Đội trống nữ vang danh đất Hà Nam

Hồng Nhân Thứ bảy, ngày 13/02/2021 13:37 PM (GMT+7)
Tiếng lành đồn xa, nhiều nơi trong và ngoài tỉnh đã mời đội trống toàn chị em này đi biểu diễn, phục vụ lễ hội.
Bình luận 0

Nổi danh "trống bà" Đọi Tam

Đọi Tam là làng trống nghề truyền thống làm trống lâu đời ở xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam. Vào năm 2004, sau khi được công nhận là làng nghề trống truyền thống, làng Đọi Tam thành lập đội trống và lấy tên "Đội trống gái Đọi Tam". Sau gần 20 năm thành lập, danh tiếng của đội trống nữ làng Đọi Tam đã lan rộng và nổi danh khắp vùng Đồng bằng sông Hồng.

Đội trống gái làng Đọi Tam thời điểm thành lập có 48 quả trống, chiếc trống to nhất cao 1m77, đường kính mặt 1m47; chiếc trống đại cao 1m20, đường kính mặt 1m80; 12 chiếc trống cám, 12 chiếc trống nhỡ, 12 chiếc bản, 8 chiếc trống giả cổ.

Tatnien/Đội trống nữ vang danh đất Hà Nam - Ảnh 1.

Chị Đỗ Thị Nguyệt trong một lần đi biểu diễn, mang tiếng trống quê hương Đọi Tam tới bạn bè gần xa. Ảnh: H.Đ

Hiện nay, dàn trống 48 quả đều do phụ nữ làng đảm nhiệm. Chị Đỗ Thị Nguyệt - Đội trưởng đội trống nữ làng Đọi Tam là người tham gia đội ngay từ những buổi đầu tiên. Đến nay, chị đã trở thành tay trống trụ cột với kinh nghiệm biểu diễn dày dặn cũng như sự nhiệt huyết, tận tâm đối với tiếng trống quê hương. Chị cũng chính là người thầy dạy các bài trống hội cho con em của làng cũng như nhiều đội trống của các vùng lân cận.

Chị Nguyệt bảo, lúc đầu thành lập đội trống chỉ với mục đích phục vụ các lễ hội của địa phương, đội trống của làng có 60 thành viên, trong đó có 12 thành viên nam. Sau dần, các thành viên nam cao tuổi không tham gia nữa, những nam thanh niên đều phải lo đi làm kinh tế nên đội trống được giao hoàn toàn cho chị em phụ nữ trong làng đảm nhiệm.

"Đánh trống, ai cũng có thể cầm chiếc dùi lên và ngẫu hứng, nhưng chơi trống theo bài, có nhịp điệu thì không phải ai cũng biết. Sau thời gian mệt mỏi, lo toan công việc, chúng tôi lại được chơi trống cùng nhau, hòa mình vào từng nhịp gõ, lúc ấy cuộc sống tươi đẹp hơn" - chị Nguyệt bảo.

Tatnien/Đội trống nữ vang danh đất Hà Nam - Ảnh 2.

"Không biết có phải do duyên với quê hương của nghề làm trống truyền thống mà các động tác đánh trống cùng phong thái biểu diễn dàn trống hội hết sức tự nhiên, đầy xúc cảm, mạnh mẽ, nhưng không thiếu sự uyển chuyển, nhẹ nhàng, tạo nên những thế đánh đẹp".

Chị Đỗ Thị Nguyệt

Bà Lê Thị Thúy Thường (gần 60 tuổi) là thành viên nữ cao tuổi nhất đội trống. Tham gia đội từ những ngày đầu tiên thành lập, 17 năm nay, mỗi khi đi biểu diễn các tỉnh như Thanh Hóa, Ninh Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh..., bà Thường không bỏ lỡ buổi nào. Bà cho biết, tiếng trống dường như đã ngấm vào trong cơ thể những người phụ nữ chơi trống nơi đây.

Đau đáu việc duy trì

2020 là năm có nhiều vất vả thách thức với đội trống làng Đọi Tam khi chịu ảnh hưởng của dịch Covid - 19, các cuộc biểu diễn cũng giảm xuống, bên cạnh đó nhiều quả trống xuống cấp, một số thành viên tuổi đã cao nhưng chưa tìm được lớp kế cận...

"Đau đáu câu chuyện mưu sinh, nhiều chị em vẫn đi làm công ty nên có phần bận hơn trước. Dịp lễ Tịch Điền năm Tân Sửu, chúng tôi cũng nhận được lời mời từ ban tổ chức nhưng tôi chưa dám nhận lời. Phần vì nhiều công việc, phần vì chi phí. Nỗi lo kinh phí bảo đảm duy tu dàn trống để duy trì hoạt động của đội trống là trăn trở đối với các thành viên đội trống" - chị Nguyệt nói.

Chị Nguyệt bảo, giờ đội trống toàn chị em, mỗi khi đi xa lại bê lên, vác xuống rất mệt. "Toàn chị em có tuổi, đi lại càng khó khăn và vất vả, vì đam mê chúng tôi vẫn duy trì nhưng sức khỏe không còn đảm bảo như trước nữa. Bên cạnh đó chúng tôi trăn trở về câu chuyện thế hệ kế cận tiếp tục nối nghiệp làng trống" - nữ Đội trưởng đội trống cho biết.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem