Đờn ca tài tử - Sống lại một thú chơi tao nhã

Thứ sáu, ngày 16/11/2012 06:40 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Không phải ngẫu nhiên mà Liên hoan đờn ca tài tử Nam Bộ 2012 lại được đưa về thị trấn Vũng Liêm (Vũng Liêm, Vĩnh Long) để tổ chức.
Bình luận 0

Bởi nơi đây, đờn ca tài tử đã ăn vào máu người nông dân, gắn bó với họ như một thú chơi tao nhã sau giờ lao động.

Nghệ sĩ nông dân mở hội

Tin thị trấn Vũng Liêm được đăng cai tổ chức Liên hoan đờn ca tài tử Nam Bộ 2012 (từ 15 đến 21.11) và được đón tiếp đoàn nghệ thuật từ nhiều địa phương như: Cà Mau, Cần Thơ, Tiền Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Sóc Trăng, Bình Dương, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, Bến Tre, Long An, Đồng Nai… làm bà con nơi đây vui như có hội.

img
CLB Đờn ca tài tử xã Trung Ngãi (Vũng Liêm, Vĩnh Long) giao lưu với CLB Nửa vầng trăng (TP.HCM).

Khỏi phải nói, các nghệ sĩ nông dân trong các câu lạc bộ (CLB) đờn ca tài tử của huyện mừng tới mức nào. Người chơi nhạc tài tử có một điểm độc đáo ở chỗ, bình thường, họ sinh hoạt với nhau trong các nhóm bạn chung của gia đình, chòm xóm, nhưng nếu được giao lưu với các nhóm hát đến từ địa phương khác, không khí sẽ hào hứng, sôi nổi hơn, học tập được nhiều hơn.

Nghệ nhân Võ Viết Hưng - Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử huyện Vũng Liêm cho biết: “Lần đầu tiên, các anh em chơi nhạc nhạc tài tử ở Vũng Liêm được đăng cai tổ chức một liên hoan lớn và đông các địa phương tham dự thế này, thật là mừng hết biết. Chơi nhạc tài tử mà không có giao lưu là không vui. Nhạc tài tử ở Vĩnh Long hiện nay chúng tôi vẫn đang chơi theo lối gìn giữ 20 bài tổ gồm 4 nhóm: Điệu thức bắc, điệu thức nam, điệu thức oán, điệu thức bắc lễ. Chúng tôi rất muốn sau khi liên hoan được tổ chức, người chơi tài tử ở Vĩnh Long sẽ có cơ hội học hỏi thêm những ngón nghề hay của CLB ở các địa phương khác”.

Đờn ca tài tử là dòng âm nhạc thính phòng của người dân khu vực Nam Bộ, có thể trình diễn ở bất cứ đâu, bất cứ thời điểm nào, thường không câu nệ về trang phục biểu diễn. Những người nông dân thường tụ họp nhau lại sau những giờ lao động vất vả trên đồng dưới ruộng, chỉ cần cây đàn kìm, cây nhị, cây đàn tranh… là đã đủ gầy dựng một đêm hát vui trong làng xóm. Người nghe ngồi vòng quanh, uống chén nước trà, hút điếu thuốc, thích thú vỗ tay trước một bản đàn hay, một câu hát ngọt ngào, một làn điệu nói lên được tâm tình chất phác thật thà của người dân yêu lao động, yêu quê hương chòm xóm.

Cuộc kiểm kê lớn

NSND Lê Tiến Thọ- Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu VN, thành viên Ban tổ chức liên hoan cho biết: “Theo chỉ đạo của Bộ VHTTDL, liên hoan này là một sự kiện quan trọng để Việt Nam sớm hoàn tất hồ sơ trình lên UNESCO chính thức công nhận đờn ca tài tử là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Thông qua liên hoan, chúng ta sẽ có được một hình dung chính xác về số lượng các CLB, đội, nhóm đờn ca tài tử; số lượng nghệ nhân, số lượng người có khả năng truyền dạy, khả năng thực hành về nghệ thuật đờn ca tài tử; các hoạt động liên quan đến nghệ thuật này tại các địa phương ở Nam Bộ. Từ đó sẽ có những đánh giá cụ thể hiện trạng hoạt động của các CLB, đội, nhóm đờn ca tài tử, lên kế hoạch hành động và biện pháp bảo vệ, bảo tồn nghệ thuật này trong thời gian tới”.

Hiện nay, ở Vĩnh Long có 148 CLB đờn ca tài tử với 1.278 nghệ nhân tham gia sinh hoạt, trong đó, hoạt động mạnh nhất là các CLB đờn ca tài tử của các xã Đông Bình (huyện Bình Minh); CLB xã Trung Hiệp (huyện Vũng Liêm); CLB xã Trường An, CLB Du lịch Cửu Long (TP.Vĩnh Long).

Trước khi liên hoan diễn ra, Sở VHTTDL Vĩnh Long đã chính thức triển khai việc kiểm kê di sản "Nghệ thuật đờn ca tài tử lần 2", chương trình này sẽ tiến hành từ cuối tháng 10.2012 đến tháng 4.2013. Sở cũng được giao nhiệm vụ tổ chức làm phim tư liệu, ghi hình, ghi tiếng làm tư liệu cho hồ sơ đờn ca tài tử của tỉnh tại 2 huyện Bình Minh và Vũng Liêm.

Ông Nguyễn Văn Khoai - Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa, Sở VHTTDL Vĩnh Long cho biết: “Vĩnh Long là một địa phương có truyền thống lâu đời về nghệ thuật đờn ca tài tử, người chơi tài tử ở đây đã xuất hiện từ đầu thế kỷ XX như nghệ nhân Kinh Lịch Trần Quang Quờn, sau này là các nghệ sĩ Út Trà Ôn nổi danh với làn điệu vọng cổ, NSND Lệ Thủy… Chính từ những nghệ nhân, nghệ sĩ tài danh này mà phong trào đờn ca tài tử mới phát triển rộng khắp, khơi dậy tình yêu nghệ thuật trong lòng người dân”.

Mặc dù không có nhiều kinh phí từ chính quyền, các CLB đờn ca tài tử ở Vĩnh Long vẫn sinh hoạt đều đặn từ nguồn tiền ít ỏi do các nghệ nhân tự đóng và quyên góp từ bà con. Hằng ngày, họ vẫn là những người nông dân chăm lo lao động trên đồng ruộng, thế nhưng mỗi khi đến kỳ sinh hoạt CLB, họ lại trở thành những nghệ sĩ đa tài, trút hết gan ruột vào từng tiếng đàn, lời ca mang lại một không gian nghệ thuật tao nhã cho khán giả.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem