Hơn 34.000 tỷ đồng đổi mới SGK chỉ là con số... khái toán

Thứ ba, ngày 15/04/2014 19:58 PM (GMT+7)
Đó là thông tin PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Phó vụ trưởng Vụ GD Trung học, Thường trực ban chỉ đạo Đề án đổi mới chương trình SGK phổ thông 2015 đưa ra tại buổi họp báo được Bộ GD ĐT tổ chức ngày 15.4.
Bình luận 0
Trước đó, ngày 14.4 tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội, Thứ trưởng Bộ GD ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã đưa ra con số hơn 34.000 tỷ đồng kinh phí để đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông, trong đó không bao gồm kinh phí đổi mới, bổ sung cơ sở vật chất thiết bị trường học.

Con số này đã nhận khiến dư luận xã hội hoài nghi về việc sử dụng, phân bổ kinh phí cho các hạng mục đề án như thế nào cho hiệu quả, việc đổi mới sách giáo khoa thực ra…có gì mới so với các đề án trước đó...
img
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống – Phó vụ trưởng Vụ GD Trung học, Thường trực ban chỉ đạo Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông năm 2015.

Ông bình luận như thế nào khi dư luận cho rằng con số hơn 34.000 tỷ đồng là quá lớn để đổi mới một chương trình sách giáo khoa?

- PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: Mọi người mới chỉ nhìn cái tên của đề án mà nghĩ sai về kinh phí của đề án. Thực tế, con số hơn 34.000 tỷ đồng mới chỉ là con số… khái toán giúp có thể tạm hình dung ra quy mô của đề án.

Để đến được con số cuối cùng đề án còn phải qua rất nhiều bước thẩm tra của Bộ Tài chính và Quốc Hội. Con số này bao gồm nhiều hạng mục trong đó thay đổi chương trình và nội dung chỉ chiếm khoảng 5.000 tỷ đồng, số còn lại dành cho việc nâng cấp cơ sở vật chất (đã có sẵn) và bồi dưỡng nâng cao đội ngũ giáo viên đáp ứng được nhu cầu của chương trình sách giáo khoa mới.

Mọi người cứ nghĩ 34.000 tỷ đơn thuần chỉ đổi mới chương trình, không phải thế. Chúng ta phải nhớ rằng còn hàng triệu giáo viên cần được bồi dưỡng trong hàng chục năm trời để đáp ứng được nhu cầu.

Trước đây, Bộ có đưa ra một con số dự toán cho đề án này là 70.000 tỷ, vậy tại sao chỉ trong một thời gian ngắn lại rút xuống còn hơn 34.000 tỷ? Việc tính toán này dựa vào đâu?

- 70.000 tỷ trước đây là là bao gồm hai đề án lớn là: nâng cấp thiết bị và xây dựng cơ sở vật chất trường học. Hiện, phần này đã được tách riêng ra nên con số chỉ dừng lại ở 34.000 tỷ đồng.

Với kinh phí lớn như vậy thì đề án này có gì khác biệt so với các đề án đã được thực hiện trước đó thưa ông?

- Chương trình SGK mới không nhấn mạnh vào nội dung mà quan trọng nhất là đổi mới phương pháp dạy. Cụ thể, chuyển từ cách tiếp cận nội dung chạy theo kiến thức sang thực hành theo năng lực.

Học sinh sẽ không chỉ biết học cái gì mà còn phải biết học cái đó để làm gì. Vì vậy, cách dạy học phải thay đổi, cách lựa chọn kiến thức sẽ phải thay đổi theo hướng giảm lý thuyết tăng thực hành.

Việc kiểm tra đánh giá cũng thay đổi, giảm bớt môn học, dạy tích hợp - phân hóa, dạy theo năng lực và nhu cầu… Khác biệt nhất là phương thức đổi mới chương trình sách giáo khoa lần này rất khác. Lần trước ta làm “cuốn chiếu, cắt khúc” theo cấp học, nhưng lần này sẽ làm đồng bộ ở tất cả các cấp học, làm một mạch. Vì vậy, tính đồng bộ sẽ cao hơn.

Một số chuyên gia đầu ngành về giáo dục đã từng lên tiếng cho rằng, đề án này chỉ cần thực hiện với kinh phí 100 tỷ thậm chí thấp hơn nhưng Bộ GD ĐT không thấy tiếp thu ý kiến?

- Chúng tôi chưa nhận được văn bản, kiến nghị nào có nội dung liên quan đến vấn đề này. Bộ GD ĐT và trực tiếp là Ban chỉ đạo đổi mới chương trình SGK luôn lắng nghe và tiếp thu các góp ý, ý kiến để hoàn thiện đề án một cách tốt nhất.

Kinh phí cho đề án là áp dụng theo định mức quy định của Bộ Tài chính xây dựng trên tình thần tiết kiệm triệt để, chống lãng phí và khả thi nhất. Nếu Bộ GD ĐT không làm được điều này thì chắc chắn đề án sẽ không được Quốc Hội thông qua.

Ngày 25.4 tới Ủy Ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc Hội sẽ chính thức thẩm định đề án đổi mới chương trình SGK phổ thông năm 2015. Sau đó, Ủy ban thường vụ Quốc Hội sẽ dựa trên cơ sở thẩm định để đưa ra quyết định về các vấn đề liên quan đến đề án này trong đó có vấn đề kinh phí.


Tùng Anh (ghi) (Tùng Anh (ghi))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem