Đội múa lân... tóc dài

Thứ bảy, ngày 09/04/2011 06:53 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - "Tiếng trống, tiếng chập chỏa dồn dập liên hồi, dì Võ Thị Kiển (77 tuổi) nhanh nhẹn đưa đầu lân lên khỏi đầu, hai chân dang ngang "xuống tấn" chắc nịch, rồi bất ngờ "phi" về phía trước thật dũng mãnh.
Bình luận 0

 

Cứ ngỡ bộ môn múa lân chỉ dành cho cánh mày râu, vậy mà ở xã Lương Hòa (huyện Giồng Trôm, Bến Tre), nó đã trở thành niềm đam mê của các dì, các mẹ.

img
Một buổi tập của đội lân tóc dài.

Sau mỗi lần đầu lân "lên-xuống-tiến-lùi", "Ông địa" Huỳnh Thị Khiêm xáp vào phe phẩy chiếc quạt mo vuốt ve rất điệu nghệ, còn "Tề Thiên" Phạm Thị Siêng thì đôi chân thoăn thoắt theo từng nhịp trống với cây "thiết bản" xoay tít trên tay… - Đó là một buổi tập dợt của đội lân nữ xã Lương Hòa.

Năm tháng khó quên

Ngôi nhà của dì Trần Thị Phước thuộc ấp 5, xã Lương Hòa hôm nay rộn rã tiếng cười, nói, tiếng trống, tiếng reo hò, cổ vũ pha lẫn những tràng vỗ tay của bà con chòm xóm đến xem đội lân nữ tập dượt. Các "thôn nữ" của đội lân xã Lương Hòa trong bộ bà ba đen, khăn rằn quấn cổ, đầu đội mũ tai bèo, đai thắt ngang lưng say sưa luyện tập từng điệu bộ, động tác múa đầu lân khá mềm mại, uyển chuyển nhưng thật chắc chắn và oai vệ.

Dì Võ Thị Kiển, đội trưởng đội lân lau vội mồ hôi sau lượt tập, cười giòn: “Cứ đến ngày cuối tháng là cả đội lại tập trung lại và luyện, sẵn dịp trao đổi, tâm tình, thăm hỏi nhau luôn.

Hiện nay, đội lân chỉ còn 14 chị em và "đặc cách" thêm 2 thành viên 2 nam (đều có vợ và em dâu trong đội lân) là chú Phùng Văn Hoàng phụ trách hướng dẫn kỹ thuật múa lân, đánh trống và chú Nguyễn Văn Chất phụ trách công tác quản lý, kiêm luôn thợ làm và sửa đầu lân.

Tất cả chị em đều ở cùng xã, trước đây cùng tham gia đấu tranh chính trị giành chính quyền từ tay kẻ thù, giờ lại cùng góp công để tạo niềm vui cho bà con, ai nấy cũng thấy phấn khởi lắm!".

Đã gần 30 năm kể từ ngày đội thành lập, người trẻ nhất cũng ngấp nghé 60, người cao tuổi nhất đã gần 90 nhưng cái chất "lửa" trong họ luôn rực cháy, đội vẫn đều đặn "lưu diễn" khắp trong và ngoài tỉnh.

“Ngày thành lập làng Moncada - tên mới của xã Lương Hòa (năm 1983) có Chủ tịch Cuba Fidel Caxtro và cô Ba Định (Thiếu tướng Nguyễn Thị Định) đến dự. Sau buổi biểu diễn, cô Ba Định và Chủ tịch Fidel đến động viên, chúc mừng, bắt tay từng người. Cô Ba dặn, các chị em trong đội lân phải cố gắng giữ cho bằng được cái "chất" của phụ nữ Bến Tre, tiếp tục duy trì đội lân nữ hoạt động tốt hơn nữa để giáo dục con cháu hiểu sâu sắc về truyền thống của phụ nữ quê hương mình" - dì Huỳnh Thị Khiêm kể lại.

Cuộc đời của mỗi thành viên trong đội lân gắn liền với những tháng năm kiên cường đấu tranh chống ngoại xâm. Từ phong trào Đồng Khởi, chị em vùng lên giành chính quyền rồi đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, các dì, các mẹ đều tham gia "đội quân tóc dài" của nữ tướng Nguyễn Thị Định.

Chỉ tay về phía dì Huỳnh Thị Khiêm - người thủ vai ông địa, dì Võ Thị Kiển giới thiệu: "Bà này hồi đó là du kích liên xã của huyện Giồng Trôm, năm 1959 thì bị địch bắt do bị chỉ điểm. Thấy nhỏ con vậy chứ "cứng miệng" lắm nên bị tra tấn đến gãy cả hàm răng mà vẫn không khai. Làm cách mạng mà, mất răng thì nhằm nhò gì, chỉ sợ mất nước thôi".

Và điều đặc biệt là 14 thành viên nữ của đội đều thuộc diện người có công hay gia đình chính sách: 1 mẹ VN Anh hùng, 3 thương binh, số còn lại đều là con, vợ, mẹ của liệt sĩ.

Còn sống còn múa lân

Hồi trước không có đầu lân để tập, mấy chị em lấy cái rổ xúc làm đầu lân rồi buộc tấm vải rèm cửa buồng làm đuôi để tập. Mà không phải đơn giản để có thể điều khiển đầu lân theo đúng "thần thái" của nó, ngoài sự linh hoạt cộng với sức khỏe tốt thì phải nắm chắc nhịp trống, đứng tấn đúng kỹ thuật mới mong múa đẹp được.

Dì Trần Thị Sánh 80 tuổi kể: "Có những đêm trở mình ê ẩm cả người, nhiều hôm luyện tập tay chân bị trầy xước rướm máu, vậy mà khi nghe tiếng trống vang lên ai nấy đều thấy nôn nao, muốn được cầm đầu lân múa...

Ngày đầu tiên xuất quân, cả đội phải lội bộ gần chục cây số để đến nơi biểu diễn; trang phục chỉ vẻn vẹn 1 bộ. Có hôm trời mưa, đồ không kịp khô cũng mặc luôn để biểu diễn. Từ ngày đầu thành lập cho đến tận bây giờ, không có thành viên nào bỏ cuộc".

Gần 30 năm qua đội lân nữ của xã Lương Hòa luôn góp mặt trong các dịp lễ hội, sự kiện và hoạt động văn hóa, thể thao của tỉnh.

Ngày 4.1.2005, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam-Vietbooks đã chính thức công nhận: Đội lân nữ của xã Lương Hòa là đội lân nữ duy nhất ở VN.

"Tiếng lành đồn xa" nên các "sô diễn" của đội ngày càng dày, không chỉ ở các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mà cả các tỉnh phía Bắc cũng mời bằng được đội lân nữ quê hương Đồng Khởi đến biểu diễn. Vào những dịp lễ, Tết, cả đội lân lại tất bật chuẩn bị cho đợt biểu diễn đón giao thừa phục vụ nhân dân các xã lân cận. Cũng với mong muốn mang niềm vui đến từng nhà, từng hoàn cảnh khó khăn, san sẻ những lo toan, vất vả trong cuộc sống của bà con.

Thời gian qua, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của các doanh nghiệp, các Mạnh Thường Quân và các địa phương, đội lân nữ xã Lương Hòa đã góp sức nâng cấp tuyến đường liên xã dài 15km thuộc khu vực ấp 5, trao tặng 3 căn nhà tình thương và xây dựng 2 cây cầu bê tông, với tổng giá trị hàng trăm triệu đồng.

Dì Trần Thị Sánh nói: "Các dì đã lớn tuổi rồi, nhưng còn sống ngày nào thì vẫn cứ tham gia đội lân ngày ấy. Với tất cả thành viên trong đội thì múa lân không chỉ để giữ gìn một nét văn hóa riêng mà còn để góp phần xây dựng quê hương mình ngày một đổi mới".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem