Mỹ hiếm khi triển khai cùng lúc ba tàu sân bay ở một khu vực. Ảnh: USNI.
Tàu sân bay USS Nimitz của hải quân Mỹ ngày 25/10 tiến vào vùng biển Thái Bình Dương, gia nhập Hạm đội 7 sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Trung Đông. Đây là tàu sân bay thứ ba được Mỹ triển khai tới khu vực gần bán đảo Triều Tiên trong tháng 10, bên cạnh chiếc USS Ronald Reagan và USS Theodore Roosevelt, USNI đưa tin.
Chuyên gia quân sự Kyle Mizokami cho rằng việc Washington triển khai cùng lúc ba tàu sân bay ở Thái Bình Dương là động thái hiếm gặp nhưng không hề gây bất ngờ trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục gia tăng. Dù Mỹ tuyên bố không từ bỏ nỗ lực ngoại giao với Triều Tiên, sự hiện diện đồng thời của ba khí tài chiến lược như vậy là thông điệp răn đe rất mạnh mà Washington gửi tới Bình Nhưỡng.
Theo Mizokami, ba tàu sân bay này chiếm tới gần 1/3 hạm đội tàu sân bay Mỹ. khiến sự xuất hiện cùng lúc của chúng gần bán đảo Triều Tiên trở nên rất đáng chú ý, trong bối cảnh hải quân Mỹ phải trải rộng hoạt động khắp thế giới và không phải lúc nào cũng có 10 hàng không mẫu hạm trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.
Ba tàu sân bay mang theo tổng cộng 6 phi đoàn tiêm kích F/A-18C/D Hornet và F/A-18E/F Super Hornet, tương đương 72-108 chiếc. Mỗi tàu sân bay còn được hộ tống bởi một biên đội tàu chiến hùng hậu gồm một tuần dương hạm lớp Ticonderoga, ít nhất một hoặc hai tàu khu trục lớp Arleigh Burke và một tàu ngầm tấn công hạt nhân. Biên đội này vừa bảo vệ tàu sân bay, vừa có thể tung đòn tấn công mặt đất bằng tên lửa hành trình Tomahawk.
Tàu sân bay USS Nimitz trên đường tới Thái Bình Dương. Ảnh: USNI.
Mỹ thường triển khai tàu sân bay theo hình thức cuốn chiếu, luân phiên điều chuyển lực lượng giữa các căn cứ trên toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quân sự cho rằng việc cả ba tàu sân bay cùng xuất hiện ở Tây Thái Bình Dương, nơi chúng có thể tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Triều Tiên, nhiều khả năng là kế hoạch đột xuất của hải quân Mỹ.
Đây có thể là biện pháp phản ứng của Lầu Năm Góc sau khi Triều Tiên tuyên bố có thể tiến hành một vụ thử bom nhiệt hạch trên Thái Bình Dương. Giới chuyên gia quân sự cho rằng khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra, bởi bãi thử hạt nhân truyền thống của Triều Tiên đang có nguy cơ sụp đổ sau 6 vụ nổ bom hạt nhân. Triều Tiên chỉ còn một lựa chọn duy nhất là cho nổ bom trên đại dương nếu muốn tiếp tục thử nghiệm công nghệ hạt nhân của mình.
Một nhóm tác chiến tàu sân bay có thể di chuyển 6.760 km trong một tuần, biến chúng thành lực lượng có khả năng cơ động cao và sở hữu hỏa lực vượt trội. Khi kết hợp, ba nhóm tác chiến tàu sân bay này có thể tung ra đòn tấn công phủ đầu vô cùng mạnh mẽ và tức thời ngay sau khi nhận lệnh.
Tuy nhiên, dường như sự xuất hiện cùng lúc của ba biên đội tàu sân bay chỉ là động thái phô trương sức mạnh nhằm ngăn chặn Triều Tiên có thêm bất cứ hành vi khiêu khích nguy hiểm nào, chứ không phải phục vụ kế hoạch tấn công phủ đầu.
Theo Mizokami, tàu sân bay USS Nimitz sau thời gian ngắn phô trương lực lượng ở Tây Thái Bình Dương sẽ được rút về cảng nhà, Hạm đội 7 sẽ sớm chỉ còn một đến hai hàng không mẫu hạm trong khu vực phụ trách như thường lệ, ông nhận định.
Duy Sơn (VNE)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.