Ác mộng trên tàu
Ngày 14-12, được tin anh Nguyễn Tương ở thôn Phú Thượng, xã Kỳ Khang, Kỳ Anh, Hà Tĩnh đi xuất khẩu lao động đánh cá bị nạn mất tích trên chiếc tàu Insung số 1 hôm 13-12 tại Nam Cực, nhiều người dân đã đến chật kín nhà ông bà Nguyễn Tuấn - Nguyễn Thị Lân chia buồn. Trong số đó có rất nhiều người ở trong xã vừa trở về sau những năm tháng lênh đênh trên biển ở xứ người.
Chúng tôi tiếp cận được anh Nguyễn Văn Tới ở thôn Trung Tiến là thuyền viên vừa từ Đài Loan trở về. Từ đề xuất của chúng tôi, anh Tới không ngần ngại cầm điện thoại gọi được hơn chục người bạn của anh vừa trở về trên các tàu cá của Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).
|
Thuyền viên Nguyễn Xuân Tới ngày về bệnh tật đầy người |
Theo anh Tới, không chỉ riêng anh mà tất cả những người vừa lao động trên các tàu cá trở về ai cũng bị đánh đập, trong số đó có rất nhiều người phá hợp đồng bỏ về giữa chừng vì không chịu được khổ cực và nguy hiểm.
Tới xòe bàn tay nói: "Lúc mới về, hai tay tôi bị đánh còn sưng húp, bây giờ đã đỡ hơn rồi. Tôi được ký hợp đồng lao động đến năm 2013. Sau 4 tháng lênh đênh trên chiếc tàu Phu Nguyen của Đài Loan đi đánh cá ngừ ở vùng biển Nam Phi, do lao động quá vất vả, tôi đã nhiều lần ngã bệnh nhưng họ bắt uống thuốc và phải làm việc không cho nghỉ. Dần dần sức khỏe của tôi yếu đi, mắt mờ và da vàng, không thể nào bước chân nổi lên boong tàu. Sau một tháng chờ đợi, tàu Phu Nguyen cập bến Cape town, họ đưa em tới một bệnh viện ở Nam Phi khám và có kết luận bị mắc bệnh viêm gan B, phải về nước.
Cựu thuyền viên Nguyễn Xuân Tiến đến bây giờ kể lại vẫn chưa hết hoảng loạn. Trên cổ chân Tiến còn đầy thương tích chưa lành hẳn do bị chủ tàu đánh. Tiến kể, anh phải đứng gác trên boong khi tàu vào đảo tránh bão trên biển Thái Bình Dương, những cột sóng cao vút đánh úp vào thân tàu khiến anh phải buộc dây ngang bụng kẻo rơi xuống biển. Quá sợ hãi nhưng anh cũng không dám xuống tàu vì cai tàu sẽ không tha.
Trước khi đi, dù các thuyền viên đã chuẩn bị tinh thần nhưng không ngờ công việc quá vất vả, căng thẳng. Hôm nào cũng làm quần quật từ 18- 20 tiếng, chỉ được nghỉ ăn, uống, vệ sinh khoảng nửa tiếng lại tiếp tục làm. Vậy mà họ cũng không thoát những trận đòn roi vô cớ của chủ tàu. Anh Phụng, anh Tiến đều phải bỏ trốn, nếu không mạng sống cũng khó thoát.
Gia đình ôm nợ
Ở quê nghèo Kỳ Anh, làm ra của ăn của để không dễ, vì vậy nhiều người phải chịu khổ đánh đổi mạng sống với ước mơ được xuất ngoại đổi đời. Anh Thiều Sinh Hiếu (SN 1969), ở xã Kỳ Khang tâm sự: "Tầm như tuổi tui ở làng này chưa ai vượt qua kỷ lục 3 lần xuất ngoại đi biển đánh cá ở Hàn Quốc. Nhưng để làm được ăn cũng phải gặp may, nếu gặp chủ tàu khắt khe, đối xử tàn nhẫn với thuyền viên thì coi như chuyến đi đó thất bại. Vì vậy nhiều người cắn răng liều mình mặc cho số phận".
Ở xã tôi có rất đông người đi xuất khẩu lao động trên các tàu đánh cá, chủ yếu ở Hàn Quốc và Đài Loan. Nhưng không phải ai cũng gặp may, nhiều người bị đánh đập đã phải bỏ về, còn trường hợp như gia đình ông Lê Dung ở xóm Trung Tiến chỉ khoảng 6 năm lại đây cả con và cháu đã có 4 người phải bỏ mạng trên các tàu cá ở xứ người.
Ông Hồ Xuân ThiChủ tịch UBND xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh
Bà Tô Thị Lẫn ở thôn Đồng Tiến, xã Kỳ Khang đã phải bán con bò giống, đi vay mượn ngân hàng được 50 triệu đồng để đóng chi phí cho 2 đứa con Thiều Văn Quế và Thiều Văn Phụng đi làm việc trên tàu cá Đài Loan với khoản lương mỗi tháng bố mẹ họ nhận được là 3,5 triệu đồng. Với mức lương ít ỏi đó nhưng cả ngày làm việc quần quật mà còn bị đối xử quá tàn nhẫn, 2 anh em phải “bỏ của chạy lấy người”. Họ trở về với bàn tay trắng cùng gánh nặng nợ nần, cuộc sống của gia đình vốn đã khó khăn nay càng thêm khốn quẫn. Để có tiền trả nợ, anh Quế đã phải vào Nam làm thuê.
Hai anh em Nguyễn Xuân Tiến và Nguyễn Xuân Tới ở xã Kỳ Khang cũng vay ngân hàng 40 triệu đồng đi xuất khẩu mong thoát được cảnh nghèo. Tiến làm quần quật gần 5 tháng, tiền lương chủ tàu trả qua công ty XKLĐ Việt Nhật ở VN, khi người nhà ra nhận thì công ty này làm ăn thua lỗ đã phá sản nên gia đình chỉ nhận lại được 20 triệu đồng. Còn Tới phát bệnh và phải về nước trước thời hạn nên tiền chưa lấy lại được. Hàng tháng, cả gia đình phải kiếm tiền trả lãi cho ngân hàng bở hơi tai, còn số tiền vay chưa biết lấy đâu ra để trả.
Không chỉ có hai gia đình nói trên mà hiện nay có rất nhiều gia đình cùng chung cảnh ngộ nợ chồng lên nợ (nợ ngân hàng, nợ vay chữa bệnh). "Được trở về đoàn tụ với gia đình, tui còn may mắn hơn những người bạn vừa gặp nạn hôm 13-12. Thôi anh ạ, còn người còn của lo gì"- Thiều Văn Phụng vừa nói, vừa cười trong nước mắt.
Hữu Anh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.