Đón đầu nhu cầu lao động của doanh nghiệp

Thứ năm, ngày 14/06/2012 10:27 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hàng trăm doanh nghiệp may mặc, thủ công nghiệp đang tiến về nông thôn huyện Quỳnh Phụ. Hiểu được xu thế này, các lớp dạy nghề theo Quyết định 1956 đã đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp, góp phần tạo việc làm tại chỗ cho nông dân trên địa bàn.
Bình luận 0

Ly nông bất ly hương

Trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ hiện có nhiều doanh nghiệp sử dụng tới hàng trăm lao động như như Xí nghiệp May Hoàng Long, Xí nghiệp May Việt Long, Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Thành Danh… 100% lao động ở các công ty này là người dân địa phương.

img
Anh Diền đang hướng dẫn kỹ thuật cho lao động.

Chị Nguyễn Thị Sim từng là học viên lớp học may công nghiệp tại xã An Vinh chia sẻ: "Trước đây, mình có theo học lớp may tại các cơ sở may nhỏ nhưng cũng chỉ may những sản phẩm cá nhân thông thường, thu nhập rất thấp".

Khi thấy trên địa bàn có một vài doanh nghiệp may đang xây dựng nhà máy, chị Sim đăng ký tham gia lớp học may công nghiệp do Sở LĐTBXH tổ chức: "Tôi được hỗ trợ rất nhiều như tiền ăn, ở, đi lại và đặc biệt sau khi kết thúc khóa học được cấp chứng chỉ nghề may. Có chứng chỉ nghề, tôi xin việc tại các công ty, doanh nghiệp rất dễ dàng với lương lại đảm bảo cuộc sống" - chị Sim chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Thủy (xóm 8, thôn Hưng Hòa, xã An Vinh) cũng tâm sự: "Các lớp học may công nghiệp thu hút đông đảo lao động nữ trong thôn, xóm. Học xong, chúng tôi có cơ hội làm gần nhà, thu nhập ổn định và có điều kiện chăm sóc con cái”.

Ông Bùi Hữu Khang - Trưởng phòng LĐTBXH huyện Quỳnh Phụ thông tin: "Ở Quỳnh Phụ, sản xuất nông nghiệp vẫn được coi là cho thu nhập chính. Gần đây việc khôi phục nghề truyền thống như mây tre đan, phát triển các nhà máy may xuất khẩu… đã khiến nhu cầu lao động có tay nghề tăng cao. Năm 2011, Phòng LĐTBXH phối hợp với Hội Nông dân, trung tâm dạy nghề, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tổ chức dạy nghề được 66 lớp với 2.347 học viên. Hầu hết, học viên có việc làm tại các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn".

Đôi bên cùng có lợi

Không chỉ lao động có việc làm tại chỗ, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn cũng "dễ thở" hơn vì không phải lo nguồn lao động. Anh Bùi Trọng Diền- Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Thành Danh (xã An Vinh) chia sẻ: "Xí nghiệp của tôi giờ đây có nhiều lao động làm việc chuyên nghiệp và tay nghề vững chắc, tôi không còn canh cánh nỗi lo lao động bỏ việc".

Cũng theo anh Diền, hiện nay yêu cầu về kỹ thuật của sản phẩm khá cao- nhất là may xuất khẩu, nên việc tuyển dụng lao động có tay nghề là rất cần thiết. Vì vậy, khi mở nhà máy ở Quỳnh Phụ, anh cũng phối hợp với Phòng LĐTBXH tổ chức đào tạo nghề và tạo môi trường thực hành cho lao động: "Có lợi thế là doanh nghiệp làm nghề lâu năm nên tôi phối hợp mở 1 lớp đào tạo nghề tại cơ sở với mong muốn giúp chị em học lại nghề một cách bài bản, có trình độ kỹ thuật để có thể làm ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn…".

Ông Bùi Hữu Khang cũng bày tỏ, hiện số người trong độ tuổi lao động của huyện là 152.446, trong đó lao động nữ là 83.388 người. Trước kia, lao động dư thừa khá lớn. Hiện nay, huyện phát triển kinh tế theo hướng tìm kiếm để nhân thêm nghề mới, kéo doanh nghiệp về làng, liên kết với các doanh nghiệp để dạy các nghề theo nhu cầu học viên… nên cả doanh nghiệp lẫn lao động đều được hưởng lợi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem