Thời gian tới, cơ hội cho ngành hàng này sẽ tiếp tục gia tăng khi các Hiệp định Thương mại tự do mới được ký kết, hứa hẹn sẽ tạo nhiều thuận lợi hơn cho ngành hàng cá ngừ Việt Nam.
Nguồn lợi phong phú
Hiện có 9 loài cá ngừ phân bố ở các vùng biển Việt Nam, bao gồm nhóm cá ngừ đại dương và cá ngừ nhỏ ven bờ; trữ lượng ước tính khoảng 600.000 tấn, trong đó, cá ngừ sọc dưa chiếm hơn 50%; sản lượng khai thác cá ngừ trong 6 tháng đầu năm 2016 ước đạt 11.152 tấn (Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa là 3 tỉnh khai thác lớn nhất).
Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt gần 225 triệu USD, giảm không đáng kể so với cùng kỳ năm 2015 (0,01%). Trong đó, các mặt hàng mã HS03 chiếm 59,8% (tăng 10,8% so với cùng kỳ 2015), bao gồm cá ngừ sống/tươi/đông lạnh/khô; trái lại, các mặt hàng mã HS16 giảm 12,7% so với cùng kỳ năm 2015, bao gồm cá ngừ đóng hộp, cá ngừ chế biến; đặc biệt, mặt hàng cá ngừ đóng hộp giảm mạnh (18,4%). Từ năm 2013 đến nay, Việt Nam đã chuyển từ xuất khẩu nhiều mặt hàng cá đóng hộp sang xuất khẩu thăn cá ngừ.
Ngư dân Bình Định khai thác cá ngừ. Ảnh: Dũ Tuấn
Nếu xét về giá trị thì Mỹ và EU là 2 thị trường lớn, lần lượt nhập khẩu 41% và 23%, tiếp đến là khối ASEAN 9%. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2016, Mỹ đã nhập khẩu 92,8 triệu USD (giảm nhẹ 0,2% so với cùng kỳ năm 2015), EU nhập khẩu 50,8 triệu USD (giảm 6,6%), ASEAN 21,2 triệu USD (tăng 24,5%); Do Nhật Bản giảm nhập khẩu (10,5%), trong khi Israel nhập khẩu tăng lên (6,5%) nên 2 thị trường này trở thành ngang nhau - đạt trên dưới 8,6 triệu USD. Tuy nhiên, nổi bật nhất vẫn là thị trường Trung Quốc, nhập khẩu tăng 108%, đạt trên 12 triệu USD.
Để mặt hàng cá ngừ đứng vững trên thị trường thế giới
Trước mắt, Việt Nam phải cố gắng đáp ứng được Tiêu chuẩn MSC, là tiêu chuẩn nghề cá bền vững dựa trên hướng dẫn thực hành cải thiện nghề cá tốt nhất (thế giới hiện có 200 nghề cá được Chứng nhận MSC; tại Việt Nam, hiện có mặt hàng nghêu Bến Tre đã nhận được chứng nhận này). Tiếp đến, cá ngừ Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu quốc tế về chứng nhận “an toàn cá heo”.
Theo Tổng cục Thủy sản, hiện có 6 tác nhân chính tham gia vào chuỗi giá trị cá ngừ gồm: Ngư dân/Chủ tàu; Cơ sở thu mua; Hộ bán buôn/bán lẻ cá ngừ tiêu thụ nội địa; Doanh nghiệp chế biến; Doanh nghiệp kinh doanh, xuất nhập khẩu cá ngừ; Các nhà xuất nhập khẩu của các thị trường.
|
Tại Mỹ, Cơ quan quản lý Khí quyển và Đại dương quốc gia (NOAA) đã ban hành Quy định an toàn cá heo (có hiệu lực từ ngày 22.3.2016), Giấy chứng nhận thuyền trưởng, Khóa đào tạo thuyền trưởng và hồ sơ, Chứng nhận xuất xứ thủy sản.
Hiện tại, trên website chính thức của NOAA đã đăng mẫu "Báo cáo của thuyền trưởng" (bằng tiếng Việt) và mẫu 370 - Chứng nhận xuất xứ thủy sản. Về mục đích khóa đào tạo thuyền trưởng, nhằm cung cấp cho thuyền trưởng 4 kỹ năng: Nhận biết được cá heo nào thuộc họ cá heo đại dương Delphinidae; Nhận biết việc "cố ý triển khai ngư cụ hoặc bao vây cá heo"; nhận biết cá heo bị chết hoặc bị thương nặng; tách riêng cá ngừ thành 2 nhóm "an toàn với cá heo" và "không an toàn với cá heo".
Phía EU cũng có yêu cầu Chứng nhận An toàn Cá heo. Các quy định của Chứng nhận này được lập bởi EII (Earth & Island Institute). Đối với Việt Nam, khi xuất khẩu cá ngừ sang EU sẽ phải ký kết các điều khoản của EII và chấp nhận việc EII thẩm tra hàng năm, giám sát lượng cập cảng.
EII đã đề ra 5 tiêu chuẩn an toàn cá heo, thực chất là 5 điều khoản, quy định chặt chẽ các điều kiện bắt buộc trong tất cả các hoạt động (từ đánh bắt cá ngừ đến bảo quản bằng hầm tàu, chế biến, bảo quản trong kho lạnh). Bên cạnh đó, EII cũng đã nêu rõ quy trình áp dụng Nhãn an toàn cá heo và một loạt các chính sách an toàn cá heo; đồng thời, triển khai Chương trình giám sát quốc tế (IMP), thường xuyên kiểm tra cá ngừ tại các nhà máy đóng hộp, bến cảng, tàu đánh cá… nhằm đảm bảo với người tiêu dùng rằng cá ngừ mà họ mua thực sự an toàn với cá heo. IMP tập trung nhiều vào các nhà máy sản xuất cá ngừ đóng hộp (cá ngừ được đánh bắt bằng lưới vây, lưới rê)./.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.