Đồng bằng sông Cửu Long: Liên kết 4 nhà là cần thiết

Thứ hai, ngày 02/06/2014 11:26 AM (GMT+7)
Ngày 31.5, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã tổ chức diễn đàn “Liên kết 4 nhà trong sản xuất và tiêu thụ trái cây vùng ĐBSCL”. Gần 500 đại biểu là các nhà quản lý, doanh nghiệp và nông dân tham dự.
Bình luận 0
TS Phan Huy Thông- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết diện tích cây ăn trái khu vực ĐBSCL và Đông Nam Bộ chiếm khoảng trên 466ha, sản lượng đạt trên 4,6 triệu tấn/năm (chiếm 56% diện tích và 62% về sản lượng so với cả nước).

Những sản phẩm nổi tiếng trong và ngoài nước như: Bưởi Năm Roi, cam sành Tam Bình, chôm chôm Tích Khánh (Vĩnh Long), xoài cát Hòa Lộc (Ðồng Tháp), thanh long Châu Thành (Long An), thanh long Chợ Gạo (Tiền Giang)... Tuy nhiên, việc sản xuất và tiêu thụ trái cây trong vùng ĐBSCL thời gian qua không ổn định. Nhà vườn thường xuyên gặp cảnh "được mùa, rớt giá".

Trong khi đó các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây thì than phiền thiếu nguyên liệu, sản phẩm. Mặc dù có nhiều tiềm năng và lợi thế nhưng trái cây Việt Nam nói chung và ÐBSCL nói riêng chỉ tiêu thụ được ở thị trường trong nước do nhiều yếu tố kỹ thuật trong sản xuất...

Các đại biểu trao đổi về chất lượng sản phẩm.
Các đại biểu trao đổi về chất lượng sản phẩm.

TS Thông cho rằng thời gian gần đây thị trường xuất khẩu trái cây khu vực ĐBSCL và Đông Nam Bộ đã được mở rộng, từ 36 thị trường với doanh số trên 235 triệu USD năm 2005 lên trên 60 trị trường và 1.040 triệu USD vào năm 2013.

Ngoài thị trường chủ yếu là Trung Quốc, Hà Lan, Liên bang Nga, Singapore, Indonesia, Thái Lan, Malaysia… hiện nay đã mở cửa thêm được các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Hàn quốc, Đài Loan, Úc, New Zealand. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm trái cây chưa có được thị phần vị trí xứng với tiềm năng như một số nước sản xuất cây ăn trái trong khu vực...

Bà Nguyễn Thị Hồng Thu-Giám đốc Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu ở huyện Chợ Lách (Bến Tre) cho biết, hiện tại công ty đã liên kết với Tổ hợp tác nhãn VietGAP Long Hòa-Bình Đại; Tổ liên kết sản xuất chôm chôm theo tiêu chuẩn GlobalGAP ấp Phụng Đức B, xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách; Tổ liên kết sản xuất chôm chôm Sơn Định-Chợ Lách…

Riêng trái chôm chôm, công ty đã được cấp chứng nhận nhà đóng gói đạt chuẩn GlobalGAP và tiêu chuẩn Hoa Kỳ, với đội ngũ nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp, đảm bảo được kiểm soát và chọn lọc rất an toàn.

Còn theo ông Huỳnh Quang Đấu-Tổng Giám đốc Công ty CP Rau quả thực phẩm An Giang thì hiện nay dù sản phẩm xuất khẩu có tăng và mở rộng thị trường, tuy nhiên mối liên kết giữa doanh nghiệp với người nông dân chưa thật sự bền chặt, nông dân chưa thật sự tin tưởng doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần phải dùng chất lượng, uy tín để tạo dựng lòng tin cho nông dân.

Cũng theo ông Đấu, vừa rồi Công ty Rau quả An Giang phải hủy khoảng 1ha đậu, do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao. Quyết định này khiến nhà vườn rất buồn, nhưng sau đó công ty có sự hỗ trợ thì nhà vườn rất vui mừng và tiếp tục hợp tác với công ty…

Nhiều ý kiến cho rằng nhà nước cần hỗ trợ vốn cho nông dân, doanh nghiệp, xây dựng quy hoạch cho những loại cây trồng thật cụ thể, theo từng vùng, khu vực phù hợp.
Diệu Thanh (Diệu Thanh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem