Xuất khẩu cá ngừ tăng trưởng âm

Thứ năm, ngày 19/12/2013 07:02 AM (GMT+7)
Thị trường tiêu thụ cá ngừ đang đẩy mạnh nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ dịp Giáng sinh và năm mới, tuy nhiên, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang các thị trường chính lại giảm so với cùng kỳ.
Bình luận 0
Tăng trưởng giảm

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong số 10 thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam hiện có tới 8 thị trường tăng trưởng âm, trừ EU và Mexico, đưa tổng giá trị xuất khẩu (XK) cá ngừ 10 tháng đầu năm 2013 đạt gần 454 triệu USD, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng với sự sụt giảm giá trị XK, thị phần của các thị trường cá ngừ tại thị trường Mỹ giảm tới hơn 8%; Nhật Bản giảm hơn 21%. Đặc biệt là suốt từ đầu năm tới hết tháng 10, giá trị XK cá ngừ của Việt Nam sang Nhật Bản sụt giảm liên tục, đến hết tháng 10 tổng kim ngạch XK cá ngừ của Việt Nam sang Nhật chỉ đạt hơn 38,3 triệu USD.

Xuất khẩu cá ngừ khó khăn hơn trong năm 2014  nếu các vướng mắc của ngành này chưa được giải quyết.
Xuất khẩu cá ngừ khó khăn hơn trong năm 2014 nếu các vướng mắc của ngành này chưa được giải quyết.

Có ý kiến cho rằng, ngành khai thác cá ngừ đang phải đối mặt với tình trạng chạy theo số lượng, hơn là quan tâm về chất lượng. Từ khi xuất hiện hình thức khai thác cá ngừ mới là câu đèn, sản lượng đánh bắt cá ngừ của Việt Nam tăng mạnh, nhưng chất lượng sau thu hoạch lại giảm. Cá ngừ không đủ phẩm cấp để xuất khẩu dưới dạng các sản phẩm có giá trị cao như tươi/sống/đông lạnh, mà chỉ có thể XK các mặt hàng cá ngừ chế biến đóng hộp hay thăn cá ngừ hấp chín đông lạnh.

Ngày càng bị thắt chặt

Ông Nguyễn Hữu Dũng- Phó Chủ tịch VASEP cho biết, ngoài yêu cầu về chất lượng thì yêu cầu về nguồn gốc sản phẩm khai thác cũng được các nước quan tâm nhiều hơn. Nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm khai thác bền vững tại các thị trường lớn như Mỹ, EU ngày càng tăng. Trong khi đó, việc đạt chứng nhận này không hề đơn giản, bởi việc ghi chép nhật ký, thủ tục cho mỗi chuyến biển nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm là rất mới đối với ngư dân. Hơn nữa, việc chuyển hướng sang XK các mặt hàng cá ngừ đóng hộp cũng khiến các DN Việt Nam phải cạnh tranh nhiều hơn với các cường quốc XK cá ngừ đóng hộp trên thế giới như Thái Lan, Ecuador.

"Năm 2013, XK cá ngừ Việt Nam có thể chỉ đạt 520 triệu USD, giảm 8,6% so với 2012. Chủ yếu là do thiếu nguồn cung nguyên liệu ổn định, bao gồm cả nguồn trong nước và nguồn nguyên liệu nhập khẩu”.
Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký VASEP

Về mặt trình độ sản xuất, quy mô và kinh nghiệm, chúng ta vốn dĩ đã không bằng họ, thì nay lại thêm vấn đề về nguyên liệu sẽ khiến năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam sụt giảm hơn.

Và trong khi chúng ta đang loay hoay tháo gỡ những vấn đề nói trên, thì các nước đối thủ như Thái Lan, Ecuador đang nỗ lực xúc tiến các thỏa thuận thương mại tự do cho các sản phẩm cá ngừ của họ XK sang Mỹ, EU.

“Với khó khăn chung của tình hình kinh tế thế giới, năm 2013 ngành thủy sản Việt Nam nói chung, XK cá ngừ nói riêng sẽ phải đối mặt với việc cạnh tranh khốc liệt hơn trên thị trường quốc tế, với xu hướng giảm giá để giành giật thị trường” – ông Nguyễn Huy Điền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhận xét.

Thành Công – Minh Huệ (Thành Công – Minh Huệ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem