Động lực mới cho hồ tiêu Đồng Nai xuất khẩu mạnh sang châu Âu

Nguyên Vỹ Thứ ba, ngày 01/09/2020 18:30 PM (GMT+7)
Với Hiệp định thương mại tự do EVFTA, nhiều mặt hàng nông sản có thế mạnh của Đồng Nai sẽ được hưởng thuế suất 0% như cà phê, hạt tiêu, mật ong... khi vào thị trường châu Âu. Trong đó, hồ tiêu sạch đã có những bước đi vững vàng để đón chờ cơ hội.
Bình luận 0

Tự tin nhờ chất lượng

Năm 2014, HTX Nông nghiệp Lâm San ở xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ) đã được thành lập do ông Nguyễn Ngọc Luân làm giám đốc để khuyến khích nông dân sản xuất hồ tiêu sạch. Mục tiêu HTX hướng tới là tạo nên vùng nguyên liệu bền vững để hạt tiêu Đồng Nai xuất ngoại.

Theo ông Luân, sản xuất tiêu sạch không có nghĩa là không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Vấn đề là khi nào cần và sử dụng bao nhiêu là vừa để hạt tiêu không còn dư lượng thuốc BVTV. 

Muốn làm được như vậy, nông dân phải học và nắm vững kiến thức để thực hành nông nghiệp tốt.

Động lực mới cho hồ tiêu Đồng Nai sang trời Âu  - Ảnh 1.

Người dân thu hái tiêu sạch ở xã Lâm San. Ảnh: Nguyên Vỹ

Các chứng chỉ sản xuất thực hành nông nghiệp tốt như GlobalGAP hoặc hữu cơ vẫn được châu Âu chấp nhận và Đồng Nai đã triển khai từ 5 năm qua. Bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng là yếu quan trong trong EVFTA. Vấn đề giống cây trồng trong các hiệp định cần bảo vệ thì tới đây, ngành sẽ công khai công bố cho người dân biết để tránh nhầm lẫn trong việc khai báo.

Trong năm khởi đầu chương trình tiêu an toàn (2015), HTX hồ tiêu Lâm San đã cung cấp 100 tấn hồ tiêu sang EU. Từ đó đến nay, HTX vẫn không ngừng liên kết với các nông hộ và mở rộng diện tích vùng trồng tiêu sạch. 

Hiện, HTX đã có trên 950 thành viên với diện tích trồng tiêu đạt hơn 920ha.

Anh Vòng Thành - nông dân xã Lâm San kể, được chuyển giao kỹ thuật cũng như các nguyên liệu đầu vào cần thiết, 4 năm trước, anh Thành đã cùng 20 nông hộ khác tham gia nhóm canh tác chỉ sử dụng phân bón hữu cơ để thay thế phân hóa học. 

Sản xuất hữu cơ tuy năng suất không cao nhưng bù lại, đất đai màu mỡ, cây trồng không bị kiệt sức, sức khỏe nông dân và người dùng đảm bảo. 

"Và quan trọng hơn là hồ tiêu có đầu ra ổn định" - anh Thành nói.

Ông Luân kể, từ khi HTX chính thức xuất tiêu sang châu Âu đến nay, nhờ cắt giảm khâu trung gian, nâng cao chất lượng sản phẩm nên giá thu mua tiêu nguyên liệu ở các hộ trồng tiêu sạch là thành viên của HTX luôn cao hơn so với giá thị trường 200 USD/tấn. 

Dự kiến năm nay, HTX xuất khẩu 500 tấn tiêu sọ và 1.000 tấn tiêu đen. Trong đó, 85% sản lượng được xuất sang thị trường châu Âu, còn lại xuất sang Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Chuẩn bị cho con đường dài lâu

Đã cạnh tranh là phải bắt đầu từ chất lượng và hội nhập là cuộc chơi lâu dài, đó là quan niệm của ông Nguyễn Ngọc Luân. Xây dựng năng lực cạnh tranh bền vững là con đường hồ tiêu Lâm San bền bỉ theo đuổi trong hơn 10 năm qua.

Tất nhiên, những hàng rào kỹ thuật, các rào cản phi thuế quan sẽ ngày càng nghiêm ngặt hơn. Trong đó, châu Âu rất đặt nặng vấn đề phát triển bền vững. Những yêu cầu này, HTX Lâm San đã chuẩn bị và thực hiện từ rất sớm nên rất tự tin.

Từ trước khi có các FTA, tiêu sạch của Lâm San đã đi châu Âu. "Nay EVFTA có hiệu lực càng tạo thêm động lực để hồ tiêu Lâm San nói riêng và nông sản Đồng Nai hoàn thiện mình, để tiến xa hơn vào thị trường khó tính này" - ông Luân nói.

Theo ông Lương Thành Trung – Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp tỉnh, Đồng Nai đã hình thành được nhiều vùng chuyên canh hồ tiêu với diện tích lớn như ở vùng Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Định Quán... 

Ở các vùng này đều có các cơ sở sản xuất được chứng nhận an toàn thực phẩm, GAP hoặc Organic.

Chính sách hỗ trợ liên kết bền vững được tiến hành song song với hỗ trợ cho nông dân và doanh nghiệp tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ. 

Thực tế, đã có nhiều nông dân thay đổi thói quen canh tác. Những người như anh Vòng Thành thay vì chạy theo đại trà năng suất, đã liên kết lại trong các tổ nhóm tập trung canh tác sạch.

Đồng Nai tin rằng hồ tiêu vẫn là cây trồng chủ lực mang lại giá trị cao. "Trồng tiêu theo hướng sạch, hữu cơ cùng định hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, nghề hồ tiêu vẫn sống tốt ở vùng đất này" - ông Trung chia sẻ.

Còn theo ông Trần Lâm Sinh – Phó Giám đốc Sở NNPTNT, không chỉ hồ tiêu mà nhiều mặt hàng nông sản khác của tỉnh cũng đã có bước chuẩn bị khá tốt từ nhiều năm qua. 

Biết là hàng rào kỹ thuật sẽ khắt khe nhưng nông sản Đồng Nai tin tưởng bắt kịp dòng chảy hàng hóa vào EU. Cụ thể, EVFTA sẽ tác động nhiều mặt lên nông nghiệp tỉnh Đồng Nai từ thủy sản, chăn nuôi cho tới trồng trọt. Đặc biệt, sẽ có nhiều mặt hàng hưởng thế lợi nhanh hơn như hạt tiêu, mật ong...

Việc kiểm dịch thực vật, tỉnh cũng có những vùng trồng thanh long xuất đi châu Âu, đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Sản phẩm có lợi thế là bưởi Tân Triều, chôm chôm Long Khánh... đều đã có chỉ dẫn địa lý của Đồng Nai. Tiếp đó là nhóm sản phẩm cà phê rang xay, cà phê nhân có lợi thế khi mức thuế giảm mạnh.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem