TS Nguyễn Anh Dũng nói:
Theo tôi nghĩ, vấn đề cốt tử của đổi mới lần này là chúng ta chuyển từ xây dựng chương trình theo cách tiếp cận nội dung sang chương trình hướng đến hình thành năng lực. Nói một cách đơn giản như thế này:
Chương trình theo cách tiếp cận nội dung thì dạy cho học sinh biết cái gì; Còn chương trình hướng đến năng lực cho học sinh là học sinh làm được gì trên cơ sở các em biết. Như vậy năng lực là đích, là đầu ra của giáo dục. Với cách tiếp cận như vậy nó sẽ chi phối các yếu tố của chương trình như mục tiêu- tức là dạy để làm gì; nội dung dạy học - tức dạy cái gì; phương pháp và hình thức tổ chức dạy học - tức là học bằng cách nào; và cuối cùng là thi, kiểm tra, đánh giá và chất lượng giáo dục.
Nhưng mục tiêu của chương trình hiện hành cũng đề cập vấn đề dạy năng lực?
TS Nguyễn Anh Dũng
Đúng vậy, đây cũng chưa phải là cái gì mới. Ngay trong Luật Giáo dục, chúng ta cũng đã đề cập tới việc hình thành năng lực cho mỗi học trò. Tuy nhiên, chương trình lần trước chúng ta chưa làm tròn nhiệm vụ đó.Mục tiêu của chúng ta lần này có ưu điểm là hình thành nên phẩm chất và năng lực của học sinh. Cho tới nay, trên cơ sở nghiên cứu các tài liệu và xin ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học giáo dục, bộ phận thường trực đã xây dựng, đề xuất những phẩm chất, năng lực cần hình thành cho học sinh. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục xin ý kiến rộng rãi về việc này.
Những năng lực, phẩm chất đó là gì, thưa ông?
Chúng tôi đề đề xuất 6 phẩm chất cần hình thành cho học sinh: Yêu gia đình, quê hương đất nước; Nhân ái khoan dung; Trung thực, tự trọng, chí công, vô tư; Tự lập, tự tin, tự chủ; Có trách nhiệm với bản thân, cộng đồng, đất nước, nhân loại; Nghĩa vụ công dân. Trên cơ sở 6 phẩm chất này, chúng tôi xác định cần phải hình thành cho học sinh từ tiểu học đến THPT các mức độ tương ứng.
Học sinh trường THCS Đống Đa - Hà Nội trong một tiết học Vật lý. Ảnh: Như Ý Học sinh trường THCS Đống Đa - Hà Nội trong một tiết học Vật lý. Ảnh: Như Ý
Chúng tôi cũng đề xuất hình thành 9 năng lực cho học sinh. Khi mà tìm hiểu để xác định 9 năng lực này, chúng tôi đã tham khảo chương trình của nhiều nước. Học sinh của mình nói riêng và dân mình nói chung việc hợp tác rất yếu nên chúng tôi chọn năng lực hợp tác. 9 năng lực đó cụ thể là: Tự học; Giải quyết vấn đề; Sáng tạo; Tự quản lý; Giao tiếp; Hợp tác; Sử dụng CNTT; Sử dụng ngôn ngữ; Tính toán.
Nội dung - cấu trúc chương trình thì có gì mới?
Ý tưởng của chúng tôi là xây dựng chương trình phổ thông thành 2 giai đoạn như Nghị quyết 29 đã đề ra: Giai đoạn giáo dục cơ bản gồm cấp tiểu học và THCS; Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp ở cấp THPT.
Thực ra chúng ta đã có Tiểu học, THCS, THPT. Nhưng trước đây chúng ta quan niệm tới THCS là xây dựng cơ sở của học vấn phổ thông, đến THPT là hoàn thiện học vấn phổ thông. Còn lần này chúng ta khẳng định đến lớp 9 là đã hoàn thành học vấn phổ thông. Cấp THPT chỉ là định hướng nghề nghiệp. Ý tưởng này sẽ chi phối việc chọn gì và dạy đến mức nào cho học sinh. Kết thúc giai đoạn cơ bản là học sinh có đủ những năng lực, những phẩm chất để có thể tiếp tục học lên hoặc bước vào đời. Cho nên sau THCS sẽ phải có việc đẩy mạnh hướng nghiệp cho học sinh - điều mà chúng ta chưa làm tốt ở chương trình hiện hành.
Đến THPT chủ yếu tập trung vào định hướng nghề nghiệp cho các em. Cụ thể, Bộ Giáo dục có ý tưởng chỉ có 4 môn học bắt buộc. Như vậy học sinh chỉ học 4 môn bắt buộc, còn lại là hoàn toàn tự chọn theo thiên hướng, theo khả năng/năng lực của mỗi học trò.
Cảm ơn tiến sĩ!
- 9 năng lực đó cụ thể là: Tự học; Giải quyết vấn đề; Sáng tạo; Tự quản lý; Giao tiếp; Hợp tác; Sử dụng CNTT; Sử dụng ngôn ngữ; Tính toán.
- 6 phẩm chất: Yêu gia đình, quê hương đất nước; Nhân ái khoan dung; Trung thực, tự trọng, chí công, vô tư; Tự lập, tự tin, tự chủ; Có trách nhiệm với bản thân, cộng đồng, đất nước, nhân loại; Nghĩa vụ công dân.
(Theo Quý Hiên (Tiền Phong))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.