Đóng cửa rừng - đóng cửa tiêu cực

Thứ năm, ngày 25/10/2012 18:49 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chưa có khi nào tình trạng phá rừng, vi phạm lâm luật ở nước ta lại nhức nhối như những năm gần đây, khi mà mỗi năm có đến hàng trăm nghìn ha rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, thậm chí cả rừng nguyên sinh bị chặt phá.
Bình luận 0

Trước bối cảnh đó, đề xuất tạm thời đóng cửa rừng tự nhiên trên toàn quốc rất đáng chú ý. Mục tiêu là, khắc phục, tiến tới triệt tiêu được tình trạng lợi dụng chỉ tiêu khai thác rừng để hợp thức hoá nguồn gốc gỗ bất hợp pháp. Có thể nói, nếu được thực hiện đây sẽ là biện pháp cứng rắn, dứt khoát nhất của Chính phủ trong việc tuyên chiến với nạn phá rừng diễn ra ngày càng công khai, ngang nhiên ở nhiều địa phương. Đóng cửa rừng tuy là biện pháp tiêu cực, vì sẽ ảnh hưởng đến đời sống một bộ phận người dân, nhưng lại rất cần thiết vào thời điểm này, bởi nói như một lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, nếu không có biện pháp triệt để, kịp thời, rồi chúng ta cũng chẳng còn rừng để mà giữ.

Lâu nay, việc khai thác gỗ từ rừng tự nhiên do Sở NNPTNT các tỉnh, thành phố cấp phép theo chỉ tiêu cho chủ rừng như các lâm trường, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, doanh nghiệp kinh doanh lâm nghiệp, hộ gia đình, cá nhân… Tuy nhiên, trong quá trình khai thác đã nảy sinh nhiều tiêu cực như đơn vị được cấp phép khai thác vượt chỉ tiêu, thậm chí khai thác sang cả các loại rừng, khu rừng không được cấp phép. Và để làm được việc này, thường họ phải bắt tay, thậm chí "liên kết" với chính lực lượng bảo vệ rừng là kiểm lâm để khai thác, tuồn gỗ ra ngoài. Điều đó lý giải vì sao, tình trạng phá rừng diễn ra liên tục trong suốt nhiều năm qua, nhưng vẫn không được giải quyết.

Vì thế, có thể nói việc xem xét đóng cửa rừng lần này, chính là đóng cửa những tiêu cực trong việc phá rừng hiện nay. Bởi như báo chí đã từng phản ánh, trong thời gian qua, việc phá rừng đã "nhuốm" một màu tiêu cực của chính những người được giao nhiệm vụ bảo vệ rừng, đó là cán bộ địa phương, kiểm lâm… mà điển hình nhất là vụ bắt giữ 7 người trong vụ phá rừng lớn nhất ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) hay vụ cán bộ kiểm lâm áp tải xe gỗ lậu xảy ra hồi năm ngoái ở Nghệ An. Những người này đã lợi dụng chính sách của Nhà nước về khai thác rừng, đã hình thành nên một "đường dây phá rừng" có sự bảo kê chặt chẽ của nhiều khâu.

Tuy nhiên, có một điều cần đặt ra là lệnh đóng cửa rừng (nếu được thông qua), thì sau đó, chúng ta sẽ cần có những chế tài gì để xử lý. Bởi cấm thì dễ, nhưng thực hiện lệnh cấm đó như thế nào lại không hề đơn giản, nhất là những hiện tượng tiêu cực trong phá rừng hiện nay ngày càng có dấu hiệu phức tạp, nhức nhối.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem