Đóng góp tới 40% nguồn cung cho toàn cầu, Việt Nam vẫn mua 80% lượng hạt tiêu của Campuchia

P.V Thứ ba, ngày 13/02/2024 19:04 PM (GMT+7)
Là nước xuất khẩu tiêu số 1 thế giới nhưng Việt Nam cũng đang nhập lượng lớn hồ tiêu từ Campuchia, Brazil. Hiện, Việt Nam đang là nước tiêu thụ hồ tiêu lớn nhất của Campuchia, chiếm hơn 80% tổng lượng xuất khẩu, không bao gồm tiêu Kampot – loại tiêu có chỉ dẫn địa lý (GI).
Bình luận 0

Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), tổng lượng hồ tiêu Việt Nam nhập khẩu trong năm 2023 là 26.538 tấn, giảm 27,7% so với năm 2022, trong đó tiêu đen đạt 24.903 tấn, tiêu trắng đạt 1.635 tấn. 

Các nguồn cung cấp chủ yếu bao gồm: Brazil 16.598 tấn, tăng 31,6% so với năm 2022 và chiếm 62,5% thị phần; Campuchia 3.763 tấn, giảm 71,7% và chiếm 14,2%.

Trong khi đó, theo Phnompenhpost, Campuchia đã xuất khẩu hơn 6.000 tấn hồ tiêu ra thị trường quốc tế trong năm 2023, giảm gần 27% so với năm trước.

Ông Mak Ny, Chủ tịch Liên đoàn Hồ tiêu và Gia vị Campuchia (CPSF), cho biết cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã khiến các đơn đặt hàng sụt giảm. Bên cạnh đó, giá tiêu xuống thấp khiến một số nông dân có tâm lý tích trữ hàng chờ giá lên, dẫn đến việc thu mua của các thương nhân xuất khẩu bị ảnh hưởng.

Hiện Việt Nam đang là nước tiêu thụ hồ tiêu lớn nhất của Campuchia, chiếm hơn 80% tổng lượng xuất khẩu, không bao gồm tiêu Kampot – loại tiêu có Chỉ dẫn địa lý (GI).

Cũng theo Chủ tịch CPSF, sản lượng tiêu của Campuchia vào khoảng 17.000 - 20.000 tấn mỗi năm, với diện tích khoảng gần 7.000 ha. Tuy nhiên, con số này đã giảm khoảng 10- 20% trong thời gian gần đây. Tại Campuchia, hồ tiêu chủ yếu phục vụ nhu cầu xuất khẩu, tiêu thụ trong nước chỉ chiếm 5-7% mỗi năm.

Đóng góp tới 40% nguồn cung cho toàn cầu, Việt Nam vẫn mua 80% lượng hạt tiêu của Campuchia- Ảnh 1.

Là nước xuất khẩu tiêu số 1 thế giới nhưng Việt Nam cũng đang nhập lượng lớn hồ tiêu từ Campuchia, Brazil. Ảnh: T.L

Trong khi đó, theo Hiệp hội Xúc tiến Hồ tiêu Kampot (KPPA), Campuchia đã xuất khẩu 103 tấn tiêu Kampot, loại tiêu có chỉ dẫn địa lý (GI) vào năm ngoái, giảm 11% so với năm 2022. Năm 2023, khoảng 85% lượng hồ tiêu Kampot được xuất khẩu sang châu Âu và 15% còn lại được bán sang các nước khác, bao gồm Mỹ, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Hồ tiêu Kampot có ba loại gồm đen, đỏ và trắng, được bán với giá lần lượt là 15.000 USD/tấn, 25.000 USD/tấn và 28.000 USD/tấn, gấp đôi giá tiêu thông thường.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam trong năm 2023 đạt 265.897 tấn, với giá trị thu về 910,5 triệu USD, tăng 16,3% về lượng nhưng lại giảm tới 19,3% về trị giá so với năm 2023. Như vậy, đây là năm thứ 6 liên tiếp ngành hồ tiêu chưa trở lại mốc kim ngạch xuất khẩu tỷ USD.

Mặc dù vậy, đây vẫn là kết quả khá tích cực xét trong bổi cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, lạm phát và lãi suất duy trì ở mức cao, căng thẳng địa chính trị kéo dài, kéo theo sự sụt giảm về nhu cầu tiêu dùng hàng hóa nói chung và hồ tiêu nói riêng.

Đáng chú ý, trong số các quốc gia sản xuất tiêu hàng đầu thế giới Việt Nam là quốc gia duy nhất ghi nhận xuất khẩu tăng, trong khi Brazil, Indonesia và Ấn Độ đều sụt giảm.

Theo đánh giá chung của các doanh nghiệp, sản lượng tiêu Việt Nam niên vụ 2023 - 2024 dự kiến giảm 10 - 15% xuống 160.000-165.000 tấn do xu hướng chuyển sang trồng các loại cây ăn quả khác có hiệu quả kinh tế hơn.

Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết, bên cạnh thách thức về việc thu hẹp diện tích trước sự cạnh tranh với một số cây trồng khác, ngành hồ tiêu còn đối mặt với hàng loạt yêu cầu mới của các nước nhập khẩu.

Tại EU, quy định của EU về chống phá rừng, không gây nguy hại tới rừng, trước mắt áp dụng cho 6 ngành hàng: cà phê, đậu nành, gỗ, gia súc, ca cao, cao su, sắp tới có thể sẽ áp dụng cho hồ tiêu. Vì vậy VPSA khuyến cáo các doanh nghiệp ngành hàng hồ tiêu cần có sự chuẩn bị trước cho quy định này.

Dù vậy, triển vọng thị trường hồ tiêu năm 2024 là tương đối tích cực khi giá mặt hàng này được dự báo sẽ tăng do thiếu hụt nguồn cung toàn cầu. Thực tế cho thấy, giá tiêu trong đầu vụ 2023-2024 đang cao hơn 35-40% so với cùng kỳ niên vụ trước.

Ông William SC Yii, Giám đốc Công ty Nguong Aik Sdn Bhd (Kuching, Malaysia), cho biết điều kiện thời tiết bất lợi do hiện tượng El Nino gây ra đang ảnh hưởng đến năng suất và thu hoạch hồ tiêu tại một số quốc gia. 

“Dự kiến sẽ có sự thiếu hụt sản lượng hồ tiêu toàn cầu vào năm 2024 do biến đổi khí hậuvà không có nhiều diện tích trồng mới ở các nước sản xuất lớn trong những năm gần đây”, ông William SC Yii nhận định.

Với Việt Nam, nước sản xuất hồ tiêu số 1 thế giới, đóng góp khoảng 40% nguồn cung toàn cầu, sản lượng được dự báo sẽ tiếp tục giảm xuống còn 180.000 - 200.000 tấn vào năm 2024 từ mức 220.000 tấn của năm 2023.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu và gia vị Việt Nam, những đợt mưa lớn kéo dài gần đây ở khu vựcTây Nguyên và các tỉnh phía Nam đã mang đến những khó khăn thách thức cho người trồng tiêu. Điều này đang gây ra những lo ngại về sản lượng có khả năng sụt giảm trong vụthu hoạch tiếp theo vào năm 2024.

Theo ông William SC Yii, năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng hơn 260.000 tấn hồ tiêu, bao gồm cả lượng tồn kho tích luỹ nhiều năm. Xuất khẩu tăng đã làm cạn kiệt nguồn dự trữ tiêu đen của Việt Nam trước khi nước này bắt đầu thu hoạch vụ mùa mới trong dịpTết Nguyên đán vào tháng 2.

Do đó, có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu trong năm 2024 do sản lượng của các nước sản xuất lớn giảm, giá tiêu dự kiến sẽ có xu hướng tăng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem