Đồng bằng sông Cửu Long: Đổ xô trồng khoai lang

Thứ ba, ngày 13/12/2011 10:15 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Vụ đông xuân này, nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đổ xô trồng khoai lang. Một số vùng trước chuyên trồng 3 vụ lúa thì nay được cho thuê với giá cao để trồng khoai lang.
Bình luận 0

Hiện khoai lang tím Nhật được các thương lái mua với giá hơn 1 triệu đồng/tạ (60kg). Trung bình 1ha khoai lang, nông dân lời từ 150 - 200 triệu đồng. Thấy lợi, nông dân nhiều nơi đã bỏ lúa để xuống giống khoai lang.

img
Diện tích đất lúa được chuyển qua trồng khoai lang ở tỉnh Vĩnh Long.

Cây khoai vươn rộng...

Trước đây chỉ có vùng Bình Tân (Vĩnh Long) chuyên trồng khoai lang thì nay cây khoai đã lan sang các huyện lân cận và cả các tỉnh khác trong khu vực. Tại tỉnh Vĩnh Long, năm 2011, khoai lang mới chỉ lan sang huyện Bình Minh thì vụ này đã chuyển xuống vùng đất chuyên trồng lúa ở huyện Tam Bình.

Tại Tam Bình đã có khoảng 100ha đất lúa ở các xã Loan Mỹ, Ngãi Tứ... được chuyển sang trồng khoai lang. Hầu hết diện tích tăng thêm này đều do thương nhân từ nơi khác đến thuê đất làm, mỗi khu từ 5 - 10ha.

Ông Lê Trung Toàn – Phó Chủ tịch UBND xã Ngãi Tứ cho biết: “Mấy năm trước, vùng đất này không trồng khoai lang thì chỉ riêng năm nay đã có 30ha. Con số này sẽ tiếp tục tăng lên khi có nhiều người từ nơi khác đến đây tìm thuê đất của nông dân với giá cao. Họ thành lập nhiều khu lớn như một nông trại chứ không sản xuất nhỏ lẻ”.

Giá thuê đất cũng rất cao nên nhiều nông dân chấp nhận không sản xuất lúa để cho thuê đất. Hiện tại 1 công (1.000m2) đất được cho thuê với giá từ 4 - 6 triệu đồng/năm, mà nếu làm cả 3 vụ lúa trong năm cũng chưa chắc lời cao như vậy.

Tại các huyện Cờ Đỏ, Thới Lai (TP.Cần Thơ); Lai Vung, Lấp Vò (Đồng Tháp); Giồng Riềng, Hòn Đất (Kiên Giang), tính sơ bộ đã có hàng trăm ha được nông dân chuyển từ trồng lúa sang trồng khoai. Phần lớn là do người dân từ huyện Bình Tân (Vĩnh Long) qua thuê đất để trồng khoai lang tím Nhật xuất sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo nhiều cán bộ địa phương thì những nông dân này chỉ là người đứng ra thuê đất, thuê mướn nhân công để sản xuất, còn núp bóng phía sau là thương nhân Trung Quốc. Bởi để trồng khoai lang thì cần đầu tư từ 200 - 300 triệu đồng/ha nên nông dân không thể có vốn thuê hàng chục ha đất trồng khoai lang.

Nhiều hệ lụy khó lường

Thực tế, các cơ quan chức năng ở khu vực ĐBSCL đã có khuyến cáo với nông dân vê việc ồ ạt trồng khoai lang và bỏ lúa để trồng khoai có thể dẫn tới nhiều hệ lụy, tuy nhiên không ít nông dân vẫn bất chấp. Từ việc phát triển khoai lang rất mạnh ở Bình Tân (Vĩnh Long) hồi đầu năm nay, giờ đây cây khoai đang mở rộng ra nhiều địa phương của Vĩnh Long và các tỉnh khác trong vùng ĐBSCL. Do vậy, khi gặp yếu tố bất lợi, thiệt hại của nông dân và cả địa phương sẽ rất lớn.

Ông Võ Văn Theo - Trưởng phòng NNPTNT huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long cho rằng: Từ khi có các thương lái người Trung Quốc đến thu mua khoai lang thì giá khoai lang đã tăng cao, nông dân tiêu thụ được sản phẩm và nhiều hộ đã khá lên. Cũng vì thế, diện tích khoai lang đã tăng lên rất nhanh và mở rộng sang các vùng khác. Tuy nhiên, việc tiêu thụ khoai lang hầu như chỉ dựa vào thương nhân Trung Quốc và thị trường Trung Quốc. Khi lượng khoai lang nhiều, đã có lúc giá giảm mạnh.

Ông Võ Văn Theo – Trưởng phòng NNPTNT huyện Bình Tân cho biết: “Thực tế trong mấy năm qua rất ít doanh nghiệp trong nước đứng ra tiêu thụ khoai lang của nông dân. Khoai lang được xuất bằng đường tiểu ngạch sang Trung Quốc với giá cao, nông dân rất phấn khởi. Tuy nhiên, nếu trồng ồ ạt như vậy khi sản lượng lớn mà không xuất được sang Trung Quốc thì dễ dẫn đến dồn ứ, rớt giá”.

Một thực tế nữa là nhiều nông dân ở vùng đất chuyên trồng lúa từ lâu đời hiện nay thiếu đất, mất việc làm, không có thu nhập. Ông Lê Văn Phải ở ấp Bình Ninh, xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình trước đây không có đất sản xuất nên thuê 3 công đất để trồng lúa với giá 20 giạ/công/năm (tương đương 2,6 triệu đồng/công). Tuy nhiên, năm nay chủ đất lấy lại để cho người từ nơi khác đến thuê đất trồng khoai lang với mức 4 triệu đồng/công.

Còn ông Nguyễn Thanh Phúc có 2,5 công đất chuyên trồng lúa, dù năng suất đạt 7 tấn/ha/vụ nhưng ông đành chấp nhận cho thuê đất vì đã bị khoai lang bao vây xung quanh, muốn trồng lúa cũng không được. Bây giờ sống ở vùng đất lúa nhưng gia đình ông phải đong gạo ăn. Những nông dân khác không còn đất thì chuyển sang làm nghề khác, một số ngồi không ăn dần vào tiền cho thuê...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem