi mới hoạt động của Quốc hội sẽ được triển khai trên phạm vi rộng, như giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và hoạt động đối ngoại của Quốc hội.
Bình luận 0

Phiên họp thứ nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã khai mạc sáng 22.8, tại Hà Nội. Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Sinh Hùng cho biết, tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ QH sẽ tập trung thảo luận về nội dung đánh giá kết quả kỳ họp thứ nhất và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII; cho ý kiến về chủ trương xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của QH.

Theo tờ trình về chủ trương xây dựng Đề án, việc đổi mới hoạt động của QH sẽ được triển khai trên phạm vi rộng, như giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và hoạt động đối ngoại của QH. Việc đổi mới cũng sẽ triển khai hầu hết các cấp, các hoạt động của QH bao gồm các kỳ họp QH, hoạt động của Ủy ban Thường vụ QH, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban, các đoàn đại biểu QH và đại biểu QH.

Hầu hết các Ủy viên Thường vụ QH đều đồng tình với chủ trương đổi mới hoạt động của QH nhưng vẫn còn phân vân về tiến độ đổi mới. Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cho biết: “Chúng ta mong muốn lớn nhưng triển khai không đạt được thì rất khó. Vì thế cần thêm yêu cầu, đổi mới vững chắc, không vội vàng. Những vấn đề chưa chắc chắn thì nên thí điểm trước”. Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng cho rằng, do phạm vi của đề án rất rộng nên kế hoạch triển khai phải đặt ra một cách chi tiết.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước băn khoăn về sự thiếu liền mạch trong hoạt động của đại biểu QH. “Giữa hai kỳ họp hoạt động của đại biểu như thế nào. Làm sao để QH hoạt động 365 ngày?” - ông Ksor Phước nêu vấn đề. Theo ông Phước, các đại biểu, đặc biệt là đại biểu chuyên trách nên mở rộng diện tiếp xúc cử tri. “Khi tiếp xúc với dân nên tinh giảm các thủ tục hành chính, bỏ màn chào mừng, tặng hoa” – ông nói.

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị cần thay đổi cách tiếp xúc cử trị hiện nay. Với kinh nghiệm của một đại biểu QH, bà Doan đề nghị không nên lần nào cũng tập trung đại cử tri, tại một nơi, bàn đi bàn lại từng ấy vấn đề như hiện nay. Bà Doan đề nghị nên mở rộng phạm vi địa bàn và đối tượng cử tri khi đại biểu tiếp xúc cử tri.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị các đại biểu triển khai thêm các hoạt động tiếp xúc cử tri. Các đại biểu chuyên trách không chỉ tiếp xúc cử tri ở đơn vị mình được bầu mà phải tiếp xúc cử tri ở các huyện, thị, các tỉnh khác. Chủ tịch QH cũng giao nhiệm vụ cho các Ủy ban, các Phó Chủ tịch QH từ nay đến cuối năm phải thực hiện một số lần đi xuống địa phương để tiếp xúc cử tri, nắm bắt thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem