Bà Nguyễn Thị Thủy - Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn cho biết: "Xã có 1.312 hộ (5.775 khẩu), trong đó, dân tộc Mường, Dao chiếm 60% dân số.
|
Mỗi năm gia đình anh Trương Văn Lập thu gần 200 triệu đồng từ nuôi lợn. |
Có nước để sản xuất
Cẩm Sơn có 201ha đất nông nghiệp. Dù địa hình khá bằng phẳng, nhưng do không có nguồn nước, lại thiếu đầu tư xây dựng trạm bơm, hệ thống kênh mương, nên cả xã chỉ "ăn nhờ" con sông chảy theo mùa. Khổ nhất là mùa cạn, nước uống, nước tưới… trở thành nỗi lo của người dân nơi đây.
"Làm nông phải bỏ ruộng không, ai chẳng tiếc. Nhưng trồng ngô thì ngô héo, trồng lạc thì không ra củ. Không nguồn nước, không có kênh mương nên đành chịu. Mấy năm nay được Nhà nước đầu tư xây trạm bơm, kênh mương nên diện tích lúa, ngô… ổn định hơn" - bà Trương Thị Phin ở thôn Da Dụ cho hay. Hiện xã có 4 trạm bơm, hệ thống kênh mương nội đồng đã được bê tông hóa gần 90%, nhờ đó đã chủ động được việc tưới tiêu.
Thi đua làm giàu
Cẩm Sơn hiện nay không còn nhà tranh vách đất nữa, thay vào đó là những ngôi nhà tầng, nhà mái bằng lộng lẫy. Trụ sở UBND xã được xây mới khang trang ngay sát đường Hồ Chí Minh.
Ông Dương Hồng Hạnh- Trưởng thôn Ngọc Sơn, thôn có 100% người Dao cho hay: "Trước kia bà con quen lối sản xuất cũ nên năng suất thấp. Mấy năm gần đây nhờ được vay vốn ngân hàng, bà con đã đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt các giống lúa, ngô năng suất cao… nên cuộc sống khấm khá hơn. Giờ chỉ còn 9,6% hộ nghèo, hầu hết các nhà đã có ti vi, xe máy rồi, nhiều nhà có tới 2- 3 xe máy xịn".
Năm 2009, xã Cẩm Sơn có 24,4% hộ nghèo, đến năm 2010 còn 19,9% hộ nghèo theo tiêu chí mới.
Bà Nguyễn Thị Thủy - Chủ tịch UBND xã Cẩm SơnAnh Triệu Phúc Hiến (thôn Ngọc Sơn), nông dân SXKD giỏi tâm sự: "Nhà tôi hiện có 20ha lát, keo, luồng và 2ha ngô, mỗi năm thu gần 300 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn nuôi 20 con trâu, bò, 20 con lợn... lãi 80 triệu đồng/năm".
Năm 2008, thấy sản lượng ngô của thôn cao, anh mua máy vò, máy cày về vừa phục vụ gia đình, vừa làm thuê cho bà con trong thôn. Để có nước tưới, anh bỏ ra 20 triệu đồng làm đường dẫn nước từ trên núi về phục vụ gia đình và bà con trong thôn.
Anh Trương Văn Lập (thôn Mùn) chọn nuôi lợn và thu mua nông sản để làm giàu. "Năm 2006, tôi được Ngân hàng CSXH cho vay 15 triệu đồng, nhà sẵn có máy xát, tôi đầu tư vào nuôi lợn. Lúc đầu chỉ nuôi 15 con, rồi tăng lên 20, 200 con. Năm nuôi 4 lứa, trừ chi phí lãi khoảng 200 triệu đồng. Năm 2008, tôi mở đại lý thức ăn gia súc và thu mua nông sản, mỗi năm thu khoảng 120 triệu đồng".
Anh Hà Văn Đăng ở thôn Lụa nuôi 100 bọng ong mật, thu hơn 100 triệu đồng/năm. Cộng với nuôi lợn, gà, năm nào gia đình anh cũng có gần 200 triệu đồng. "Xã Cẩm Sơn giờ có hàng chục gia đình làm ăn giỏi như anh Lập, Hiến, Đăng… " - bà Nguyễn Thị Thủy phấn khởi cho biết.
Việt Tùng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.