Nuôi chồn vốn là động vật hoang dã rồi cho ăn hạt cà phê, bán thứ gì mà nông dân Lâm Đồng giàu lên?
Nuôi con vốn là động vật hoang dã này rồi cho ăn một loại hạt thân quen, một nông dân Lâm Đồng giàu lên
Thứ sáu, ngày 19/01/2024 18:56 PM (GMT+7)
Một người nông dân đã có bước đi táo bạo trên đất quê. Tận dụng thuận lợi của thời tiết, khí hậu, ông Nguyễn Văn Dũng, thôn Phú Hiệp 1, xã Gia Hiệp, huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) đã xây dựng mô hình sản xuất cà phê chồn, nuôi chồn, từng bước nâng cao giá trị hạt cà phê, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Một người nông dân đã có bước đi táo bạo trên đất quê. Tận dụng thuận lợi của thời tiết, khí hậu, ông Nguyễn Văn Dũng, thôn Phú Hiệp 1, xã Gia Hiệp, huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) đã xây dựng mô hình sản xuất cà phê chồn, từng bước nâng cao giá trị hạt cà phê, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Vốn là người nông dân cả đời gắn với cây cà phê, ông Nguyễn Văn Dũng trăn trở mãi bởi sản xuất, chăm bón cây cà phê vất vả mà thu nhập của người trồng không ổn định. Làm sao để tăng thu nhập từ chính hạt cà phê Di Linh? Đó là câu hỏi của nhiều người, trong đó có người nông dân xứ cà phê Gia Hiệp.
Ấp ủ ý tưởng thay đổi, sau khi tìm hiểu kỹ thuật qua sách báo, kết hợp với nhiều lần đi thực tế từ các trang trại nuôi cầy hương trên địa bàn Đức Trọng và TP Đà Lạt, ông Nguyễn Văn Dũng đã đầu tư xây dựng chuồng trại riêng biệt để làm “cà phê chồn”.
Ông Dũng đã xây một trang trại riêng, xin phép cơ quan chức năng thực hiện nuôi cầy hương để sản xuất cà phê. Năm 2019, 40 con cầy hương đã được đưa về trang trại, với đầy đủ giấy tờ nguồn gốc hợp pháp.
Ông Nguyễn Văn Dũng chia sẻ, nuôi cầy hương làm cà phê, việc đầu tiên là phải đảm bảo vệ sinh. Khu vực nuôi được bố trí riêng biệt với diện tích từ 1 - 1,5 m2 cho mỗi cá thể chồn hương để đảm bảo có không gian vận động, chuồng sạch sẽ, khô thoáng và tránh ẩm thấp.
Hàng năm, ông đều tiến hành tiêm phòng vắc xin cho chồn. Theo ông Dũng, sản xuất cà phê chồn phụ thuộc vào mùa cà phê chín chứ không thu hoạch đồng loạt như cà phê truyền thống. Đến mùa cà phê chín rộ, khoảng từ tháng 10 đến tháng 12 hàng năm, ông hái cà phê chín về cho chồn ăn.
Ông Dũng, nông dân nuôi chồn rồi cho chồn ăn hạt cà phê, bán cà phê chồn ở xã Gia Hiệp, huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) phơi hạt cà phê thu được từ phân chồn trong bóng mát.
Ngay sau khi hái, các hạt cà phê chín mọng từ 95 - 100% sẽ được vận chuyển về ngay trong ngày, rửa sạch bằng nước muối để tránh nấm, bụi bẩn và để khô rồi mới cho đàn chồn hương ăn. Do trái cà phê được tiêu hoá ở dạ dày loài chồn với tác động của các enzyme tiêu hoá, cấu trúc protein và a xít trong cà phê bị biến đổi, khiến cho hương vị của cà phê đặc biệt hơn.
Sau khoảng 4 tiếng chồn ăn thì cho ra sản phẩm và tiến hành thu gom, ủ từ 1 đến 2 ngày, rửa sạch qua nước lọc tinh khiết và tiến hành phơi gió, tránh ánh nắng trực tiếp. Khi độ ẩm của cà phê chồn đạt từ 11 - 12 độ thì tiến hành bọc kín bằng bao nilon, bảo quản từ 3 đến 4 tháng, sau đó tách vỏ lụa, đem rang, xay và đóng gói.
Là sản phẩm cà phê chất lượng cao nên đòi hỏi quy trình sản xuất, chế biến hết sức kỹ càng và cẩn thận, ông Dũng nói: “Để đảm bảo nguyên liệu sạch, chất lượng và không có hóa chất, gia đình tôi đã chăm sóc 5 sào cà phê Robusta theo hướng hữu cơ.
Con chồn hương đặc biệt nhạy cảm với các loại thuốc trừ sâu hay thuốc bảo vệ thực vật, nếu không chăm cà phê đúng kỹ thuật, chồn ăn vào sẽ ói, bệnh, thậm chí không cứu được. Vì vậy, chăm cà phê an toàn mới đảm bảo được hạt cà phê đủ tiêu chuẩn cho chồn ăn”. Những mùa không có cà phê, bầy chồn được nuôi bằng rau, củ, quả, những thức ăn quanh vườn nhà.
Hiện tại, với 40 con cầy hương được ông Dũng nuôi dưỡng, mỗi năm gia đình sản xuất được từ 5 - 6 tạ cà phê thành phẩm, với giá bán dao động từ 8 - 10 triệu đồng/kg, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Nhằm mục tiêu xây dựng thương hiệu cho hạt cà phê chồn Di Linh, ông Nguyễn Văn Dũng đã xây dựng thương hiệu cà phê Trương Thành và đăng ký sản phẩm OCOP. Trong đợt xét sản phẩm OCOP của huyện Di Linh cuối năm 2023, sản phẩm cà phê chồn của cơ sở Trương Thành đã đạt tiêu chuẩn 3 sao, một dấu mốc đáng khích lệ cho người nông dân.
Là người nông dân, ông Dũng chia sẻ rất đơn giản, ông đang hướng đến xây dựng mô hình hợp tác xã để xây dựng thương hiệu cà phê chồn Di Linh.
Ông cho biết, nhu cầu của thị trường với cà phê chồn hiện còn khá hẹp do khách hàng chưa biết nhiều tới mặt hàng cà phê này. Ông định hướng, sau khi xây dựng được thương hiệu, thị trường ổn định sẽ mở rộng liên kết với nông dân.
Mỗi hộ dân có thể nuôi vài chục con chồn, chăm sóc một diện tích cà phê vừa phải, cà phê chất lượng cao sẽ mang lại hiệu quả kinh tế ổn định hơn. Không những vậy, sau này khách du lịch đến Di Linh sẽ có một sản phẩm lựa chọn để làm quà mang tính đặc trưng địa phương là những hạt cà phê mang hương vị đặc sắc: cà phê chồn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.