Góp công, góp của mở đường về bản
Chúng tôi đến với bản Mỏ (xã Tân Lang, huyện Phù Yên), đi trên con đường duy nhất dài gần 2km chạy xuyên qua cánh đồng lúa, nối Tỉnh lộ 114A với bản. Anh Nguyễn Kiên Cường - ND xã Tân Lang giới thiệu: “Con đường này là Nhà nước và nhân dân cùng làm đấy. Nguồn vốn Nhà nước có hạn nên người dân địa phương đóng góp cả chục ngàn ngày công từ khi xây dựng (năm 2008) và tu sửa hàng năm. Vừa mới đây, chúng tôi đã cùng học sinh Trường THPT Tân Lang huy động mấy trăm ngày công tu sửa lại. Đường xuống cấp nhiều, nếu không tu sửa thường xuyên thì việc đi lại rất khó khăn, nhất là trong mùa mưa bão”.
|
Học sinh bản Mỏ, xã Tân Lang, huyện Phù Yên tham gia làm đường về bản. |
Không phải chỉ riêng ở Phù Yên việc huy động sức dân trong phát triển giao thông nông thôn mới được chú trọng, mà hầu hết các địa phương trong tỉnh đều biết phát huy nội lực người dân trong phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng: Hiến đất làm đường, làm trường học, nhà văn hoá, xây dựng và bảo vệ kênh mương…
Mới đây, được chứng kiến những người dân xã Chiềng Xôm, TP.Sơn La góp đất, bỏ cả ngàn ngày công để mở một con đường lên bãi đất nương trên đỉnh Pú Púa mà chúng tôi rất cảm phục. Cả bãi đất chỉ rộng có mấy ha, vách đá dựng đứng như bức tường thành. Nói thật, nếu có giao cho một cơ quan nào khảo sát tuyến để làm đường chắc họ cũng lắc đầu ngao ngán mà xin rút.
Hầu hết các địa phương trong tỉnh Sơn La đều biết phát huy nội lực người dân trong phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng: Hiến đất làm đường, làm trường học, nhà văn hoá, xây dựng và bảo vệ kênh mương…
Nhưng chỉ bằng kinh nghiệm dân gian, sức lực và tâm huyết, người dân đã mở một con đường nhỏ đủ để xe máy qua lại, thuận lợi cho việc đi làm và vận chuyển phân bón, giống, thu hoạch sản phẩm. “Con đường ấy đã giúp tôi rút ngắn thời gian chuyển 2 tấn ngô của nhà từ 1 tháng xuống còn 1 ngày” - ông Quàng Văn Bun, 60 tuổi, ở bản Hụm, xã Chiềng Xôm, bảo.
Theo Hội ND Sơn La, trong 5 năm vừa qua, hội viên, ND trong tỉnh đã góp hàng trăm tỷ đồng, hơn 280.000 ngày công để làm mới và sửa chữa 1.300km đường giao thông nông thôn; 1.500km kênh mương nội đồng; 236 cầu, cống thoát nước; 156 phòng học, trạm xá, nhà văn hoá…
Xây dựng đời sống văn hoá
Trên địa bàn tỉnh Sơn La có 12 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có không ít dân tộc có nền văn hoá đã mai một nhiều nên việc khôi phục, giữ gìn, phát triển bản sắc văn hoá dân tộc là việc cấp thiết. Công việc này đang được thực hiện rất hiệu quả với sự góp sức rất lớn của nông dân.
Hiện Sơn La đang có hơn 2.220 đội văn nghệ quần chúng và là tỉnh dẫn đầu toàn quốc về số lượng các đội văn nghệ quần chúng bản, tiểu khu, tổ dân phố. Nòng cốt của các đội văn nghệ bản này hầu hết là ND và không ít đội văn nghệ bản đã từng gây ngạc nhiên cho người xem về trình độ, nghệ thuật biểu diễn.
Việc phát triển văn nghệ quần chúng đã giúp Sơn La tìm lại, phục dựng, phát triển được nhiều nét đẹp văn hoá các dân tộc gồm: Văn hoá các lễ hội; các phương thức, thiết bị biểu diễn như khèn lá, khèn bè, pí, pặp, đàn tính tẩu; các điệu múa đậm chất dân gian...
“Nông dân chúng tôi không chỉ quan tâm làm giàu, hát múa cho vui cửa nhà, làng bản, mà còn là lực lượng tích cực trong việc tham gia chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ, phòng chống dịch bệnh và tệ nạn xã hội. Trên nhiều lĩnh vực, tổ chức Hội ND là địa chỉ tập hợp lực lượng, còn nông dân là lực lượng xung kích. Điều đó đã được các cấp, các ngành ghi nhận và bản thân chúng tôi cũng rất tự hào” - ông Lò Văn Liên, ND xã Chiềng Đen, TP. Sơn La tự hào nói.
Kiều Thiện
Vui lòng nhập nội dung bình luận.