Đồng bằng sông Cửu Long: Nhà máy thi nhau giảm giá mía

Thứ ba, ngày 28/02/2012 15:38 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) còn khoảng 20.000ha mía. Thời gian gần đây, giá đường liên tục giảm khiến cho giá mía nguyên liệu giảm theo.
Bình luận 0

Giá mía lao dốc

Hiện tại, giá đường trong nước liên tục sụt giảm làm cho các nhà máy gặp không ít khó khăn. Đến thời điểm này, giá đường chỉ còn dưới 16.000 đồng/kg (giảm hơn 2.000 đồng/kg so với tháng trước). Vì vậy, các nhà máy đường ở khu vực ĐBSCL đã đồng loạt có kế hoạch giảm giá mía nguyên liệu.

img
Thu hoạch mía ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.

Ông Nguyễn Hoàng Ngoan - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Mía đường Cần Thơ (CASUCO), cho biết: “Dự kiến đến ngày 28.2, công ty sẽ giảm giá thu mua mía nguyên liệu xuống 50 đồng/kg, 5 ngày sau đó tiếp tục giảm 50 đồng/kg, và 5 ngày sau nữa giảm thêm 50 đồng/kg. Tổng cộng 3 lần giảm là 150 đồng/kg mía. Như vậy sang tháng 3.2012, Nhà máy Đường Vị Thanh mua mía 10 chữ đường tại cầu cảng là 1.050 đồng/kg, Nhà máy Đường Phụng Hiệp mua 1.020 đồng/kg”.

Theo ông Ngoan, trước đây giá đường từ 18.500- 19.000 đồng/kg, các nhà máy mua mía cho nông dân 1.200 đồng/kg. Nay giá đường sụt giảm mạnh và khó tiêu thụ, nên nhà máy đành phải giảm giá thu mua mía nguyên liệu để tránh lỗ nặng. Với giá này thì thương lái thu mua mía trong dân chỉ ở mức dưới 900 đồng/kg.

Còn ông Nguyễn Thái Hòa - Phó Giám đốc Công ty Mía đường Trà Vinh cũng thông tin: Trước tình hình giá đường lao dốc mạnh hơn 2.000 đồng/kg, giá mía nguyên liệu đứng ở mức cao, nhà máy sản xuất không có lãi nên lãnh đạo các nhà máy đường khu vực ĐBSCL đã đi đến thống nhất giảm giá mía nguyên liệu.

Với tình hình giá đường như hiện nay, các nhà máy sản xuất thua lỗ khoảng 500- 1.000 đồng/kg đường. Các nhà máy giảm giá mía nguyên liệu nhưng cũng đảm bảo người trồng mía có lãi. Theo ông Trịnh Minh Châu – Chủ tịch HĐQT Công ty Mía đường Sóc Trăng thì từ nay đến kết thúc vụ mía, công ty cần hơn 100 tỷ đồng để mua mía nguyên liệu. Cái khó là nhà máy không thể nợ tiền mía của dân lâu được. Trong khi đó, giá đường sụt giảm nên lượng đường tồn kho lớn gây khó khăn không ít cho nhà máy.

Nông dân lo lắng

Vùng mía nguyên liệu tại ĐBSCL còn khoảng hơn 20.000ha thì thương lái đã đặt cọc mua hết 70%. Vì vậy, khi giá mía sụt giảm thì thương lái sẽ chịu cảnh lỗ nặng. Một số thương lái mua với số lượng lớn đã chấp nhận bỏ cọc vì càng mua càng lỗ.

Ông Nguyễn Văn Dũng- thương lái mua mía ở tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng cho biết: “Giá mía giảm thì cánh thương lái chắc chắn sẽ chịu lỗ. Trước đây đặt cọc mua mía trong dân hơn 1.000 - 1.050đồng/kg. Bây giờ giá mía sẽ giảm 150 đồng/kg, chúng tôi sẽ lỗ bình quân 10 triệu đồng/ha”.

Một cái khó khác hiện nay là lượng mía ứ đọng lớn. Nếu nông dân thu hoạch sẽ mất từ 3 - 4 ngày mới tới bàn cân nhà máy. Khi đó, chữ đường giảm đáng kể. Theo tính toán, hiện nay tại các cầu cảng nhà máy còn một lượng rất lớn mía đang chờ tới lượt cân. Khi giá mía chuẩn bị sụt giảm, thương lái và nông dân đổ xô thu hoạch sẽ dẫn đến cảnh ứ đọng và càng khó khăn hơn.

Để ngăn chặn giá mía đường sụt giảm, theo nhiều chuyên gia cần phải cho xuất khẩu lượng đường tồn kho. Khi đó, các nhà máy sẽ có nguồn vốn để thu mua mía trong dân.

Năm ngoái, đến cuối vụ, giá mía nguyên liệu lên rất cao (khoảng 1.400 đồng/kg) nên nông dân có lời lớn. Năm nay, nông dân vùng Sóc Trăng, Trà Vinh tiếp tục neo mía ngoài đồng thì lại chịu cảnh mía sụt giảm, ế ẩm.

Ông Trần Văn Tài (xã Đại Ân II, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) cho biết: “Vùng đất này năm nào cũng thu hoạch mía rất trễ. Năm rồi cuối vụ giá mía cao, nông dân kiếm lời khá. Tuy nhiên, năm nay giá mía lại giảm nhưng nhiều nông dân kêu bán cũng không được…”.

Tới thời điểm này, thương lái thu mua mía trong dân chỉ ở mức từ 850 - 900 đồng/kg. Vì vậy mía cuối vụ, nông dân chỉ còn lời 20 triệu đồng/ha (lãi chỉ bằng 1/3 so với vụ vừa qua).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem