Dolce&Gabbana “bóc lịch” vì trốn thuế

Chủ nhật, ngày 30/06/2013 06:48 AM (GMT+7)
(Dân Việt) – Hai nhà thiết kế thời trang nổi tiếng toàn cầu Domenico Dolce và Stefano Gabbana của thương hiệu nổi danh D&G vừa bị một tòa án Italia tuyên 20 tháng tù vì tội trốn khoản thuế lên đến 1,3 tỷ USD.
Bình luận 0

Tại phiên tòa được tổ chức tại Milan vào ngày 19.6, thẩm phán đã cáo buộc hai nhà thiết kế này đã chuyển giao thương hiệu Dolce & Gabbana (D&G) cho Công ty cổ phần Gado tại Luxembourg vào năm 2004. Tên Công ty Gado được ghép lại từ chữ Ga của Gabbana và Do của Dolce. Theo thẩm phán, thực chất của việc chuyển giao thương hiệu này là “chiêu” để né tránh việc khai báo khoản thuế tiền bản quyền lên đến khoảng 1 tỷ euro (1,3 tỷ USD).

img
Dolce & Gabbana

Tạo công ty vỏ bọc

Công tố viên Laura Pedio khẳng định các nhà thiết kế hiểu rõ họ sẽ gặt hái được nhiều lợi thế về thuế từ giao dịch này. “Gado chỉ là một công ty vỏ bọc, không có quyền quyết định hành chính hay kinh doanh gì cả. Đây thực chất là một trạm chuyển tiếp không hơn không kém. Các đơn hàng có nguồn gốc từ Milan được tung hứng qua Luxembourg sau đó lại quay về trụ sở phòng chính D&G ở Milan, nơi thực sự giải quyết những đơn hàng liên quan đến thương hiệu nổi tiếng này”, công tố viên Laura Pedio phân tích.

Thẩm phán đã tuyên bố Domenico Dolce và Stefano Gabbana sẽ phải chịu mức án 20 tháng tù và nộp trước 500.000 euro trong tổng số tiền phạt phải nộp liên quan đến bản án vào khoảng 10 triệu euro (13,4 triệu USD). Luật sư của hai bị cáo tuyên bố sẽ xem xét kỹ lại những điều cáo buộc và thực hiện kháng cáo. Còn người phát ngôn của D&G từ chối bình luận về những cáo buộc và mức án mà tòa đã tuyên.

Theo quy định của hệ thống tư pháp Ý, người bị kết tội tại tòa có quyền kháng cáo ít nhất hai lần. Trong trường hợp kháng cáo không thành công thì đối với mức án tù hai năm cho những tội danh phi bạo lực, các bị cáo sẽ được hưởng án treo. Bản án được tuyên một ngày trước khi thương hiệu hạng sang D&G khai trương một cửa hàng tại khu New Bond ở London. Các rắc rối bắt đầu đến với D&G khi những cuộc điều tra nhắm vào gian lận thuế được đẩy mạnh trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực đồng euro tăng cao vào năm 2008. Đến năm 2011 Dolce và Gabbana các thẩm phán buộc phải tuyên họ vô tội khi không có đủ bằng chứng kết tội. Nhưng đến nay vụ việc lại được lật lại theo chiều hướng bất lợi cho Dolce và Gabbana.

Phủ nhận cáo buộc

Thiết kế rực rỡ của D&G được lấy cảm hứng từ đảo Sicily, nơi Dolce được sinh ra vào năm 1958. Hai người đã tung ra bộ sưu tập đầu tiên của họ vào năm 1985 tại Milan, thành phố quê hương của Gabbana, hiện tại đã 50 tuổi. Thương hiệu D&G đã thành danh trên toàn thế giới từ những năm 1990 và năm 2011 doanh thu toàn cầu của hãng đạt mức 1,5 tỷ euro.

Sau phán quyết của tòa, Dolce và Gabbana tuyên bố mình vô tội. Trước đó, tháng 8.2012 khi tòa gửi lệnh triệu tập đến, Gabbana cũng đã chia sẻ trên trang cá nhân Twitter của mình: “Mọi người đều biết chúng tôi đã không hề thực hiện bất cứ điều gì sai trái cả”. Còn lần này Gabbana phản ứng mạnh mẽ hơn khi lên án của cơ quan thuế Ý là "kẻ trộm" và đe dọa sẽ rời khỏi đất nước.

Tiếp đến luật sư của Dolce và Gabbana, ông Massimo Di Noia cho rằng việc tòa cáo buộc hai nhà thiết kế dựa trên hành vi của những người làm việc tại Gado liên quan đến những thiếu sót trong kê khai và quyết toán thuế là không thể chấp nhận được. “Thực tế thì giám đốc điều hành Gado cùng nhiều người khác vi phạm thuế do kê khai thiếu chính xác mới là những người phải thực sự chịu trách nhiệm. Chúng tôi sẽ kháng cáo một cách quyết liệt và kết luận sau cùng sẽ chứng tỏ chúng tôi hoàn toàn đúng. Sở Thuế vụ cũng phải xem lại các con số vi phạm đã bị thổi phồng cũng như mức phạt quá nặng dành cho thân chủ chúng tôi”, ông Massimo Di Noia nhấn mạnh.

Tại Ý thiệt hại do trốn thuế hằng năm lên đến con số 200 tỷ euro. Nhiều người trong giới nổi tiếng cũng đã bị dính dáng đến trốn thuế như năm 2000 ca sĩ opera Luciano Pavarotti phải nộp hoàn thuế 24 tỷ lira (12,4 triệu USD) hay nhà vô địch MotoGP Valentino Rossi cũng phải ngậm đắng nuốt cay trả đến 39 triệu euro tiền thuế năm 2008.

Mạnh tay với “Đại dịch” trốn thuế

Trong cuộc họp thượng đỉnh vừa được tổ chức ở Bắc Ireland, các nhà lãnh đạo của các quốc gia G8 đã quyết định sẽ thực hiện chính sách cứng rắn hơn nữa để ngăn chặn việc các công ty toàn cầu hay giới giàu trốn thuế. Anh, Mỹ, Đức, Pháp, Ý, Canada, Nhật Bản và Nga đã tuyên bố sẽ chiến đấu chống lại tai họa của trốn thuế và thúc đẩy thương mại tự do trên thế giới. Nhóm G8 cũng đạt được một thỏa thuận quan trọng được gọi là Tuyên bố Lough Erne được kỳ vọng sẽ tạo ra sự minh bạch hơn về quyền sở hữu công ty để tránh việc các công ty cố tình né thuế.

Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng các quốc gia hùng mạnh nhất thế giới phải hành động để ngăn chặn các công ty chuyển lợi nhuận đến nơi “trú ẩn” có mức thuế thấp.

Ông cũng tuyên bố sẽ hỗ trợ các quốc gia bao gồm cả những nước nghèo nhất trên thế giới được đảm bảo ”đúng thuế công bằng”.

Bên cạnh cải cách pháp luật về thuế và chia sẻ các thông tin và đăng ký sở hữu lợi nhuận của công ty, các nước G8 cam kết sẽ tạo sự khác biệt thực sự qua những phương thức:

- Chống tham nhũng bằng cách yêu cầu các ngành công nghiệp khai khoáng như khai thác mỏ, dầu khí báo cáo thanh toán cho tất cả các chính phủ và yêu cầu chính phủ công bố thu nhập của họ từ công ty đó.

- Đảm bảo rằng các khoáng chất có nguồn gốc hợp pháp, không cướp bóc từ các vùng xung đột.

- Yêu cầu giao dịch đất đai phải minh bạch và tôn trọng quyền sở hữu cộng đồng địa phương.

- Trở lại chủ nghĩa bảo hộ và đồng ý thỏa thuận thương mại mới để thúc đẩy tăng trưởng và việc làm.

- Cắt giảm quan liêu lãng phí ở biên giới, đặc biệt ở các nước đang phát triển.

- Công bố thông tin chính thức về pháp luật, ngân sách và chi tiêu.

Theo Thế giới & Hội nhập
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem