Nhà thì cũng không xa lắm, từ Singapore bay về chỉ mất hơn ba tiếng, nhưng đây vẫn là năm thứ hai tôi đón Tết ở một đất nước khác.
Nghĩ cho cùng, tôi vẫn còn may mắn hơn nhiều người ngày Tết vẫn phải bận rộn đi học, đi làm. Ở đây, dù không trọn vẹn, nhưng tôi cũng được nghỉ Tết hai ngày. Và được hưởng một chút xíu cái “không khí Tết” ở cái nơi có đến gần 80% là người Hoa này.
|
Đặng Đoàn Khuê Dung tại Singapore |
Từ cách đây hơn nửa tháng, ra ngoài đường đã bắt đầu thấy nhiều sắc đỏ hơn. Những chùm dây trang trí, đèn lồng dần được mắc lên không chỉ ở ngoài mà còn thấy lác đác trong trường tôi học.
Chinese New Year cũng là một dịp giảm giá, một dịp để người ta bày hàng hóa ra bán. Trong siêu thị, tràn ngập sắc đỏ sắc vàng của bánh kẹo, của đồ trang trí và âm thanh réo rắt của những bản nhạc Trung Hoa. Nhìn những dây trang trí xinh xắn, chợt nhớ một năm nào mình cũng vòi vĩnh mẹ mua vài cái mắc lên cành đào trong nhà.
Đi qua food-court, nhìn thấy một cành đào giả cắm trên biển hiệu một hàng ăn, tự nhiên thấy lòng ấm áp. Năm ngoái tôi ra một khu chợ khác cũng thấy có bán quất, rồi tầm xuân cũng nhuộm các màu như ở nhà vậy, nhưng những chậu cây thật đó lại không mang lại niềm vui như cành đào giả thô cứng kia, thật lạ. Có lẽ bởi tôi vẫn quen với ánh hồng chúm chím của những mùa xuân ở nhà.
Đợt 23 tháng Chạp, ngay sát ký túc xá tôi ở, trường có tổ chức một hội chợ nho nhỏ. Du học sinh từ các nước đã mang đến đây những món ăn, hình ảnh đặc trưng riêng của nước mình: Campuchia, Trung Quốc, Singapore, Ấn Độ,... và tất nhiên không thể thiếu Việt Nam.
|
Gian hàng của Việt Nam tại hội chợ |
Gian hàng của mình có trưng thư pháp, có đặc sản hoa quả sấy Việt Nam, và ấn tượng nhất là một “đội ngũ” các du học sinh Việt Nam xúng xính khăn xếp áo dài. Màu áo dài đỏ phấp phới nhịp nhàng trong điệu múa sạp với tôi có lẽ là màu đẹp nhất trong biết bao sắc đỏ mừng năm mới nơi đây.
Dạo một vòng nếm các món, chụp ảnh, chơi trò chơi, trong lòng cũng cảm thấy ấm áp một chút, thấy xuân đã về rộn rã đâu đây.
|
Các bạn du học sinh Việt Nam với khăn xếp áo dài trong tiết mục múa sạp |
Nếu như Tết ở nhà là dịp gia đình sum vầy, thì ở đây Tết là dịp bạn bè tụ tập. Năm ngoái Tết đúng dịp nghỉ giữa kỳ, tôi và nhóm bạn cũng bày biện làm một bữa tiệc tiễn năm cũ rồi cùng nhau thức đón giao thừa. Một cái bánh chưng, khúc giò cất tủ đá từ lúc mới sang, gói thêm nem, kho thịt, nấu một nồi bún, thế là có một bữa ăn thịnh soạn cho hai mươi kẻ xa nhà.
Hội sinh viên Việt Nam ở NUS (VNCNUS) cũng thường tổ chức chương trình Tết, là dịp để mọi người kết bạn, vui vẻ chào đón năm mới. Và đến khoảnh khắc giao thừa thì ai nấy rút điện thoại gọi điện về nhà cho gia đình, và nhắn tin chúc mừng năm mới bạn bè.
Tôi còn nhớ năm ngoái nghẽn mạng, vất vả mãi mới gọi được về nhà. Đến lúc gọi về nhà rồi lại không biết nói gì ngoài hỏi han chúc tụng và im lặng nghe bố mẹ dặn dò. Năm ngoái là năm đầu tiên Tết chỉ có hai bố mẹ, ông lại mới mất, một mình mẹ tôi lo chuẩn bị các thứ. Nghĩ lại tôi thấy thật tiếc vì đã không đặt vé về nhà.
Năm nay Tết đến, tôi và bạn bè lại tụ tập nấu nướng, hay cùng nhau đi ngắm phố phường lấy chút không khí. Nhưng cho dù có nhìn thấy thật nhiều sắc đỏ, nhiều dòng chữ “Happy New Year”, có đứng giữa dòng người tấp nập rộn ràng mua bán ở China town, thì trong lòng tôi như vẫn thiếu một điều gì đó.
Với tôi, Tết là phải có cái lạnh tê tái đất Bắc, có những bóng người quấn kỹ trong áo ấm hối hả ngược xuôi, có hoa đào hồng thắm, và quan trọng nhất là phải có gia đình tôi ở bên.
Đặng Đoàn Khuê Dung
(20 tuổi, sinh viên ĐHQG Singapore)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.